Trước diễn biến đánh giá nạn “lá cải hóa” trong một bộ phận báo chí, không ít game thủ càng thấy ngậm ngùi. Bởi từ lâu, môi trường cộng đồng giải trí của họ đã bị chính tư duy “báo lá cải” ấy khai thác triệt để, làm xấu đi một cách không thương tiếc.
Có thể viện dẫn một sự việc tiêu biểu, đó là vụ án Lê Văn Luyện, sát thủ trẻ hại người không gớm tay. Các báo đã vào cuộc với vụ án này, chỉ có thể nói là, moi móc không từ một dấu chấm. Không ít tòa soạn đã cố tình kéo dài, soi mói, thậm chí đơm đặt những tình tiết dù rất mơ hồ từ vụ án để câu kéo ra nhiều bài viết, cuốn hút bạn đọc nhìn vào trang báo của họ.
Chỗ hài hước nhất, là dù Lê Văn Luyện khai mình không hề ham mê trò chơi trực tuyến, vẫn có một vài tờ báo tạo dựng thông tin “Luyện giết người vì nghiện game”, “hành vi giết người không ghê tay của Luyện là từ game online”. Thế là rộ lên hàng loạt bài báo chỉ trích môi trường trò chơi trực tuyến, xem đó là động cơ làm giới trẻ hung ác và xấu đi. Thông tin bôi đen đậm đặc đến mức nhiều game thủ Việt phải lên tiếng cải chính, kể cả lần lại tìm hiểu rõ các tình tiết trong vụ án, mới minh oan được rằng game online chẳng liên quan gì đến Lê Văn Luyện. Báo chí lúc đó mới chấm dứt những bài viết xoáy sâu vào tình tiết giả tạo này.
“Những bài báo như vậy, không gọi là lá cải thì gọi là gì. Thậm chí so với những bài báo kể lể những chuyện nhảm nhí, chi tiết rẻ tiền về ngôi sao này, nhân vật kia, cách khai thác thông tin bịa đặt như thế còn đáng bị lên án hơn, vì chúng đi ngược lại những tiêu chí đạo đức mà mỗi con người đều cần tuân thủ, chưa nói là nhà báo”. Một admin diễn đàn mạng bày tỏ như vậy, khi được hỏi lý do tại sao đăng tải những bài viết “đánh trả” các bài báo “Lê Văn Luyện nghiện game”.
Đáng buồn là những bài báo “dựng đứng sự thật” về môi trường trò chơi trực tuyến như vậy, từ lâu không còn xa lạ với các game thủ. Trước Lê Văn Luyện, báo chí từng đào bới hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa “mê game”, học giết người từ game trong khi kẻ này… ham bài bạc trực tuyến. Rồi rất nhiều vụ án cướp bóc, đâm chém, lừa đảo… cũng được chú ý về khía cạnh “liên quan game”. Mới đây nhất, sự việc một cô gái bán dâm vì ham mê vật chất, mong muốn đua đòi, với lời khai “thích mua xe máy và chơi game” cũng đã được ưu ái tô đậm chi tiết chơi game trong các bài báo theo dõi.
Tất cả đã vẽ nên một “trào lưu báo chí đánh đập game” như số đông game thủ nhìn nhận: Bây giờ bất cứ cái gì sai trái, bạo lực, xấu xa, nghiện ngập, báo chí cũng đều đào bới triệt để mà điểm “câu bài” cuối cùng luôn là game online. Một bài viết trên trang từng game.playpark.vn đúc kết: “Có thể nói, những tín hiệu trên đã cho thấy một sự thật đằng sau sự hăng hái chống game một cách bất thường của các tờ báo “không chuyên game”. Đó là con đường nhanh nhất để leo thang thứ hạng, để nổi tiếng và tăng lượng người đọc cho mình”.
Tất nhiên, cả các nhà phát hành game lẫn game thủ, đều thừa nhận trong môi trường giải trí trực tuyến hiện nay, vẫn tồn tại một số cá thể có hành vi xấu và thiếu kiểm soát bản thân. Có điều, với hàng triệu cổ động viên bóng đá nhiệt tình với quả bóng tròn, có nhiều kẻ đam mê cá độ, cảm hứng sai lệch, đến nỗi gây án, bán vợ đợ con, dư luận chung đều xem là cá biệt, không quy chụp môi trường bóng đá là xấu. Vậy tại sao trong số hơn 12 triệu người chơi game online tại Việt Nam, theo một số liệu điều tra chưa đầy đủ của giới nghiên cứu, sự hiện hữu những hành vi thái quá, sai lầm của một số cá nhân bị lậm game, báo chí lại không hề nhìn nhận khách quan, chối bỏ cả những mặt tích cực mà môi trường trò chơi trực tuyến đang tạo nên ? Trên các diễn đàn game, các game thủ cùng phát biểu, phải chăng đơn giản vì môi trường game online xưa nay bị nhìn nhận tiêu cực, nên việc chỉ trích, viết sai về những người chơi game và thị trường trò chơi trực tuyến là điều dễ làm nhất, viết đúng thì được xã hội khen, viết sai cũng không ai bài bác.
Đa số game thủ đều khẳng định, họ chưa hề mong môi trường trò chơi trực tuyến được công nhận có giá trị ngay trong thời gian ngắn, mà chỉ hi vọng xã hội sẽ chấm dứt góc độ nhìn nhận lệch lạc và cực đoan về game online. Nhất là với báo chí, lĩnh vực công tâm và khách quan của xã hội, các game thủ tin tưởng sẽ có những đánh giá xác thực, bình tĩnh hơn.
Song thật đáng tiếc, chỉ vì tư duy “lá cải” đang tồn tại trong một bộ phận báo chí, muốn có những trang báo câu khách, giật gân, thu hút độc giả, mà không ít thông tin về môi trường và hoạt động trò chơi trực tuyến đã bị xuyên tạc, bóp méo, thậm chí vu khống đơm đặt. Thực sự nếu báo chí hiện đang vào cuộc “thanh lọc”, làm rõ trách nhiệm về lương tâm, giá trị với cuộc đời từ chính những người cầm bút, môi trường trò chơi trực tuyến sẽ là lĩnh vực đầu tiên và đáng được chú ý để chỉ đích danh, tỏ mặt những thủ đoạn mang tên “lá cải thối” trong làng báo.
Theo: Cười Chút Chơi