Vào sáng ngày hôm qua (27/09/2011), công ty VNG đồng thời tiến hành thử nghiệm cả hai sản phẩm webgame là Võ Lâm Chi Mộng và Ani World. Võ Lâm Chi Mộng là webgame nhập vai do công ty Niua (Trung Quốc) phát triển. Còn Ani World là sản phẩm nội địa do chính TO Studio trực thuộc công ty VNG phát triển. Cả hai sản phẩm này đều sẽ có mặt trên Zing Me khi ra mắt phiên bản chính thức.
Võ Lâm Chi Mộng = Tây Du Ký + Kiếm Thế
Là một webgame nhập vai kiếm hiệp nên bối cảnh của Võ Lâm Chi Mộng được thiết kế dựa trên bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ của nhà văn Kim Dung với sự xuất hiện của các nhân vật đã quá quen thuộc với người chơi Việt Nam như: Dương Quá, Tiểu Long Nữ, Quách Tĩnh, Hoàng Dung, … Xét về mặt đồ họa, có thể nói Võ Lâm Chi Mộng có đồ họa tốt hơn hẳn các webgame nhập vai hiện có tại thị trường Việt Nam. Về mặt hiệu ứng, trò chơi này thể hiện khá tốt, đặc biệt là các hiệu ứng khi thăng cấp.
Tuy nhiên, về mặt nội dung của game thì lại không có gì mới. Hay nói cách khác là trò chơi này chỉ là bản sao của các MMORPG đã có mặt trên thị trường như: Kiếm Thế, Tây Du Ký, … và đưa lên nền web.
Nhiều game thủ đã thoát game ngay sau khi đăng nhập được 10 phút và hầu hết mọi người đều có chung nhận xét: “ Cách làm nhiệm vụ quá giống Kiếm Thế và Tây Du Ký. Chỉ cần click lên bảng nhiệm vụ là tự động chạy tới nơi làm nhiệm vụ. Cách chơi không có gì đặc sắc và mới lạ so với các trò chơi đang có mặt tại Việt Nam”.
Gunny + Boom + Bắn Xe Tăng = Ani World
Được quảng cáo là sản phẩm 100% ý tưởng của người Việt nhưng rất nhiều người đã hoàn toàn vỡ mộng sau khi đăng nhập vào phiên bản thử nghiệm kỹ thuật của Ani World. Giao diện tạo nhân vật, màn hình chính, giao diện phòng chờ, bảng nhiệm vụ đều mang phong cách quen thuộc của Gunny Online. Bản đồ màn chơi thì lại giống Boom còn cách chơi thì giống Bắn Xe Tăng. Nếu có khác chỉ là việc thay đổi những chiếc xe tăng hiện tại bằng các con thú mà thôi.
Theo chia sẻ của nhóm phát triển trên Zing Me thì Ani World hiện đang tiến hành thử nghiệm kỹ thuật và nội dung của trò chơi vẫn đang được phát triển. Tuy nhiên, với các nội dung hiện tại mà chúng ta được trải nghiệm từ Ani World thì cách chơi của trò chơi chắc cũng không thay đổi gì nhiều. Có chăng chỉ là nâng cấp đồ họa, bổ sung nhiệm vụ, bổ sung phó bản, … Và như vậy, chắc gì các game thủ của Gunny, Boom và Bắn Xe Tăng đã chịu rời bỏ tựa game mà mình gắn bó sang một trò chơi mới nhưng cách chơi vẫn na ná trò chơi cũ.
“Cổ nhưng bổ”
Tin rằng, các điểm mà mình vừa phân tích ở trên đã được đội ngũ phát triển Ani World và vận hành Võ Lâm Chi Mộng phát hiện từ lâu rồi. Các bạn muốn hỏi vì sao họ phát hiện ra rồi mà vẫn tung ra sản phẩm phải không? Đơn giản vì các sản phẩm này “cổ nhưng bổ”.
Các sản phẩm mà chúng ăn theo đều là những sản phẩm đang rất thành công tại thị trường Việt Nam. Gunny và Boom đang dẫn đầu mảng casual game tại Việt Nam với doanh thu vài chục tỷ mỗi tháng. Anh em nhà Võ Lâm Truyền Kỳ và Kiếm Thế thi nhau múa kiếm đứng trên đỉnh cao của thể loại game nhập vai từ khi game online có mặt tại Việt Nam đến giờ mà vẫn chưa có game nào thay thế được. Đây chính là nguyên nhân mà tại sao có sự ra đời của các sản phẩm này.
Thêm nữa, tâm lý của đa số các game thủ Việt Nam là chơi theo đám đông, hay còn gọi là “tâm lý bầy đàn”. Họ rất khó tiếp thu với các sản phẩm có cách chơi hoàn toàn mới lạ so với các sản phẩm trước đây mà họ đã chơi. Mình có một người bạn đang chơi Võ Lâm Truyền Kỳ 2 và phán về Võ Lâm Truyền Kỳ 3 như sau: “Võ Lâm Truyền Kỳ 3 tuổi gì mà so với Võ Lâm Truyền Kỳ 2. Tao thấy Võ Lâm Truyền Kỳ 2 là hay nhất”. Một suy nghĩ thiển cận giống như kiểu “ếch ngồi đáy giếng” nhưng lại đúng với đa phần các game thủ ở các khu vực miền núi và nông thôn.
Nhìn lại lịch sử phát hành game online tại Việt Nam đều cho cho thấy chân lý này luôn đúng. Các sản phẩm có cách chơi mới lạ hoàn toàn so với các sản phẩm trên thị trường đều thất bại thảm hại hoặc “sống dặt dẹo”. Một số cái tên điển hình cho trường hợp này là Chúa Tể Phục Sinh (Runes of Magic) của NCS Media, Atlantica của VTC Game hay Bá Chủ Thế Giới (Granado Espada) của FPT Online. Chính vì vậy, chẳng có công ty nào bỏ vài chục tỷ đồng ra mua bản quyền một sản phẩm về mà không nắm chắc phần thắng cả.