Trò chơi trực tuyến (hay còn gọi là game online) đã gia nhập Việt Nam được gần một thập niên nhưng số lượng các game do người Việt tự phát triển mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc liên tục nhập các game có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hàn Quốc khiến cho các công ty game trong nước chủ yếu tập trung cho khâu phát hành chứ ít quan tâm đến khâu phát triển.
Nguyên nhân chủ yếu là lợi nhuận thu được từ hai việc này ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Thậm chí việc đầu tư vào việc phát triển game còn được cho là “đốt tiền” vì game làm ra không thu hút được người chơi và nhà phát triển không thu hồi được vốn. Tuy nhiên, làng game Việt đã có nhiều khởi sắc trong thời gian gần đây. Đặc biệt là một số công ty game lớn như VNG hay VTC Online liên tục gặt hái được các thành công khi xuất khẩu game Việt ra thế giới.
VNG là công ty game đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu game Việt ra thị trường quốc tế và đã giành được những thành công hết sức khả quan. Cụ thể, hãng này đã bán bản quyền phát hành hai trò chơi Ủn Ỉn và Khu Vườn Trên Mây cho DeNA (Nhật Bản) và Tencent Games (Trung Quốc). Các trò chơi này đã thu hút được rất nhiều game thủ được đối tác đánh giá cao. Mới đây nhất, Khu Vườn Trên Mây đã được Tencent vinh danh là game hải ngoại đột phá nhất trên mạng xã hội Qzone nhờ thu hút được lượng người chơi lớn và ổn định.
Cách đây vài ngày, VTC Online đã công bố hợp đồng bán bản quyền game đầu tiên của mình cho hãng Nvia. Theo hợp đồng, công ty Nvia được quyền phát hành hai game do VTC Studio sản xuất là Squad và Generation 3 (G3) tại 10 quốc gia: Tây Ban Nha, Mexico, Argentina, Chile, Colombia, Venezuela, Peru, Brazil, Ecuador và Paraguay. Nếu công việc phát hành thuận lợi, bản hợp đồng này sẽ được mở rộng sang cộng đồng các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.
Bên cạnh những thành công nổi trội của các công ty lớn, một số công ty nhỏ như Emobi Games hay FGame cũng đã và đang đi những bước đầu tiên trong việc đưa game Việt ra thị trường thế giới. Cụ thể, Emobi Games đã tự mình phát hành trò chơi 7554 tại Mỹ thông qua cổng thanh toán trực tuyến Paypal. Hay như FGame cũng đã xuất khẩu trò chơi Jay Online trên mạng xã hội Yahoo! Asia Game cho cộng đồng game thủ tại châu Á.
Mặc dù những thành công này còn rất nhỏ những chúng cũng cho thấy sự sáng tạo của người Việt và cơ hội thành công của các nhà phát triển game Việt Nam.