Ở thời điểm hiện tại, các máy tính xách tay mỏng nhỏ nhẹ chạy vi xử lí Intel chủ yếu sử dụng các loại chip Core i3/i5/i7 mạnh mẽ nhưng thời lượng pin chỉ khoảng 5-7 tiếng hoặc Atom yếu hơn nhưng thời gian dùng có thể đạt mốc 10 giờ. Đến giữa năm sau, chúng ta sẽ có thêm một lựa chọn thứ ba nữa vì Intel đã lên kế hoạch cắt giảm mạnh mức độ tiêu thụ điện của những CPU Ivy Bridge xuống chỉ còn 10W. Hiện tại, các CPU Core i được dùng trong những Ultrabook có TDP vào khoảng 17W, và Intel có cung cấp một phần mềm để giúp giảm con số này xuống 13W. Kế hoạch phát triển dòng CPU thế hệ ba với điện áp thấp hơn đã được Intel công bố hồi tháng 9 vừa qua tại sự kiện Intel Developer Forum.
Mới đây, một người phát ngôn của Intel đã xác nhận với trang The Verge rằng Intel vẫn duy trì kế hoạch nói trên, tuy nhiên vị này cho biết những model chip Ivy Bridge 10W chỉ được sản xuất “với số lượng giới hạn” trong “nửa đầu năm 2013”. Chỉ đến khi các CPU Core thế hệ 4 (tên mã Haswell) xuất hiện vào cuối năm sau, các vi xử lí thế hệ Ivy Bridge 10W mới được tăng dần sản lượng. Như vậy, Intel định hướng CPU Ivy Bridge 10W như một sản phẩm thay thế tạm thời trong quá trình chờ đợi Haswell chính thức trình làng. Hãng chưa tiết lộ thông tin về hiệu năng của dòng chip Ivy Bridge mới nên ta chưa biết nó có mạnh như các CPU Ivy Bridge hiện tại hay yếu hơn.
Cũng như thường lệ, chúng ta khó có thể nói rằng thiết kế của laptop, tablet sẽ thay đổi như thế nào để tương ứng với những con chip điện áp thấp. Thực chất, chỉ số TDP (Thermal Design Power) dùng để chỉ năng lượng tối đa của một lượng nhiệt mà hệ thống làm mát cần phải xử lí. TDP cơ bản không phải là công suất cao nhất mà chip sử dụng, thay vào đó nó là năng lượng cực đại mà máy tính cần khi chạy các ứng dụng đòi hỏi nhiều tài nguyên. Việc cắt giảm TDP của chip không nhất thiết phải đưa đến kết quả là thời lượng pin sẽ lâu hơn. Ví dụ, một con chip cần ít sự tản nhiệt hơn thì nhà sản xuất có thêm không gian để nới rộng dung lượng pin. Ngoài ra, những công ty làm thiết bị cũng có thể chọn giải pháp thu nhỏ kích thước tổng thể của laptop/tablet để tạo ra các sản phẩm mỏng hơn, nhỏ hơn, trong trường hợp này thì pin sẽ không tăng.
Chúng ta có thể lấy ví dụ thực tế là chiếc Surface Pro của Microsoft chẳng hạn. So với người anh em Surface RT chạy CPU NVIDIA Tegra 3 nhân ARM, phiên bản Pro dày hơn đến 4,2mm và nặng hơn 220g, phần lớn là do pin kích thước lớn và hệ thống tản nhiệt phức tạp hơn để dùng cho CPU Intel Core i5 (với khả năng xử lí mạnh hơn). Microsoft cũng đã nói rằng chiếc Surface Pro chỉ có thời lượng dùng pin vào khoảng một nửa so với chiếc Surface RT, tức nó có thể trụ được khoảng 4-5 tiếng mà thôi. Nếu Microsoft có trong tay chip Ivy Bridge 10W, có thể hãng sẽ làm cho Surface Pro mỏng hơn hoặc pin lâu hơn, thậm chí là kết hợp cả hai yếu tố này với nhau.
Theo: Tinh Tế