“Xét về mặt đời sống xã hội thì niềm tin là một trong những nhu cầu cơ bản không thể thiếu đối với con người. Đây là nhu cầu thuộc tâm linh. Nếu bị khủng hoảng hay mất lòng tin vào cộng đồng thì sẽ rối loạn hành vi. Một xã hội có niềm tin lành mạnh sẽ tạo sự ổn định trong phát triển”, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ, NXB KHXH 2001)
Khi các giá trị niềm tin đi vào biến động khó kiểm soát thì hàng loạt các hành vi không kiểm soát trong xã hội lập tức sẽ xuất hiện ồ ạt. Chúng ta đã thấy các nữ sinh hành hạ bạn bè mình, bạo lực học đường đi vào thời kỳ gây khó khăn nhất cho xã hội và giáo dục, sự suy thoái đạo đức ở nhiều ngành nghề, cấp bậc… Và game tất nhiên không đi ra khỏi quỹ đạo chung của một hình thức vĩ mô chi phối xã hội này.
Đã có khá nhiều bài viết quy kết tội cho game trong việc đi xuống của hệ thống đạo đức xã hội, đặc biệt là ở những người trẻ. Nhìn chung các bài viết đều khá hời hợt và ít các điều tra cũng như khảo cứu tư liệu công phu, nhưng các cảnh báo này cũng đã khiến cho Bộ Giáo dục phải vào cuộc bằng một dự án điều tra về việc thay đổi hành vi ở các học sinh chơi game. Có thể thấy ngay bằng cái nhìn trực quan rằng game ít khi điều chỉnh hành vi xã hội mà thông thường là thuận theo thị hiếu.
Khi các nhu cầu từ người chơi bị biến lệch đi vì hệ thống niềm tin, nhu cầu tâm linh đã xói mòn do hệ thống các giá trị chuẩn mực xã hội đã thoái hóa và không còn giữ một mức độ ổn định trong đa phần cư dân nữa. Các cư dân trẻ có lẽ chính là những người nhanh chóng chịu ảnh hưởng từ các biến động giá trị gốc như thế nhất. Phải chăng tính bạo lực gia tăng cùng các tệ nạn nảy sinh được cho rằng từ game cũng đã di chuyển theo một chu trình như thế, trong đó game và tệ nạn từ game cũng chỉ là một hệ quả phát sinh từ việc thiếu các giá trị nền tảng?
Game thủ Thuận Thiên Kiếm xếp thành hai chữ “VN” nhân ngày 30/4
Nếu thế, việc cần làm không phải là chặn đứng các nỗ lực của những nhà sản xuất cũng như phát hành game trong nước đang cố công cho một nền công nghiệp game non trẻ. Việc cần làm là khơi thông một dòng chảy ngược để các giá trị kết dính, niềm tin cơ bản… quay trở lại với cộng đồng trẻ thông qua các phương tiện hiện có và đang có sức tác động lớn đến những người trẻ như game. Một niềm tin lành mạnh sẽ làm cho cộng đồng này biết ứng phó với các thách thức thời đại và bước qua những tiêu cực từ game, giữ cho mình một thái độ sống và cả chơi rất tích cực.
Niềm tin cộng đồng vốn được xây dựng từ những điều sâu và xa, hành động tín ngưỡng nằm trong những điều quan trọng để duy trì niềm tin và sự ràng buộc trách nhiệm với cộng đồng lớn này. Thế nên hàng trăm ngàn người đã xin ấn đền Trần, hàng triệu lượt người đã thắp hương Đền Thượng ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3. Bỏ qua các biến tướng mê tín cũng như các cách buôn thần bán thánh, làm ấn giả… vốn cũng phát sinh từ một xã hội thiếu giá trị tâm linh thì các hành động này rất tốt cho việc một người hồi tưởng, bình tâm, yêu thương và tin tưởng vào các giá trị, vào cộng đồng, dân tộc mình đang sống.
Việc Thuận Thiên Kiếm từ 22/4-9/5 qua đã tạo hẳn một bản đồ riêng biệt mô phỏng hình tượng đền Thượng với các vua Hùng uy nghi ngồi cho các game thủ hành hương chiêm bái, thắp hương, sắm lễ tưởng nhớ đến người dựng nước, tưởng nhớ đến cội nguồn của một dòng chảy Việt.
Đại diện game TTK cho biết: “Nhóm phát triển Thuận Thiên Kiếm đã rất công phu trong việc mô phỏng và đưa ra một bản đồ hoàn toàn mới có tên gọi Đền Thượng nhằm mục đích đưa người chơi đến với vùng đất linh thiêng nơi thờ các vị vua đầu tiên của nhà nước Văn Lang. Tại đây, người chơi sẽ được tham gia vào một hoạt động vô cùng ý nghĩa để bày tỏ lòng thành kính của mình với các vua Hùng thông qua lễ hội “Dâng hương bái tổ”.
Sự kiện này lấy bối cảnh thực tế là bất cứ ai hành hương tới đất Tổ đều thắp lên vài nén hương để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Trong game, người chơi sẽ tới khu vực đền Thượng, mang theo hương và mâm lễ để tiến hành dâng lên đền thờ các vua Hùng. Mỗi lần dâng hương, người chơi sẽ nhận được điểm kinh nghiệm, điểm linh tính và các vật phẩm có giá trị khác như kinh nghiệm đan, thuận bảo khóa. Nhà phát hành cũng đưa thêm vào các dịch vụ để game thủ dễ dàng đạt được mong muốn của mình như khênh kiệu thuê. Các xe bán nước mía cũng được bố trí trên dọc trên đường đi để phục vụ nhu cầu… giải khát của game thủ”. Được biết là hàng chục ngàn lượt người đã đến thắp hương và dâng lễ trong lễ hội game này.
“Các xe bán nước mía thực chất là những nơi bán loại thuốc trợ lực để cho game thủ đi khỏe và mau tới đền Thượng, người chơi cũng phải mua nhang đèn, sang hơn thì đi kiệu nhưng em thích đi bộ ngắm cảnh hơn. Thích nhất là đền Thượng có các vị vua Hùng ngồi trên trông oai nghiêm lắm. Em không bao giờ nhờ ai khấn dùm cả, lúc click chuột cho cây nhang cháy và game mặc định để game thủ phải bất động trong vài mươi giây, trong tiếng nhạc trầm cứ ngỡ như mình đã thắp hương bàn thờ tổ thật vậy. Em cho mẹ coi hình ảnh đền Thượng trong game, mẹ cũng thích lắm, mẹ chưa đi Phú Thọ bao giờ mà”, B.Trân, game thủ Thuận Thiên Kiếm 16 tuổi kể.
Có thể thấy, việc tác động của sự kiện này gây ra sự lan tỏa tâm lý từ game thủ cho đến người xung quanh, một sự tác động dây chuyền mang ý nghĩa tích cực về mặt tâm linh, tâm lý cũng như các ứng xử văn hóa. Việc tạo nên các sự kiện gắn liền với văn hóa, bám sát thời sự, thực tế, củng cố niềm tin nền tảng, tăng tính tương tác chia sẻ cộng đồng thế này cần có mặt nhiều hơn nữa trong các game, đặc biệt là các game online đang cố đặt lịch sử, văn hóa Việt ở vị trí trung tâm của nội dung game.
“Cơ sở của bất kỳ của hành vi tập thể nào cũng là hiệu ứng phản xạ quay vòng trong đó khởi thủy từ phản ứng của một cá nhân hay nhóm nhỏ sẽ gây nên chuỗi kích thích của cá nhân, nhóm khác”, Báo cáo xã hội học của nhóm tác giả Cao Văn Giới, Dương Ngọc Hậu…
Chúng ta đã thấy hàng ngàn game thủ TTK đứng xếp hàng thành chữ VN vào ngày 30/4, các game thủ đứng yên lặng, thành kính chào cờ, nghe đàn nhạc giao hưởng Việt Nam cử Quốc thiều trong game, các game thủ vận động chỉ đi bộ trong game nhân ngày môi trường thế giới… các hiệu ứng phản xạ đang lan ra làm thành hành vi tập thể.
Chúng ta hi vọng các nguồn lực trẻ này còn phát triển tiếp tục để không chỉ dừng ở mức độ một phong trào nhỏ. Khi hành vi tập thể tích cực này được các nhà sản xuất và phát hành game chú ý, chắc hẳn chính game, ngược lại với dư luận, game chính là sự kết nối, phương tiện để các giá trị nền tảng tích cực được tái lập và qua đó theo như nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng “tạo sự ổn định phát triển” cho xã hội.