Cảm biến nhỏ xíu của Murata nhúng trong máy tính bảng, smartphone cho phép người dùng thực hiện các động tác điều khiển vuốt, zoom mà không cần chạm vào màn hình của máy.
Hãng Murata Manufacturing của Nhật Bản đã trình diễn cơ chế hoạt động của cảm biến này lần đầu tiên tại triển lãm CEATEC 2012 ở Nhật Bản.
Cảm biến chỉ “nhỉnh” hơn chút xíu so với đầu bút bi, có 3 nguồn phát xạ hồng ngoại và 1 cảm biến bên trong. Ba nguồn phát này được bố trí thành hình tam giác (dạng chữ “v”) và tắt/mở đồng bộ với nhau đảm bảo cho tại 1 thời điểm chỉ duy nhất có 1 nguồn phát ra tia hồng ngoại. Chính cơ chế sắp xếp, tắt/mở đồng bộ này làm cho cảm biến có thể phát hiện ra cử chỉ của người dùng.
Lấy ví dụ về việc vuốt từ phải sang trái, như khi người sử dụng máy tính bảng muốn lật trang sách hoặc nhảy sang bức ảnh tiếp theo trong album.
Khi bàn tay của người sử dụng được đưa qua bộ cảm biến, tia hồng ngoại phát ra từ nguồn phát ngoài cùng bên phải sẽ chạm vào bàn tay đầu tiên, tiếp theo đến tia phát ra từ nguồn ở đỉnh của chữ “V”, sau đó mới đến tia phát ra từ nguồn ngoài cùng bên trái. Bằng cách phân tích trình tự, bộ cảm biến có thể xác định đó có phải là cử chỉ vuốt từ phải sang trái hay không. Ta cũng phân tích tương tự với việc vuốt từ trái sang phải, từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên.
Cảm biến có thể đo ánh sáng phản xạ qua đó phát hiện số lượng ngón tay được sử dụng để vuốt. Trong trường hợp vuốt 2 ngón, sẽ có một lỗ nhỏ trong ánh sáng phản xạ do khe hở giữa các ngón tay gây ra. Khả năng cảm nhận chiều sâu của thiết bị (mà Murata nói rằng hoạt động trong khoảng dưới 10cm) cũng có thể được sử dụng để phát hiện xem bàn tay đang tiến đến gần hay đưa ra xa cảm biến. Trong cuộc trình diễn ở triển lãm CEATEC, cảm biến đã được sử dụng để điều khiển việc zoom đơn giản.
Thiết bị này vẫn là mẫu thử nghiệm và công ty cho biết, hình dạng cuối cùng của nó sẽ phụ thuộc vào ý muốn của khách hàng. Việc sản xuất hàng loạt cũng phụ thuộc vào các đơn đặt hàng nhận được từ khách hàng.
Theo: PC World VN