Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty ePi Technologies, việc Nguyễn Hà Đông kiếm được 50.000USD từ Flappy Bird mỗi ngày là hoàn toàn khả thi và chúng ta đang phản ứng quá chậm với sự kiện này.
Giám đốc Công ty ePi Technologies Nguyễn Anh Tuấn trong cuộc trao đổi với ICTnews cho biết, theo tính toán của ông thì Flappy Bird có doanh thu khiêm tốn cũng phải là 100.000 USD/ngày.
Flappy Bird đang trở thành một hiện tượng của game Việt, tuy nhiên khi Nguyễn Hà Đông tiết lộ doanh thu mỗi ngày trung bình khoảng 50.000 USD từ game này, rất nhiều người đã nghi ngờ con số này. Theo ông, con số đó có khả năng xảy ra hay không và ông có thể cho biết Flappy Bird thu được số tiền đó bằng cách nào không?
Con số đó là hoàn toàn khả thi và theo tôi thậm chí còn cho là con số khiêm tốn mà Đông đưa ra vì sợ gây tiếng vang quá lớn.
Về tiền bạn Đông kiếm được có thể giải thích như sau: Bạn Đông dùng quảng cáo AdMob của Google (hay còn gọi là Adsense for Mobile) tích hợp cho cả bản iPhone lẫn Android. AdMob dùng CPC và được tối ưu hóa cho từng quốc gia khác nhau (quốc gia nào nhìn thấy quảng cáo của quốc gia đó).
Flappy Bird của bạn Đông đứng số 1 các kho ứng dụng như Apple, Google Play tại Mỹ, Anh,… và CPC (Cost-Per-Click) trung bình thấp của các nước đó là 0.2 USD cho 1 click, chứ không như ở Việt Nam, nhà phát triển (Publisher) chỉ nhận được 1/10 số đó thôi.
Tỷ lệ click trên mobile của banner thường là cao hơn web nhiều, ví dụ trung bình sẽ là 0.8% nhưng cứ cho là mọi người mải chơi game không ai thèm click thì sẽ còn là 0.2%. Game của bạn Đông có 50 triệu lượt tải và như thế tính theo tỷ lệ rất thấp thì mỗi ngày bạn Đông có khoảng 10 triệu người dùng kích hoạt chơi game của mình. Giả sử mỗi bạn chơi game chơi rất khiêm tốn, trung bình mỗi bạn 5 lần/ngày (đây chỉ là số ước chừng và tôi nghĩ chắc chắn là nhiều hơn) thì sẽ sinh ra khoảng 50 triệu impression (lượt hiển thị) cho mỗi quảng cáo.
Bạn Đông chạy 2 quảng cáo ở trên và dưới màn hình game, vì thế có thể làm được một phép tính đơn giản về doanh thu bạn ấy kiếm được từ game Flappy Bird như sau: 0.5 * 0.2% * 10.000.000 * 5 * 2 = 100.000 USD mỗi ngày.
Những con số trên là đã khá khiêm tốn còn thực tế bạn Đông đang kiếm được (net revenue) theo tôi là nhiều hơn thế.
Hiện đang có xu hướng các công ty làm công nghệ ở Việt Nam hay các lập trình viên di động, sau khi thấy thành công của Nguyễn Hà Đông từ Flappy Bird, cũng đang muốn chuyển sang lĩnh vực này, là một chuyên gia trong ngành, ông đánh giá thế nào?
Đây là câu hỏi rất hay. Thú thực, tôi cảm thấy các công ty công nghệ lớn của Việt Nam cũng như truyền thông Việt Nam phản ứng quá chậm với hiệu ứng Flappy Bird. Cá nhân tôi đánh giá sự kiện này không khác gì Gangnam Style của Hàn Quốc đối với Việt Nam cả. Nói một cách khác, tôi đánh giá sự kiện này còn có giá trị thực tế đối với giới trẻ Việt Nam hơn nhiều so với sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields. Vì bản chất Flappy Bird ai cũng biết, ai cũng hiểu nó là cái gì – từ trẻ con đến người lớn, thậm chí rất rất nhiều người có thể học và làm theo từ sự thành công của nó.
Tất cả các trang tin và hãng truyền thông lớn nhất thế giới đều đưa tin về Flappy Bird, ngay cả CNN cũng đưa lên trang chủ, trong khi ở Việt Nam hầu như chỉ dịch lại, duy nhất có một tờ báo điện tử làm được một bài phỏng vấn với tác giả, phần lớn trên Facebook của tôi đọc được các bạn đều tỏ ý nghi ngờ thậm chí là có chút đố kỵ.
Lần đầu tiên Việt Nam đứng đầu thế giới trên gần như tất cả các quốc gia ở một lĩnh vực mà tôi cho là chúng ta thuộc loại yếu. Trong khi Britney Spears sẵn sàng lên truyền hình nhảy Gangnam Style để ăn theo, trong khi các ngôi sao truyền hình và các vlogger nổi tiếng thế giới chơi Flappy Bird để ăn theo, những người Việt Nam im lặng và nghi ngờ.
Đối với tôi, sự kiện Flappy Bird ngay lúc này nên được giới truyền thông và công nghệ Việt Nam quan tâm đúng mức hơn, đầu tư hơn, có tầm nhìn rộng hơn, nên nhìn thấy những cơ hội thực sự không thể tốt hơn để xây dựng hình ảnh cho Việt Nam và cho chính các tổ chức đó đối với cộng đồng quốc tế.
Đối với lĩnh vực ứng dụng di động, chúng ta đang có Flappy Bird, game số 1 trên toàn thế giới suốt hơn hai tuần nay và Fuzel là ứng dụng được ban biên tập lựa chọn (Editor’s Choice) của Apple App Store nhiều tuần nay, nói cách khác chúng ta đang có cả giải doanh thu phòng vé lẫn giải Oscar hàn lâm trong lĩnh vực này, thật sự là tin rất vui và rất đáng tự hào. Đây sẽ là niềm cổ vũ lớn, là một cơn sóng lớn và nếu biết tận dụng nó, sẽ mang lại một bộ mặt khác và nhiều cơ hội đầu tư cho lĩnh vực còn rất non trẻ này của Việt Nam phát triển một cách rực rỡ trong năm Giáp Ngọ 2014 này.
Xin cảm ơn ông!
(*) Tiêu đề bài viết do GameLand Mobile đặt lại. Tiêu đề gốc của ICTNews là “Nguyễn Hà Đông kiếm 50.000USD/ngày từ Flappy Bird như thế nào?”
THEO: ICTNEWS