IGDA Việt Nam là phân nhánh của hiệp hội các nhà phát triển game quốc tế tại Việt Nam. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận có trách nhiệm hỗ trợ sự phát triển ngành công nghiệp game trong nước và quảng bá nó ra thế giới.
Vừa qua, trang mạng AnimationXpress Asia Pacific của Ấn Độ đã có một buổi trò chuyện ngắn với đại diện IGDA Việt Nam về tình hình phát triển của ngành công nghiệp game trong nước. Xứ sở Game Online xin được đăng tải lại để bạn đọc cùng tham khảo.
Các bạn hãy giới thiệu một chút về IGDA Việt Nam và các thành viên trong nhóm?
Nicolas Leymonerie: IGDA Việt Nam là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp game trong nước và quảng bá nó ra thế giới. IGDA Việt Nam được thành lập ngày 01/10/2008. Kể từ mốc thời gian đó, chúng tôi đã tổ chức năm hội thảo quy tụ phần lớn những nhà phát triển game trẻ tuổi là người Việt.
IGDA Việt Nam gồm có Nguyễn Việt Sơn (đại diện ở Hà Nội), Thái Thanh Liêm (đại diện ở TP.Hồ Chí Minh) và tôi (điều phối viên). Mặc dù chưa phải một hiệp hội chính thức nhưng chúng tôi đã quy tụ được 10 “nhà vô địch” (đại diện các công ty) thường xuyên tham gia và gần 40 công ty nhận những bản tin từ IGDA Việt Nam.
Vai trò của các bạn trong IGDA Việt Nam?
Nicolas Leymonerie: Tôi là người khởi xướng việc thành lập IGDA Việt Nam và trở thành điều phối viên của hiệp hội. Vai trò của tôi là truyền đạt những tin tức mới nhất từ hội và sắp xếp tổ chức các buổi họp mặt và hội thảo. Tôi cũng là người đại diện cho IGDA Việt Nam trong các sự kiện quốc tê.
Thái Thanh Liêm: Tôi là người đại diện IGDA Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh. Hiện giờ tôi đang hỗ trợ Nicolas thực hiện các nhiệm vụ của hội và đảm nhận công việc tại TP.Hồ Chí Minh. Tôi cũng là người liên hệ với các nhà phát triển game ở Việt Nam (đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh) nhằm thông báo các tin tức mới nhất từ IGDA Việt Nam và mời họ tham gia vào hiệp hội.
Đã có những sự kiện nào đã diễn ra tại Việt Nam? Sự kiện nào sắp diễn ra?
Nicolas Leymonerie: Ngành công nghiệp game có rất ít sự kiện diễn ra tại Việt Nam. Trong năm 2007 và 2008 thì có ISGAF, được biết đến với tên gọi “Vietnam Game Show”. Tuy nhiên, hiện sự kiện này không còn được tổ chức nữa. Hiện giờ chỉ có hội thảo của IGDA và một vài nhóm độc lập khác. Hội thảo tiếp theo của IGDA tại Việt Nam vẫn chưa được lên kế hoạch cụ thể nhưng chúng tôi đang suy nghĩ về việc giới thiệu các đề nghị từ nước ngoài tới những công ty Việt Nam. Mặt khác, chúng tôi đã đến Bangkok vào tháng 3 vừa rồi để chính thức hóa việc tổ chức một sự kiện quan trọng với IGDA Bangkok và ICTBA (Hiệp hội IT Campuchia). Chúng tôi vẫn đang trong quá trình chuẩn bị các sự kiện này.
Thái Thanh Liêm: Tôi đang có kế hoạch tổ chức hội thảo về quá trình làm game di động. Tuy nhiên tôi vẫn chưa thảo luận với Nicolas về ý tưởng này. Ngoài ra, cần có một buổi tọa đàm về các vấn đề pháp lí trong việc phát triển game ở Việt Nam. Ví dụ như một vài nhà phát triển game đẩy sản phẩm của họ ra thị trường thế giới mà bỏ qua vấn đề này. Chúng tôi cần cảnh báo họ và các nhà phát triển độc lập khác nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, nhằm tạo dựng hình ảnh cho ngành game của Việt Nam với thị trường quốc tế.
Các bạn có thể cho mọi người biết quy mô của ngành công nghiệp game hiện nay ở Việt Nam?
Nicolas Leymonerie: Năm 2008, Hiệp hội Phần mềm Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 5 studio trong tổng số 15 nhà phát hành game. Trong năm 2011, tôi nghĩ chúng ta có thể dễ dàng nhân con số này lên với 10. Các công ty game lớn sẽ có lượng nhân viên lên đến hàng nghìn người và một vài công ty sẽ mở rộng ra các nước khác trong khu vực châu Á.
Thái Thanh Liêm: Nền công nghiệp game Việt Nam chỉ tập trung vào mảng phát hành game. Việc phát triển game là một lĩnh vực mới. Những công ty game lớn đang tiến hành sản xuất nhiều game xã hội hơn trên các mạng xã hội của họ. Chúng tôi có khoảng 5 – 10 sảm phẩm game xã hội trong năm 2011. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn còn khá mới mẻ để có thể trở thành “bom tấn” trên thị trường quốc tế.
Một vài nhà phát triển nhỏ lẻ khác đang phát hành các sản phẩm của họ trên iOS và kho ứng dụng Android. Đây là một tín hiệu đáng mừng rằng việc phát triển game cho di động đang ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có một khóa đào tạo nào cho họ, để họ có thể chia sẻ những gì mình có được với những người khác. Theo tính toán của tôi, có hơn 20 studio phát triển game tại TP.Hồ Chí Minh nhưng thực tế là họ thích làm việc độc lập hơn là tham gia một hiệp hội nào đó. Vì họ đều cho rằng những hiệp hội kiểu này không giúp ích được gì nhiều. Đây cũng chính là vấn đề lâu dài của IGDA nhằm chứng minh điều ngược lại.
Các bạn nhìn nhận thế nào về sự phát triển của nền công nghiệp game ở Việt Nam?
Nicolas Leymonerie: Một điều chắc chắn rằng nền công nghiệp game Việt Nam đang phát triển như vũ bão. Từ số lượng những studio game đang tăng nhanh như đã nói ở trên, chúng tôi có thể tin tưởng về sự gia tăng số lượng các chi nhánh của các công ty game nước ngoài. Lý do là nguồn nhân lực đang ngày càng có kinh nghiệm và chi phí nhân công vẫn còn rẻ. Chúng tôi đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để tăng cường sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này và mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước.
Thái Thanh Liêm: Đúng vậy, sự phát triển này khá nhanh chóng về số lượng, tuy nhiên chất lượng các sản phẩm vẫn còn hạn chế. Sự thiếu hụt lớn nhất của ngành công nghiệp game Việt Nam là công cụ sáng tạo và quá trình phát triển. Các công ty nước ngoài gia nhập Việt Nam chủ yếu xây dựng bộ phận gia công phần mềm của họ với chi phí rẻ hơn ở đất nước có trụ sở chính. Nếu muốn số lượng các studio game ở Việt Nam, chúng ta cần có nhiều hơn các sản phẩm trong kho ứng dụng quốc tế nhằm thu hút sự chú ý của các nước khác.
Bạn có thể kể tên một vài studio game lớn ở Việt Nam?
Nicolas Leymonerie: Các studio game lớn ở Việt Nam đều trực thuộc những nhà phát hành game lớn như: VNG, VTC, FPT Online. Ngoài ra, còn có một vài chi nhánh của các công ty game nước ngoài như Gameloft hay Koei-Tecmo. Mặt khác, cũng có một vài studio nhỏ đang hoạt động khá tốt như: Colorbox, Emobi, MusicKing …
Tỉ lệ giữa việc gia công phần mềm và sự phát triển sở hữu trí tuệ như thế nào trong nền công nghiệp game Việt Nam?
Nicolas Leymonerie: Tôi không có số liệu cụ thể nhưng có thể tính được khoảng 1:10 nhằm mục đích gia công phần mềm. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các trò chơi tại Việt Nam hiện vẫn còn đang rất hạn chế.
Nền công nghiệp game Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn nào?
Nicolas Leymonerie: Nền công nghiệp game của người Việt thực sự đang phát triển nhanh hơn chất lượng các nhân viên đáp ứng được yêu cầu của công việc. Để giải quyết vấn đề này, một vài công ty đang xây dựng trung tâm đào tạo của riêng họ về phát triển game. Một thách thức nữa là việc ngăn chặn nạn xâm phạm bản quyền và thiếu sáng tạo do gia công phần mềm theo mẫu có sẵn. Cần có thêm nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này.
Thái Thanh Liêm: Như Nicolas đã đề cập ở trên, tôi thực sự nghĩ rằng nền công nghiệp này cần sự hỗ trợ nhiều hơn nhằm tăng cường tư duy phát triển, để có sản phẩm mới cũng như các dự án gia công phần mềm mới.
Ảnh: Tổng hợp
GAMELANDVN.COM