Hàng tháng, trang App Annie đều đưa ra những thống kê về thị trường ứng dụng toàn cầu. Và mới đây, App Annie đã công bố số liệu mới về thị trường game di động toàn cầu trong tháng Năm vừa qua. Số liệu của App Annie mới công bố có khá nhiều thông tin thú vị, trong đó Candy Crush Saga đã vượt mặt Puzzle & Dragons về mặt doanh thu trên App Store. Không chỉ có vậy, Candy Crush Saga còn còn là tựa game có số lượt tải nhiều nhất trên App Store và Google Play.
Ở bảng xếp hạng các nhà phát hành game, Electronic Arts đang dẫn đầu trên App Store với 829 game. Đứng thứ hai là Gameloft với 258 game. Ba vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng này lần lượt thuộc về Rovio, King và Zynga. Xếp ở vị trí thứ 10 là hãng Kabam, hãng này đã vượt 128 hạng nhờ tựa game đua xe mới ra Fast & Furious 6: The Game. Hãng George CL đến từ Australia cũng có sự tăng trưởng đáng ngưỡng mộ với việc tăng 79 hạng để xếp ở vị trí thứ 9. Theo App Annie, sự tăng trưởng của George CL có sự đóng góp không nhỏ từ sự thành công của Little Dentist.
Trên Google Play, Rovio đang là nhà phát hành có số lượt tải game nhiều nhất chỉ với 15 game. Đứng ngay sau Rovio là Electronic Arts với 121 game và King với 2 game. Imangi Studios bị tụt 1 hạng so với tháng trước và đứng ở vị trí thứ 4. ZeptoLab nhờ sự thành công của Cut the Rope: Time Travel đã leo lên vị trí thứ 5, tăng 6 hạng so với tháng trước. Pie Labs đến từ Nga là một cái tên mới toanh trên bảng xếp hạng Google Play. Theo đánh giá của App Annie, sự thành công của Pie Labs là nhờ hai ứng dụng iPhone Lock Screen Theme và Fingerprint Screen Lock.
Xét về mặt doanh thu, Supercell vẫn đang là tiếp tục là người dẫn đầu trên bảng xếp hạng doanh thu của App Store. Năm vị trí tiếp theo vẫn được giữ nguyên từ tháng trước là GungHo Online, King, Electronic Arts, GREE và Kabam. Hãng DeNA đến từ Nhật Bản đã bị tụt 2 hạng rơi xuống vị trí thứ 9. LINE thì lại tăng 2 hạng để có mặt ở vị trí cuối cùng trong top 10. Hai công ty còn lại có tên trong bảng xếp hạng doanh thu trên App Store là Storm8 và Gameloft. Mỗi công ty này đều tăng 1 hạng so với tháng trước.
Tại bảng xếp hạng doanh thu của Google Play, GungHo Online vẫn chứng tỏ được sự “bá đạo” của mình khi hãng này vẫn giữ được vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng doanh thu. Ba hãng game tiếp theo lần lượt là CJ E&M, LINE và DeNA. Các hãng này đã có sự tăng trưởng nhẹ so với tháng trướng. WeMade, GREE và Electronic Arts là những công ty bị tụt hạng so với tháng trước. Trái ngược với các hãng này là là sự tăng trưởng của COLOPL, King và Devsisters.
Xét về lượt tải hàng tháng, Candy Crush Saga hiện vẫn đang đứng ở vị trí đầu tiên trên App Store. Đứng thứ hai là một tựa game mới toanh của hãng Kabam mang tên Fast & Furious 6: The Game. Iron Man 3 của Gameloft hiện đang đứng ở vị trí thứ ba, tựa game này đã tăng 4 hạng so với tháng trước. Xếp ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Hardest Game Ever 2, Angry Birds Friends, Tetris Blitz, FallDown! 2, Little Dentist, Fruit Mania và Running with Friends. Ngoài Hardest Game Ever 2 đã có tên từ tháng trước thì các tựa game còn lại đều là những tựa game mới và lần đầu tiên có mặt trên bảng xếp hạng lượt tải của App Store.
Candy Crush Saga tiếp tục là tựa game có lượt tải nhiều nhất trên Google Play. Nhờ thành công vượt bậc của Candy Crush Saga mà King trở thành một trong những công ty phát triển game di động hàng đầu trên App Store và Google Play. Hai tựa game đứng kế tiếp Candy Crush Saga vẫn là Subway Surfers và Temple Run 2.
Xét về mặt doanh thu trên App Store, Candy Crush Saga đã tăng liền 2 bậc so với tháng trước và đá đít Puzzle & Dragons ra khỏi vị trí số 1. Puzzle & Dragons và Clash of Clans bị tụt 1 hạng so với tháng trước và hiện đang xếp kế tiếp Candy Crush Saga. Hai vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Hay Day và The Simpsons: Tapped Out. Hai vị trí này vẫn được giữ nguyên từ tháng trước.
Trên Google Play, Puzzle & Dragons vẫn là tựa game có doanh thu nhiều nhất. Tuy nhiên, vị trí này có thể sẽ bị thay đổi trong tháng Sáu bởi Candy Crush Saga đã tăng 1 hạng và chiếm giữ vị trí thứ hai. Các tựa game tiếp theo trên bảng xếp hạng đều là các tựa game dành riêng cho các ứng dụng nhắn tin miễn phí Kakao và LINE. Chính vì vậy, không có gì lạ khi các tựa game này đều có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ảnh: Tổng hợp