Khi game Điện Biên Phủ 7554 ra mắt nửa năm trước đây, các tác giả của nó tại công ty Emobi Games chắc chắn cảm thấy vui sướng và mãn nguyện. Được ca ngợi là PC game thế hệ mới đầu tiên Việt Nam tự sản xuất, Điện Biên Phủ 7554 cũng là trò chơi điện tử đầu tiên ở trong nước sử dụng công nghệ thiết kế 3D hiện đại.
Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Emobi Games, nói: “Cho tới nay, các công ty chỉ làm công việc nhập game ở nước ngoài rồi thay đổi đôi chút cho thị trường trong nước. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để các game thủ Việt Nam chơi game Việt”.
Huy, 32 tuổi, và các cộng sự tại Emobi Games mất tới hai năm để có thể đưa ra game Điện Biên Phủ, mà nội dung dựa trên trận đánh lẫy lừng chống Pháp hồi năm 1954. Trong trò chơi này, người chơi sẽ vào vai các bộ đội Việt Nam chiến đấu chống lại quân Pháp.
Thế nhưng dù đã kết hợp của cả hai “độc chiêu” là tinh thần dân tộc và công nghệ 3D, Điện Biên Phủ vẫn không mang lại được hiệu quả về kinh tế. Bán được chừng 5.000 bản ở Việt Nam và 500 bản ở nước ngoài, Emobi Games thu được chừng một tỷ đồng, tức khoảng 50.000 đôla, tương đương 6% chi phí làm game.
Nguyễn Tuấn Huy thừa nhận: “Người Việt Nam vẫn chưa có tâm lý tin tưởng vào các sản phẩm của Việt Nam”. Tuy nhiên, đối với Huy và đội ngũ Emobi Games, Điện Biên Phủ vẫn là thành công. “Chúng tôi đã chứng tỏ là người Việt Nam cũng có thể sáng tạo và nắm bắt công nghệ tiên tiến không kém gì các nước khác”.
Hiện các nhà lập trình của Emobi Games đang chuẩn bị đưa ra game mới mang tên 2112, lần này là game trực tuyến.
Thay đổi vũ bão
Nguyễn Tuấn Huy và 28 đồng sự là đội hình tiêu biểu cho một thế hệ mới các doanh nhân Việt Nam, những người không ngại thách thức và nhanh chóng bắt kịp các trào lưu hiện đại.
Việt Nam đã tiến một bước dài từ một đất nước lạc hậu về công nghệ trở thành một trong những thị trường IT phát triển nhanh chóng nhất thế giới.
Thịnh Nguyễn, một chuyên gia về công nghệ thông tin từ Silicon Valley đã làm việc ở Việt Nam 10 năm nay, nhận xét rằng thị trường Việt Nam thay đổi như vũ bão.
Ông Thịnh đi khỏi Việt Nam năm 1975 nhưng quay trở về thành lập công ty phần mềm Pyramid Software Development ở TP Hồ Chí Minh năm 2002. Sau đó ông đã bán công ty này, và nay hoạt động với tư cách nhà tư vấn và đầu tư. Ông nói: “Mười năm trước, số công ty IT có thể đếm trên đầu ngón tay”.
Nay một số thống kê chưa đầy đủ cho hay có hơn 750 công ty phần mềm ở trong nước với trên 35.000 nhân viên. Trong số đó 150 đang làm gia công (outsourcing). Việt Nam được cho là một trong năm thị trường outsourcing sôi động nhất châu Á.
Các công ty Việt Nam đang gia công không những phần mềm và game cho các công ty nước ngoài, mà còn bắt đầu xuất khẩu rất nhiều phần mềm ứng dụng (apps) cho điện thoại di động ra thế giới.
Dân số trẻ và giá nhân công rẻ là hai lợi thế chính của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cho đây là hướng đi tốt trong nền kinh tế.
Charles Speyer, đồng sáng lập Glass Egg Digital Media, một công ty gia công game và phần mềm nổi tiếng ở Việt Nam, nói môi trường khá “thân thiện đối với các công ty phần mềm”. “Chúng tôi được cấp giấy phép trong chưa đầy một tuần từ khi nộp đơn. Tại Glass Egg chúng tôi phải huấn luyện người thiết kế 3D nhưng nhiều sinh viên vừa ra trường đã có thể lập trình tốt rồi.”
Nhưng ông Speyer cảnh báo rằng tuy tiềm năng thì có nhiều, nhưng thị trường sáng tạo ở Việt Nam cần nhiều thời gian vì hệ thống giáo dục chưa theo kịp. “Hệ thống giáo dục hiện tại chưa khuyến khích được sáng tạo và tôi cũng chưa thấy có gì thay đổi lớn trong lĩnh vực này trong tương lai gần”.
Tính cạnh tranh
Về phần mình, ông Thịnh Nguyễn cũng tỏ ra dè dặt. Ông cho rằng các công ty IT của Việt Nam có tiềm năng lớn, nhưng tính cạnh tranh “còn yếu”. Nguyên do chính, theo ông, là thiếu đầu tư và thiếu nhân lực. “Làm các apps cho điện thoại di động thì không cần nhiều, nhưng để cho ra được các sản phẩm tiêu chuẩn cao, cạnh tranh được với quốc tế, thì cần nhiều nhà lập trình hơn bây giờ rất nhiều”.
Với gần mười vạn sinh viên tốt nghiệp các khóa học IT, người ta tự hỏi tại sao mà lại có thể thiếu lập trình viên. Nhưng đây lại là sự thực, và một trong các lý do là chính sách nhân lực của Việt Nam.
Nguyễn Long, một người viết phần mềm đang được nhắc đến nhiều ở trong nước, khẳng định: “Khả năng sáng tạo của người Việt Nam không thua bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, thậm chí là còn có những ý tưởng độc đáo hơn các nước”.
Long mới 23 tuổi và còn là sinh viên, nhưng đã là tác giả của 17 apps cho điện thoại Blackberry, trong có SayIt, phần mềm nhận dạng giọng nói khá nổi tiếng. Long cho rằng: “Nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chúng ta chỉ dừng lại ở việc gia công phần mềm đó là do các ý tưởng của người Việt chưa được nhà nước hỗ trợ chứ chưa nói đến đầu tư. Chính vì thế, ngay cả bản thân em cũng sẽ sang nước ngoài để phát triển khả năng của mình cũng như mở công ty riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin”.
Theo: BBC