Tam Quốc Truyền Kỳ là một webgame chiến thuật khá nổi tiếng tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Với nhiều ưu điểm vượt trội so với các webgame thế hệ đầu tiên, Tam Quốc Truyền Kỳ đã thu hút được không ít game thủ tham gia và là kẻ dẫn đầu thị phần webgame chiến thuật của Việt Nam trong năm 2011 vừa qua. Chính vì vậy mà đã có không ít kẻ mạo danh ăn theo tựa game này, điển hình là scandal Tam Quốc Truyền Kỳ II vừa diễn ra cách đây ít lâu.
Tam Quốc Truyền Kỳ II: Cố tình mạo danh để thu hút game thủ
Vào đầu tháng 03/2012, trên một số trang mạng và diễn đàn chuyên về game của Việt Nam bỗng xuất hiện thông tin webgame Tam Quốc Truyền Kỳ II cập bến Việt Nam. Tựa game này được quảng cáo là phiên bản thứ hai của Tam Quốc Truyền Kỳ. Không những thế, Tam Quốc Truyền Kỳ II còn sử dụng logo nhận diện thương hiệu và tên miền ăn theo Tam Quốc Truyền Kỳ nữa.
Tuy nhiên, thực tế thì nội dung hai trò chơi này lại hoàn toàn không có liên quan gì với nhau hết. Tam Quốc Truyền Kỳ 2 có tên gốc là Bát Tiên Phong Thần Truyện do công ty Thượng Ngoạn Gia (Trung Quốc) phát triển. Còn Tam Quốc Truyền Kỳ được phát triển bởi công ty Dovogame với tên gốc là WarFlow. Hai trò chơi này hoàn toàn không có liên hệ nào với nhau và thông tin này đã được đại diện đơn vị phát hành Tam Quốc Truyền Kỳ tại Việt Nam xác nhận điều này.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao Tam Quốc Truyền Kỳ II lại cố tình ăn theo thương hiệu Tam Quốc Truyền Kỳ? Đơn giản là vì Tam Quốc Truyền Kỳ là một tựa game ăn khách tại Việt Nam. Khi tung tin đồn Tam Quốc Truyền Kỳ II là bản cập nhật của Tam Quốc Truyền Kỳ chắc chắn thu hút được không ít game thủ quan tâm tới vấn đề này. Đặc biệt, đơn vị vận hành Tam Quốc Truyền Kỳ II còn tung ra sự kiện nâng cấp tài khoản Tam Quốc Truyền Kỳ lên Tam Quốc Truyền Kỳ II nữa.
Vì sao nên nỗi?
Mặc dù thương hiệu Tam Quốc Truyền Kỳ bị xâm hại nhưng đơn vị vận hành phiên bản Việt Nam của trò chơi này cũng đành phải “bó tay”. Nguyên nhân đơn giản bởi cả Tam Quốc Truyền Kỳ lẫn Tam Quốc Truyền Kỳ II đều được phát hành dưới dạng “game quốc tế phiên bản Việt” vì chưa có giấy phép phát hành tại Việt Nam. Mặc dù, đơn vị vận hành Tam Quốc Truyền Kỳ phiên bản tiếng Việt là một công ty khá lớn tại Việt Nam nhưng vẫn phải “nhắm mắt làm ngơ” vì cả hai không được luật pháp Việt Nam bảo hộ.
Ngoài vấn đề về giấy phép phát hành thì còn có một vấn đề khác đáng lưu ý là truyền thống “chơi bẩn” của một số công ty phát hành game tại Việt Nam. Trong tình trạng “thiên hạ đại loạn” như hiện nay khiến các công ty phát hành game bất chấp đạo đức kinh doanh tiến hành “chơi xỏ” hay “hạ bệ” đối thủ. Việc chơi xấu đối thủ được họ thực hiện bằng rất nhiều chiêu thức tinh vi, thậm chí có rất nhiều công ty còn dùng tên của các game mới ra làm tên phiên bản mới hay thông điệp truyền thông trên các banner quảng cáo cho game cũ để ăn theo.
Làm sao để hạn chế tình trạng này
Quay trở lại với scandal thương hiệu Tam Quốc Truyền Kỳ, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của vấn đề này chính là việc chậm trễ trong việc ra mắt quy định mới về quản lý trò chơi trực tuyến tại Việt Nam. Việc chậm trễ này khiến cho quyền lợi của game thủ không được đảm bảo khi tham gia vào các trò chơi không rõ nguồn gốc.
Thêm nữa, việc các trang mạng đã đưa tin không chính xác đang vô tình tiếp tay cho việc lừa đảo người tiêu dùng, làm mất uy tín và gây thiệt hại cho doanh nghiệp đang phát hành trò chơi. Ngoài ra, việc đưa thông tin sai lệch sẽ khiến niềm tin của cộng đồng game thủ bị giảm sút nghiêm trọng, tạo ra một thông lệ xấu trong ngành game tại Việt Nam.
Quay trở lại với trường hợp Tam Quốc Truyền Kỳ II, đây là trường hợp mạo danh để trục lợi và hoàn toàn sai về phương diện kinh doanh và đạo đức hành nghề. Việc này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu Tam Quốc Truyền Kỳ cũng như các phiên bản kế tiếp (nếu có) được phát hành tại thị trường Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, có nhiều trang tin, blog chuyên về game đăng tải các thông tin về các trò chơi mới sắp cập bến Việt Nam. Tuy nhiên, trong số này có không ít các tựa game không có bản quyền từ nhà phát triển, thậm chí là phát hành dưới dạng server lậu nhưng lấy danh nghĩa “game quốc tế phiên bản Việt”.
Nhân đây, GameLandVN cũng mong muốn các bạn đồng nghiệp hãy lựa chọn nguồn tin chính xác, đáng tin cậy để đăng tải nhằm bảo đảm quyền lợi cho cộng đồng game thủ cũng như uy tín của chính mình. GameLandVN cũng đang cố gắng thực hiện điều này và chúng tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ của các bạn game thủ cũng như các bạn đồng nghiệp cùng đồng hành để GameLandVN ngày một phát triển hơn nữa.