Một ngày đẹp trời, bạn muốn tự mình làm game hoặc ứng dụng, nhưng lại không biết lập trình? May mắn thay, GameSalad đã có mặt để giúp đỡ bạn. Thay vì phải biết và sử dụng thành thạo những ngôn ngữ lập trình phức tạp, với GameSalad bạn có thể dễ dàng tạo ra ứng dụng của riêng mình, sử dụng những hình ảnh và biểu đồ quá trình diễn tả điều mà bạn muốn thực hiện trong đó.
Với GameSalad, bạn thậm chí có thể tạo ra Angry Birds mà không phải viết lấy một dòng lệnh. Chúng tôi may mắn được phỏng vấn Steve Felter, CEO của GameSalad, để tìm hiểu thêm về công ty của anh. Sau đây là một vài tổng kết:
GameSalad hiện đã có hơn 300.000 nhà phát triển đã và đang bắt tay vào tạo nên các trò chơi. Bạn cũng có thể xây dựng các ứng dụng tùy thích, tuy nhiên mục đích ban đầu của GameSalad là chủ yếu tập trung vào mảng game.
Một vài trong số những trò chơi nổi tiếng nhất hiện nay tại iTunes App Store được tạo nên từ GameSalad. Phải nói rằng sản phẩm đã trở thành công cụ ưa thích của giới phát triển game tay ngang.
Tiềm năng to lớn. Nhà đồng sáng lập cho rằng mảng trò chơi là chướng ngại khó vượt qua nhất, cho nên nếu GameSalad đã vượt qua được thì ắt cũng có thể làm được mọi thứ.
GameSalad là gì? Công việc của các anh là gì?
GameSalad là một nền tảng để phát triển trò chơi, hoàn toàn dựa trên giao diện thị giác và không cần kĩ năng lập trình. Chúng tôi chủ yếu nhắm tới đối tượng khách hàng là những thành phần có tiềm năng phát triển trò chơi nhưng lại thiếu đi kĩ năng lập trình. Ban đầu, chúng tôi phát triển trên hệ điều hành iOS, và sau đó thì mở rộng sang Android và HTML5. Hiện công ty có trên 300.000 nhà phát triển, tạo ra trên 60.000 trò chơi và khoảng 10.000 là dành cho iOS. Năm ngoái, khoảng 15% số trò chơi được bày bán trên iOS App Store được tạo ra từ GameSalad, khoảng 60 đã leo lên top 100 tại App Store Mỹ, 10 trong số đó leo lên top 20.
Ý tưởng đó đến từ đâu?
Công ty chính thức được thành lập vào năm 2009, ba nhà sáng lập đều có tiền đề về công nghệ. Tại Carnegie Mellon, có rất nhiều công nghệ đã được chuyển giao và thương mại hóa, chủ yếu nhằm mục địch hướng dẫn xây dựng các công cụ phục vụ xây dựng nhanh các nguyên mẫu trong game. Thế là một trong số chúng tôi đã đưa ra ý tưởng rằng “liệu có nên tạo ra một bộ công cụ bao hàm trong nó tất cả những gì cần thiết nhất để tạo ra một trò chơi hay không?”. Đó là tiền đề của GameSalad.
Vì sao các anh lại khởi đầu với mảng trò chơi mà không phải là gì khác?
Điều đó là tại vì game thuộc diện “khó ăn” nhất. Chúng tôi cho rằng nếu mình có thể đương đầu với nó thì ắt sẽ có thể làm tốt trên nhiều lĩnh vực khác nữa. Chúng tôi đã quan sát thấy người dùng sử dụng GameSalad để xây dựng ứng dụng cho eBook v..v.. tương lai chúng tôi sẽ chú tâm hơn đến việc phát triển các bộ ứng dụng tiện ích.
Vậy thông thường người sử dụng của GameSalad sẽ được định nghĩa là designer (nhà thiết kế) hay coder (lập trình viên)?
Phạm vi người dùng của chúng tôi trải rất rộng, cơ bản là nhắm tới số đông người có xu hướng thiết kế hơn là lập trình. Tuy nhiên trong vài tháng vừa rồi chúng tôi đã mở rộng bán kính và hỗ trợ thêm nhiều nền tảng khác nữa, hi vọng lôi kéo được thêm bộ phận các nhà phát triển truyền thống. Trong mắt họ, chúng tôi là bánh đà nhằm đẩy nhanh hơn chu kỳ vận động và phát triển, thúc đẩy tạo ra thêm nhiều ứng dụng cho Android, iOS và cả HTML5, giảm số lượng mã phải viết …
Nó có hoạt động tốt trên mọi nền tảng di động không? Đồng thời cho iOS và Android?
Giao diện GameSalad cho phép xây dựng mọi cơ cấu có trong game, sản phẩm đầu ra sẽ do GameSalad lo liệu, bạn chỉ cần phải chọn thôi. Có thể là Android hoặc iOS tùy thích.
Xin cho biết thêm về kế hoạch tương lai của các anh?
Chúng tôi muốn trong tương lai sẽ sử dụng hình thức biểu đồ quy trình và đưa công việc lập trình đến gần hơn với người sử dụng. Sẽ không nhất thiết phải quá tập trung vào cú pháp nữa. Vào những năm 80, ai ai cũng sử dụng dòng lệnh và với sự ra đời của giao diện đồ họa, các dòng lệnh hầu như đã trôi vào dĩ vãng. Tôi có thể thấy được tương lai rằng tất cả mọi người sẽ có thể tạo ra những gì mình muốn với một giao diện đồ họa dễ dùng. Điều này đồng nghĩa với việc giảm tải cho các nhà phát triển, thúc đẩy việc trình làng sản phẩm ra thị trường, bỏ qua việc phải kì cạch code lại cho mỗi nền tảng. Tôi tin đó sẽ là một sự lựa chọn không thể chối từ.
Ngoài ra, chúng tôi cũng rất quan tâm đến mảng giáo dục, nó giúp ít rất nhiều và dạy cho người ta về thiết kế game cơ bản. Trong công ty, chúng tôi đang cố gắng hướng nhiều hơn tới những nhà phát triển tinh vi. Chúng tôi muốn mở rộng sân chơi cho họ và giúp họ tạo ra những sản phẩm thật thành công. Chúng tôi muốn nắm lấy tất cả các cơ hội và khả năng có thể.
Theo: WeStart