Vòng xoáy khủng hoảng kinh tế khởi đầu từ những tháng cuối năm 2008 không tha cho bất cứ lĩnh vực nào. Năm 2009 nằm lọt thỏm trong tâm xoáy, chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất của hàng loạt biến động theo chiều hướng xấu. Để đối phó với tình hình bất ổn, hàng loạt xí nghiệp, hàng loạt công ty thực hiện giải pháp co cụm để cầm chừng hoặc giải thể tiêu tan cơ nghiệp. Thế nhưng, thị trường game online Việt lại xoay chiều đi ngược với tất cả những động thái mà các lĩnh vực khác áp dụng để đối phó với khủng hoảng. Các nhà phát hành trong nước liên tiếp “đốt pháo” chào đón khủng hoảng kinh tế bằng những chiếc kiệu hoàng tráng, trang hoàng lộng lẫy đưa rước những tựa game nổi danh đương thời, không chỉ đặc sắc về chất lượng, ngay cả số lượng cũng tăng cường một cách đáng kể.
Công bằng mà nói, vẫn có công ty không cầm cự nổi liền bị rơi vào hố đen khủng hoảng, điển hình như Cyberworld chưa kịp nguôi ngoai với danh vị đại lý phát hành thẻ cho Granado Espada bị tước đoạt trước quyền phát hành chính thức của FPT Online, lại tiếp nhận sự thật đau lòng khi chiêu bài kiếm tiền từ Ran Online bị hạ bệ. Có thể nói, Cyberworld đã gần như trắng tay khi khủng hoảng kinh tế ập đến.
Bỏ qua sự kiện rời cuộc chơi của Cyberworld, những nhà phát hành khác không chỉ ngừng ở hành động ra game mà còn nâng cao ở tầm “game không khủng không ra”. Với VTCz-one, game thủ từng điêu đứng trước chiếc bóng Tru Tiên Online ám ảnh triền miên từ tiểu thuyết đến game online, tạo nên những đợt triều cường dâng cao lòng si mê “không chơi Tru Tiên, không phải game thủ”.
Để bù đắp cho những mất mát “đóng cửa” game trong 2008, Asiasoft đã khiêng hẳn một Độc Bá Giang Hồ đầy tai tiếng về “chất người lớn” rải đầy game trong những màn sexy hú hồn và những pha chiến đấu đẫm máu. Không uổng công chọn lựa, với danh phẩm tai tiếng này, Asiasoft thừa sức khiến giới game thủ háo hức chờ đón và hớn hở nhập cuộc.
Không thể bình chân như vại trước những động thái tranh giành của “hàng xóm láng giềng”, Trò Chơi Việt vẫn tiếp tục giữ vững phương châm “webgame muôn năm” với vụ xuất xưởng sản phẩm Truyền Thuyết Rồng đầy hơi thở phương Tây với giấc mộng anh hùng chinh chiến, mở ra một bước ngoặt lớn “đổi gió” cho dòng webgame gây lắm nỗi ồn ào kể từ 2008.
Đại gia có hẳn phong thái của đại gia. Ba người hùng của làng game Việt là VinaGame – VTC Game – FPT đã không “chơi” thì thôi, hễ ra tay nhất định tung những chiêu liên hoàn ồ ạt, hoa mắt cả thiên hạ.
Rùm beng một thời gian dài, hao tốn không ít giấy mực hồ nghi, phân tích, luận giải, chiếc áo Việt hoá Bá Chủ Thế Giới mà FPT khoác vào vai siêu phẩm thế giới Granado Espada làm ú tim những con chiên mê game một cách điên đảo. Những trận càn giẫm nát các diễn đàn game để sở hữu 1 account thử nghiệm Bá Chủ Thế Giới là minh chứng thiết thực nhất cho cơn sốt mà FPT mang lại. Không ngừng ở đấy, ông chủ lớn này còn đẩy game thủ lên cỗ máy thời gian, trở lại cảm xúc hào hứng đầy bỡ ngỡ của một Gunbound tái sinh qua nhân dạng của Taan Online. Đến thời điểm này, dẫu nắm trong tay số đầu game ra mắt trong 2009 ít hơn 2 người “anh – em” VinaGame & VTC Game nhưng FPT đã để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi “cục cưng”. Đó là một thành công rất đáng để ghi danh!
Với danh tiếng hiển hách của một Linh Vương hào nhoáng, thừa thắng xông lên, VTC Game tiếp tục công phá game thủ Việt bằng một người anh em webgame có cái tên rất kêu “Vua Pháp Thuật”. Dẫu không liên quan gì đến cậu bé có vết thẹo hình tia chớp giữa trán, nhưng cách quảng bá cố tình đánh đồng gây “shock” của VTC Game khiến mọi người rơi vào vòng nhập nhằng giữa Vua Pháp Thuật và Harry Potter. Dù chúng chẳng liên quan gì nhau, có hề chi, chỉ cần tạo đủ độ “đẩy” trước những cơn khát Harry Potter cũng đủ cho Vua Pháp Thuật có một sự mở màn mỹ mãn. Nằm cùng chiến tuyến “tin đồn hóa sự thật” với Granado Espada, tuyệt tác Atlantica Online rơi vào tay VTC Game đã khiến cộng đồng game thủ say sẩm lẫn say mê một thời gian dài. Nói không ngoa, quả bom tấn tạo nên lỗ sâu hun hút giữa lòng game online Việt 2009 không thể nào khác Atlantica Online.
Dù không ôm trong tay những con át chủ bài cực đỉnh như Atlantica Online (VTC Game) hay Granado Espada (FPT), VinaGame lại thâu tóm thiên hạ theo diện rộng khi số lượng game được tung ra mù mịt và dày đặc. Nói riêng về khoản webgame cũng đủ choáng với bộ 3 Tung Hoành Thiên Hạ – Gunny Online – Võ Lâm Truyền Kỳ mỗi nơi mỗi vẻ, lúc loạn quốc, lúc pằng chéo lúc lại kiếm cung. Trong đó, ăn theo thành công rực rỡ vượt mọi sự mong đợi của ông hoàng kỳ cựu Võ Lâm Truyền Kỳ, webgame cùng tên hứa hẹn khả năng quyến rũ đông đảo lực lượng khách hàng trung thành với thể loại quá quen thuộc bao năm nay. Chưa kể 2 tựa game Zing Speed và Zing Dance đi theo hướng đua xe và nhảy nhót cũng góp phần khẳng định thực lực và dã tâm gồm thâu thị trường game online của nhà tài chủ mang tên VinaGame.
Trước bờ vực khủng hoảng, thay vì run sợ tìm chỗ trú an toàn, những đại gia làng game lại nhìn thấy cơ hội kiếm tiền và thời cơ khẳng định thực lực. Đó chính là nguyên do giải thích tại sao chúng ta lại liên tiếp được thưởng thức những động thái thi nhau tăng tốc, mạng lưới game giăng bủa khắp nơi trong 2009 – năm của khủng hoảng kinh tế. Liệu đó có phải là những quyết định sáng suốt để chống chọi với cuộc khủng hoảng toàn cầu – khi mà hầu bao của khách hàng thường không dư dả như những lúc “thiên hạ thái bình”? Ắt hẳn trong lòng nhà phát hành nào cũng đang ngấm ngầm thấu hiểu: “Chỉ cần đối phương ngã xuống nghĩa là ta đang mạnh lên”. Thời thế tạo anh hùng! Khủng hoảng cũng là một “thời thế” vậy!
Theo: Game360