Đố bạn app nào được download nhiều nhất năm 2011? Facebook? Twitter hay app bản đồ nào khác? Không, đó là Angry Birds, trò chơi gây nghiện cho hàng triệu người trên thế giới!
Đôi nét về Rovio, nhà phát triển Angry Birds
Trò chơi được phát triển bởi hãng Rovio. Mục tiêu của hãng là trở thành Disney tiếp theo trên thế giới: một công ty tạo ra những nhân vật đáng yêu và kiếm tiền từ thương hiệu của những nhân vật đó bằng mọi cách có thể. Với 100 triệu đô doanh thu năm 2011, chỉ 2 năm sau khi hãng gần như phá sản, có vẻ Rovio đang đi đúng hướng trên con đường của mình.
Rovio được thành lập năm 2003 và chủ yếu phát triển game cho các công ty khác. Hãng đã phát triển 51 game trước khi gặp khó khăn và suýt phá sản. Tuy nhiên, vào tháng 12 2009, Rovio kịp cho ra mắt Angry Birds và nhanh chóng trở thành “hit” chỉ trong vài tháng.
Tới thời điểm cuối năm 2011, Angry Birds đã được download hơn 600 triệu lần, tính tất cả các hệ điều hành và gồm cả bản trả phí và miễn phí. Điều này khiến Angry Birds trở thành game được download nhiều nhất lịch sử trong khi chỉ tốn có 140 nghìn đô la phát triển.
Các nguồn doanh thu của Rovio
Rovio kiếm tiền qua 4 cách chính là thu phí bản không quảng cáo, quảng cáo trong bản miễn phí, tiến hành hợp tác và nhượng quyền thương hiệu và bán đồ sưu tập, lưu niệm
Với game Angry Birds
Một số báo cáo chỉ ra rằng 2/3 doanh thu của công ty đến từ nguồn này. Angry Birds chỉ là một game nhưng lại có nhiều bản khác nhau (Angry Birds Seasons, Angry Birds Rio, …) và chạy trên nhiều hệ máy khác nhau. Giá game dao động từ 0 đô la (kèm quảng cáo) tới 2.99 đô la cho bản HD trên máy tính bảng.
Nhìn vào doanh thu của Rovio chúng ta có thể thấy được phần nào mức độ phổ biến của Angry Birds: Nếu năm 2010, Rovio chỉ có khoảng 10 triệu đô la doanh thu thì chỉ sau 1 năm, hãng đã nâng con số này lên gấp 10 lần, đạt 100 triệu đô la doanh thu năm 2011.
Quảng cáo và hợp tác với các công ty khác
Quảng cáo xuất hiện thường xuyên tại những bản game miễn phí. Quảng cáo rất quan trọng với công ty và là nguồn thu lớn thứ hai, sau tiền lấy từ bán game.
Peter Vesterbacka, nhà đồng sáng lập Rovio, tuyên bố rằng Angry Birds có 10 tỉ quảng cáo một tháng và cho rằng đây không phải là một trò chơi đơn thuần mà là một mạng lưới quảng cáo thách thức cả Google.
Rovio tiến hành hợp tác với nhiều hãng khác để tăng thêm doanh thu, Wonderful Pistachios là một trong số đó. Bản Angry Birds trên trình duyệt Chrome xuất hiện logo của Wonderful Pistachios với thông điệp cho người chơi rằng khi mua túi xách từ hãng này, họ có thể mở khóa các tính năng mới của game (thông qua các đoạn mã được cung cấp khi mua túi) hay nhận các phần thưởng khác.
Đó chỉ là một ví dụ về cách Rovio mở rộng “địa bàn hoạt động” của mình bằng cách đưa các sản phẩm thực tế vào quá trình chơi game thay cho những quảng cáo không liên quan, người dùng được khuyến khích tương tác nhiều hơn với game, với người khác và với các sản phẩm này.
Rovio cũng đang dần sử dụng nhiều yếu tố tương tác và xã hội hơn trong game của mình. Ví dụ như với bản Angry Birds Roku, người chơi chỉ việc cầm điều khiển và vẫy tay trước màn hình để chơi. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Rovio và Roku, một hãng dịch vụ nội dung trực tuyến. Ngoài ra, hãng cũng liên kết với Google+, Facebook và tổ chức các sự kiện thực tế để người chơi có cơ hội chơi theo nhóm hoặc thách đấu với nhau để giành phần thưởng.
Bán vật phẩm sưu tầm, lưu niệm
Bước tiếp theo của Rovio là mở rộng mạng lưới mua bán và số lượng địa điểm bán lẻ. Công ty bắt đầu bán hàng online khoảng hai năm trước và có rất nhiều mặt hàng cho bạn lựa chọn. Chúng ta có thể tìm thấy mọi thứ liên quan đến Anggry Birds, từ vỏ điện thoại cho tới dép đi trong nhà. Thậm chí có thể tìm thấy một quyển sách dậy nấu các món trứng cũng được “dán nhãn” Angry Birds. Điều này có vẻ…chả liên quan vì mục đích của những chú chim trong game là cứu những quả trứng thay vì ăn chúng. Nhưng xét cho cùng thì sự vô lý đó cũng đâu cản trở quá trình bán sách (hay các sản phẩm khác) vì bản thân các nhân vật dễ thương trong game cũng đủ để lôi kéo khách hàng rồi. Các sản phẩm Rovio bán hiếm khi tồn hàng vì đơn giản, chúng quá hút khách!
Tuy vậy, tính đến đầu năm 2012, Rovio mới mở một cửa hàng thực sự tại Helsinki, Phần Lan, nơi “đóng quân” của hãng. Dù mới mở cửa từ khoảng tháng 11/2011 nhưng theo Peter Vesterbacka, cửa hàng này đã có lãi chỉ sau vài ngày hoạt động! Rovio thông báo doanh thu từ bán đồ lưu niệm chiếm khoảng 10 đến 20% tổng doanh thu của hãng.
Rovio từng hướng đến thị trường chính là Mỹ và Anh nhưng hiện tại, công ty bắt đầu chú ý nhiều hơn đến thị trường Trung Quốc. Quốc gia này đang là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ về mức độ phổ biến của Angry Birds.
Văn phòng đại diện thứ hai của Rovio được mở tại Thượng Hải và Vesterbacka nói rằng ông muốn có 200 cửa hàng bán lẻ Angry Birds trên khắp Trung Quốc. Hãng nhắm tới “đạt 100 triệu đô tiền bán vật phẩm tại Trung Quốc chỉ trong năm đầu hoạt động”.
Rovio “ăn điểm” nhờ hệ thống marketing tuyệt vời
Với những thành công trong thời gian ngắn như vậy, câu hỏi là “Liệu Rovio có duy trì được thành công khi đang dựa quá nhiều vào một thương hiệu duy nhất, dù cho nó có nhiều sản phẩm và kênh phân phối hỗ trợ?”. Các phân tích sau đây có thể phần nào trả lời câu hỏi đó.
Disney cũng thành công chỉ dựa trên một hình mẫu chuột Mickey. Và nếu đi đúng hướng, Rovio cũng hoàn toàn có thể thành công. Hãng đang sở hữu những lợi thế còn lớn hơn nhiều so với việc nhượng quyền thương hiệu Angry Birds để kiếm doanh thu.
“Disney có giá trị 60 tỉ đô, chúng tôi còn xa mới tới giá trị đó. Tuy vậy trong vòng 5 đến 10 năm tới, chúng tôi muốn được như họ”, dẫn lời Vesterbacka. Vào cuối năm 2011, Rovio có giá trị khoảng 2,25 tỉ đô – giá khi Zynga hỏi mua công ty.
Ngoài doanh số “khủng”, Rovio còn có nhiều mối quan hệ tốt với khách hàng và công chúng. Rất khó để tìm một bài báo…chê công ty này. Bộ phận lãnh đạo rất cởi mở và nhận lời phỏng vấn thường xuyên. Tài khoản Twitter chính thức của công ty phản hồi lại từng ý kiến của khách hàng. Blog của công ty liên tục cập nhật những thông tin về ngày ra mắt các sản phẩm mới, bản vá hay các mẩu chuyện theo phong cách vui nhộn và thường kết thúc với cụm từ “quạc quạc” quen thuộc của các chú chim điên.
Quan trọng hơn cả, công ty đang chạy những chiến dịch marketing thú vị và thông minh. Họ không có quảng cáo nào đặc thù, nhưng Peter Vesterbacka gần như luôn luôn mặc chiếc áo có hình chú chim màu đỏ (biểu tượng độc đáo của Angry Birds). Hãng cũng khôn khéo hợp tác với nhiều công ty khác như liên kết với hãng phim Fox cho ra đời Angry Birds Rio cùng thời điểm bộ phim Rio ra rạp – một bước đi có lợi cho cả hai phía. Hay cho thêm một số phần thưởng nhỏ nếu người dùng mua hàng từ cửa hàng của Barnes & Noble. Và có thể trong vài năm tới, một bộ phim về Angry Birds sẽ xuất hiện ngoài rạp cũng nên! (Rovio vừa thuê một cựu giám đốc điều hành của Marvel để thực hiện dự án này).
Các lý do Rovio có thể thành công trong tương lai:
Rovio có một lượng fan đông đảo và hùng hậu trên toàn thế giới và trên nhiều thị trường hãng tham gia. Họ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách thường xuyên mua các đồ sưu tập, down các bản update và mua những bản mới của game. Lòng trung thành này vẫn chưa có chiều hướng suy giảm trong những năm qua.
Công ty đang được điều hành bởi một đội ngũ sáng tạo, thông minh và giàu nhiệt huyết, dám đương đầu với rủi ro (ví dụ nhưng không bán mình cho Zynga), có lòng kiên nhẫn (từng làm 51 game trước Angry Birds) và hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm và các fan của họ.
Lượng người dùng và doanh thu của Rovio tăng nhanh chóng chứng tỏ công ty đang có một cơ hội rất lớn để phát triển hơn nữa.
Mới đây, hai game mới của hãng là Amazing Alex và Bad Piggies cũng nhận được phản hồi rất tích cực từ phía người dùng.
Theo: GIK