Ở Amazon có một triết lý thiết kế sản phẩm riêng, gọi nôm na là làm việc ngược. Khi bắt đầu triển khai một sản phẩm mới, dù đó là một dịch vụ phần mềm hay thiết bị phần cứng, công ty luôn bắt đầu từ chính người dùng cuối. Kindle Fire HD cũng được sản xuất ra theo quy trình đó. Và chính vì thế, đây là chiếc máy tính bảng tốt nhất cho người dùng của Amazon.
Quy trình kể trên bắt đầu bằng việc viết thông cáo báo chí cho sản phẩm. Một bản tóm tắt ngắn gọn về các tính năng chính,cho biết nó giải quyết những vấn đề gì của người dùng, vì sao người đọc mẩu thông cáo đó sẽ quan tâm tới sản phẩm. Sau đó bài PR được thông qua nội bộ công ty, từ đó các team có thể lấy được phản hồi về sản phẩm và thu thập các câu hỏi liên quan. Từ đây, một văn bản tổng hợp các câu hỏi thường gặp (FAQ) được viết ra để trả lời những câu hỏi này. Quy trình này giúp đội ngũ thiết kế sản phẩm (product team), một team rất nhỏ điển hình cho Amazon hoàn thiện sản phẩm. Tiếp theo sẽ là phần trải nghiệm người dùng (UX) được hoàn thiện, quy trình này bao gồm cả giao diện người dùng (UI) và thiết kế phần cứng.
Quá trình này được nói đến rầm rộ gần đây cùng chiếc Kindle Fire HD mới ra mắt. Tôi đã nghịch chiếc máy tính bảng mới này được vài tuần, cố tìm xem chiếc máy tính bảng chính xác làm ra dành cho ai. Điều này khiến tôi phải đọc lại miêu tả về quá trình sản xuất của CTO Amazon Werner Voegels mong hiểu rõ ngọn ngành. Tôi nhận ra rằng: Jeff Bezos đang có trong tay một thiết bị tuyệt vời.
Với một chiếc máy tính bảng tốt nhất với hệ sinh thái khổng lồ của Amazon nội dung bao gồm sách, phim và một phần nhỏ nhạc, Amazon đang cược lớn vào tiềm năng phát triển của kho nội dung khi sẵn sàng trợ giá phần cứng trong dài hạn. Kindle Fire HD là một chiếc máy tính bảng tốt, nếu không muốn nói là xuất sắc. Nó tiến xa hơn nhiều so với chiếc Kindle Fire đầu tiên về chất lượng màn hình, thậm chí một số chi tiết phần cứng còn tốt hơn iPad của Apple. Dĩ nhiên nó cũng có những hạn chế, nhưng chắc chắn sẽ được trong tương lai.
Tuy nhiên, chỉ khi được đánh giá dưới góc độ cầu nối với kho nội dung số của Amazon, Kindle Fire HD mới cho thấy một cách tiếp cận hoàn toàn mới của Amazon.
Phần cứng phóng khoáng: Amazon là tay chơi phóng khoáng trên đường đua máy tính bảng với giá bán tương đương chi phí sản xuất tối thiểu. Giá bán đe dọa bất cứ ai định chạy theo mô hình Loss-Leader (bàn cạo – lưỡi dao). Quy mô công ty ngày càng mở rộng, doanh thu có những con số ấn tượng mỗi năm, tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc dù mức lợi nhuận trên sản phẩm rất nhỏ, không bằng một góc phần lợi nhuận phần cứng của Apple. Tuy nhiên, ở đây chẳng có vấn đề gì cả. Trên thực tế, đây vốn là cách Amazon đang được xây dựng. Khi triển khai mô hình này với thế giới máy tính bảng, bạn có mối quan tâm duy nhất đó là biết cách làm sao để làm hài lòng khách hàng, không cần quan tâm xem đến khả năng đạt lợi nhuận lớn đến đâu, tập trung duy nhất vào việc phát triển sản phẩm. Chiếc Kindle Fire HD nặng và dày hơn iPad mini nhưng không quá khó chịu, cũng không mang lại cảm giác nhẹ tựa lông hồng của những chiếc Kindle e-ink nhưng trong việc nếu bạn sử dụng hàng giờ, nó sẽ thoải mái hơn nhiều so với màn hình 9.7 inch. Màn hình độ phân giải 1280 x 800 sắc nét, tương phản tốt và màu rất chính xác.
Thiết kế những cái nút không hợp lý: Nút chỉnh âm lượng quá nhỏ, nút tắt mở (mới đổi từ đáy lên cạnh) không thể sờ được nếu không soi kỹ hoặc rờ theo viền. Điều này thật đáng thất vọng với một sản phẩm định hướng máy đọc sách như Kindle. Ngược lại, những chiếc loa của Kindle thiết kế rất tuyệt. Chúng đủ lớn, nghe rất tốt và đặt sau lưng làm cảm nhận stereo tốt hơn hẳn so với iPad. Vị trí này phù hợp nhất khi xem phim hoặc cầm và xoay ngang màn hình. Những chiếc loa không bị cản bởi động tác tay bình thường, thực tế, được khuếch đại nhờ lòng bàn tay một cách tự nhiên. Cảm nhận chung, đây là một chiếc máy tính bảng tương đối bền, chắc chắn và chất lượng. Với ý nghĩa là kênh dẫn tới các nội dung của mình, Kindle Fire HD là một sản phẩm tuyệt vời.
Giải cứu nội dung: Khi nói rằng Kindle Fire HD được làm ra dành cho những khách hàng của Amazon. Đầu tiên, đây chắc chắn là cách tốt nhất để tiếp nhận các nội dung của Amazon như ebook, phim và TV shows như đã nói ở trên. Toàn bộ hệ điều hành của chiếc máy tính bảng này được thiết kế như một trang chủ nhỏ của Amazon. Đọc xong một quyển sách? Bạn sẽ được gợi ý những cuốn có tựa đề gần giống hay nội dung tương tự và khuyến khích bạn chia sẻ sản phẩm đó. Khi bạn đang ở Homescreen, nội dung gần đây được hiển thị ở trung tâm trong một thanh trượt khá mượt và rất dễ sử dụng. Dưới đó, thay đổi theo riêng từng nội dung, là một danh sách sản phẩm liên quan hấp dẫn mà bạn chưa sở hữu. Nó khá nổi bật, dù hơi … thô nhưng rất Amazon.
Quảng cáo ở Homescreen lại thành một điểm trừ: Nhiều người sẵn sàng chi thêm chỉ để không bị quấy rối bởi những mẩu quảng cáo ngay trên Homescreen này. Nó làm cho Kindle như một chiếc máy công cộng, chứ không còn là chiếc máy tính bảng cá nhân nữa. Amazon cũng có tác động của riêng mình tới nội dung hiển thị. Tính năng X-ray Amazon đưa vào không có trên iOS và đó là lợi thế quan trọng nhất cho những ai có hàng trăm quyển Kindle e-book hay phim trên cloud của Amazon. Nếu tôi là một độc giả yêu sách và có nội dung trên Kindle Cloud, tôi có thể chọn một cuốn sách và khám phá mọi thứ về nhân vật, địa điểm và mọi thứ được đưa đến trên giao diện như DNA. Nó rất tuyệt!
Trải nghiệm sách, phim trên Kindle Fire tốt đến mức khi bạn vào Amazon App Store thì có thể bị “sốc nặng” khi nó chẳng khác gì … một bãi rác. Không nên mua Kindle để dùng ứng dụng, rất hiếm có cái nào tử tế ở trên kho nhà Amazon. Ứng dụng từ Google Play đã đủ tệ, nhưng của Kindle Fire thì còn tệ hơn rất nhiều. Trong khi đó, trình duyệt Amazon Silk cũng tỏ ra chậm và vụng về. Scrolling kém, zoom kém và nó xử lý các trang web kém cỏi cứ như người thiết kế không mảy may quan tâm hay bổ sung gì cho nó.
Hạn chế trong việc toàn cầu hóa nội dung: Điểm yếu nhất của Amazon thể hiện khi biến những nội dung thành nội dung quốc tế. Chẳng ai mua một chiếc Kindle Fire HD trừ khi đã quen thuộc với phần nội dung Amazon có thể cung cấp tại đất nước đó. Rất nhiều album nổi tiếng và các bộ phim xuất hiện trên iTunes trước và chỉ ở đó trong giai đoạn mới phát hành. Kho ứng dụng của Amazon cực kỳ nghèo nàn vì không cung cấp Google Play Store và chỉ có hiệu lực ở 6 nước trên thế giới. Dù tình hình gần đây có cải thiện, nhưng cũng không khá hơn bao nhiêu.
Sự bảo vệ lâu dài cho nội dung: Kindle Fire HD là thiết bị tuyệt vời cho khách hàng của Amazon nhưng nó cách rất xa so với một chiếc máy tính bảng khá nói chung. Điều này không hẳn là lỗi của Amazon, vì họ biết chính xác họ sẽ cung cấp thiết bị này cho ai và họ sẽ dùng nó như thế nào. Chúng ta đã tới thời kỳ thông số kỹ thuật của thiết bị chẳng còn quan trọng bằng hệ sinh thái đi kèm xung quanh nó.
Ngay bây giờ, nếu một người đã mua hàng tá ứng dụng và bộ phim trên iTunes App Store của Apple, liệu họ có chịu chuyển sang Kindle Fire HD chỉ vì nó rẻ hơn một chiếc iPad mini? Đó là một lợi thế nhỏ của Apple trong thế giới nội dung mới. Cuối cùng, đây chỉ là cuộc đua xem ai sẽ có kho nội dung lớn nhất trong nền tảng của mình. Đó là những gì làm đảo lộn cán cân giữa các ông lớn Microsoft, Google, Apple và Amazon. Ngay bây giờ, Apple đang có lợi thế lớn vì mọi người đều muốn các nội dung trên iPad và Apple có lượng nhu cầu lớn nhất, khách hàng tốt nhất cho nội dung. Ai mà biết được tương lai sẽ ra sao? Tuy nhiên, tôi không tin rằng sẽ có ai đó ra quyết định mua chỉ dựa trên các thông số kỹ thuật trong tương lai.
Kindle Fire HD là kênh dẫn và cũng là sự bảo vệ lâu dài cho nội dung của Amazon. Nó giúp cho nội dung của Amazon vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi một ngày Apple không chào đón ứng dụng Amazon Video trên iPad hay Google bỏ dở Android và bắt đầu xây dựng phiên bản riêng. Trong thế giới đó, Kindle Fire HD, máy tính bảng Google Nexus, iPad và thậm chỉ cả Surface đều là những người chiến thắng vì họ có một hệ sinh thái nội dung.
Lời kết: Kindle Fire HD là một máy tính bảng tuyệt vời để hiện thị nội dung của Amazon. Nó mang đến trải nghiệm tốt nhất cho sách Kindle và phim từ Amazon với một giao diện được thiết kế phù hợp ở mọi phương diện. Khi Amazon quyết định làm ra chiếc máy tính bảng tốt nhất ở mức giá đó, Kindle đã mang trong mình lợi thế 30% lợi nhuận so với Apple. Amazon luôn sẵn sàng cho cuộc chơi, họ luôn biết ai là khách hàng của mình và mình sẽ bán thiết bị phần cứng này cho ai. Kindle là sản phẩm chuẩn bị cho cuộc chiến nội dung trong tương lai.
Theo: Westart/The Nextweb