Vậy là một năm cũ đã sắp kết thúc và năm mới lại đang gõ cửa làng game Việt rồi. Làng game Việt kết thúc năm 2011 với nhiều sự kiện đáng nhớ và cả đáng quên nữa. Trước khi kết thúc năm 2011, mời các bạn game thủ cùng GameLandVN điểm lại một số sự kiện nổi bật nhất của làng game Việt trong năm 2011 nhé.
1. Game thủ đầu tiên được nhận bằng khen từ Thủ tướng
Kể từ khi game online được khai sinh tại Việt Nam đến nay, lần đầu tiên có một game thủ được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng. Người may mắn nhận được bằng khen từ Thủ tướng là Tô Trung Hiếu, một game thủ nổi tiếng của làng game Việt. Vận động viên esport sinh năm 1986 được biết đến như một tượng đài của FIFA Online 2 tại Việt Nam. Anh từng tham gia vào rất nhiều giải đấu quốc tế và mang lại nhiều vinh quang cho Tổ quốc.
Cùng với việc Tô Trung Hiếu nhận được bằng khen từ Thủ tướng, FIFA Online 2 cũng lần đầu tiên được công nhận là một môn thể thao điện tử chính thống. Theo đó, các game thủ đứng đầu chế độ 1vs1 và 2vs2 của trò chơi này sẽ được phong cấp Kiện tướng. Người đứng thứ hai và thứ ba sẽ được được phong cấp Vận động viên cấp 1. Các vận động viên được phong cấp Kiện tướng và Vận động viên cấp 1 sẽ được ưu tiên xét duyệt hoặc tuyển thẳng vào đại học.
2. Game bắn súng thuần Việt được trình làng
Năm 2011 cũng là năm chứng kiến sự lên ngôi của các tựa game do Việt Nam phát triển. Một trong những tựa game nhận được sự quan tâm nhất của giới game thủ Việt trong suốt năm qua là tựa game bắn súng 7554 do Emobi Games phát triển. Đây là trò chơi bắn súng chất lượng cao đầu tiên của Việt Nam có bối cảnh thuần Việt 100%. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Huy, giám đốc Emobi Games thì trò chơi này đã tiêu tốn 17 tỉ đồng trong quá trình sản xuất.
7554 vừa được Emobi Games đưa lên kệ vào ngày 16/12/2011 vừa qua. Các game thủ có thể đặt mua trực tiếp tại một số địa điểm bán hàng trực tiếp tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các game thủ còn thể download và đặt mua trực tuyến thông qua một số kênh phân phối liên kết phát hành với Emobi Games. Phiên bản đặc biệt của trò chơi này sẽ được trình làng trong ngày hôm nay (19/12/2011).
3. Game Việt xuất khẩu ra thị trường quốc tế
Lại thêm một tin vui nữa với làng game Việt trong năm 2011. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có thể tự sản xuất những tựa game chất lượng cao và cạnh tranh được với các tựa game cùng thể loại trên quốc tế. Tựa game đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản là Ủn Ỉn do công ty VNG sản xuất và phát hành trên mạng xã hội Yahoo! Mobage cùng với công ty DeNA.
Cùng với Ủn Ỉn, VNG còn có một tựa game khác được xuất khẩu sang Trung Quốc là Khu Vườn Trên Mây. Ngoài ra, hãng FGame cũng trình làng tựa game đầu tay – Jay Online – trên mạng xã hội Yahoo! Asia Game. Ngoài ba tựa game vừa kể trên, VTC Game cũng đang rục rịch mang một số tựa game do hãng này tự phát triển tấn công thị trường thế giới.
4. Webgame tung hoành tại Việt Nam
Năm 2011 cũng là năm đánh giá sự thăng hoa của các trò chơi trực tuyến trên trình duyệt. Suốt 12 tháng vừa qua, có tới hàng chục webgame mới với đủ mọi thể loại liên tục cập bến Việt Nam. Không chỉ làm mới với các webgame nhập khẩu từ nước ngoài, các công ty game trong nước còn tung ra một số tựa game tự sản xuất cũng như hợp tác phát hành để đưa một số tựa game cũ lên mạng xã hội nữa.
Mặc dù số lượng webgame mới ra mắt nhiều nhưng thành công lại không được bao nhiêu. Ở thể loại webgame chiến thuật, Tam Quốc Truyền Kỳ là đại diện sáng giá cho ngôi vị quán quân. Võ Lâm Chi Mộng mặc dù mới ra mắt chưa lâu nhưng đã nhanh chóng chiếm ngôi đầu ở thể loại webgame nhập vai. Ở mảng casual, Gunny vẫn thể hiện sự “bá đạo” của mình với doanh thu mỗi tháng lên tới vài chục tỉ đồng.
5. Sự lên ngôi của game di động và game mạng xã hội
Cùng với sự thăng hoa của game thể thao điện tử và webgame, game di động và game mạng xã hội là những thể loại game phát triển mạnh nhất trong suốt 1 năm vừa qua. Năm 2011 cũng là năm đầu tiên đánh dấu sự thâm nhập của game di động trực tuyến vào Việt Nam. Do không cần giấy phép phát hành như các tựa game trực tuyến khác nên thể loại này đã nhanh chóng “sinh sôi nảy nở” với khoảng gần chục tựa game được ra mắt.
Cùng với sự lên ngôi của mạng xã hội trên toàn thế giới, game mạng xã hội tại Việt Nam đã có một bước nhảy vọt trong năm vừa. Các mạng xã hội trong nước thi nhau cạnh tranh bằng việc liên tục tung ra các trò chơi mới, tự phát triển có, nhập khẩu cũng có. Kho game mạng xã hội lớn nhất hiện nay thuộc về Zing Me. Theo thống kê sơ bộ của GameLandVN thì ZingMe hiện đang “chứa chấp” tới 50 trò chơi với đủ mọi thể loại khác nhau.
6. Đợi “dài cổ” chờ luật mới
Bắt đầu từ tháng 07/2010, làng game Việt đã bị xiết “vòng kim cô” bởi việc dừng cấp phép cho game online mới. Chính “vòng kim cô” này đã gây tác động sâu sắc đến chất lượng dịch vụ và việc triển khai sản phẩm của doanh nghiệp game trong nước. Các công ty game và các game thủ phải chờ đợi đến “dài cổ” bởi quy định quản lý trò chơi trực tuyến mãi vẫn không được công bố.
Cuối tháng 10, Bộ TT-TT mới công bố bản dự thảo mới về việc quản lý nội dung trực tuyến năm 2012, trong đó có quy định liên quan đến hạn chế giờ chơi và giao dịch vật phẩm ảo. Tuy nhiên, bản dự thảo này vẫn đang trong quá trình thẩm định và thu thập ý kiến đóng góp từ các cơ quản quản lý, chuyên gia trong ngành và người dân để hoàn thiện.
7. Làng game lĩnh án oan vì Lê Văn Luyện
Vụ thảm án ở tiệm vàng tại Bắc Giang vào cuối tháng 08/2011 đã làm dư luận cả nước phẫn nộ vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của nó. Thủ phạm gây án là Lê Văn Luyện đã sát hại đôi vợ chồng chủ tiệm vàng và con gái 18 tháng tuổi của họ. Thậm chí, bé gái 8 tuổi của đôi vợ chồng bất hạnh này còn bị tên Luyện chém đứt lìa bàn tay.
Qua gặp gỡ và phỏng vấn trực tiếp Lê Văn Luyện, một số trang báo đã nắm bắt được một số thông tin về nguyên nhân cướp tiệm vàng của Luyện và bắt đầu đổ vạ cho game online. Mặc dù không có chứng cứ khoa học nào cho thấy sự liên quan giữa yếu tố bạo lực trong game và ngoài đời, nhưng một số phương tiện truyền thông trong nước vẫn cố tình quy kết tội danh của Luyện cho game online. Đây là một quan điểm hoàn toàn phiến diện và không dựa trên bất cứ một cơ sở khoa học thực tiễn nào cả.