Năm 2007, chiếc iPhone đầu tiên ra đời đánh dấu thời đại mới của điện thoại thông minh và mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà phát triển ứng dụng di động. Khác với các dòng điện thoại đời trước, điểm khác biệt của iPhone là mang đến một chợ ứng dụng App Store với đủ mọi loại ứng dụng khác nhau.
Trước khi có App Store, các nhà phát triển ứng dụng di động của Việt Nam khá vất vả trong việc tìm kiếm “cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm của mình. Tại thời điểm đó, phân phối ứng dụng trên các cổng game và ứng dụng của các nhà mạng là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên tất cả các cổng này đều thiếu yếu tố công bằng, nơi mà các sản phẩm sân sau được ưu tiên ở vị trí đẹp nhất, nhờ đó được nhiều người tải nhất. Việc tự xây dựng một cổng game hay ứng dụng rồi đầu tư kinh phí marketing trở nên bất khả thi với phần lớn các nhà phát triển game di động khi đó.
Bốn năm sau, những chiếc điện thoại sử dụng hệ điều Android bắt đầu trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Do tính mở của hệ điều hành, tính dễ sử dụng của ngôn ngữ lập trình Java và không có cản trở quá trình xét duyệt khiến cho Android và Google Play trở thành lựa chọn hàng đầu của nhà phát triển ứng dụng di động tại Việt Nam.
Với lợi thế được cài đặt sẵn trên điện thoại, App Store và Google Play đã trở thành chợ ứng dụng đầu tiên mà người dùng truy cập và làm lu mờ vai trò của các nhà mạng trong lĩnh vực này. Hơn thế nữa, việc xếp hạng các ứng dụng rất công bằng và được xử lý tự động nên các nhà phát triển ứng dụng di động luôn có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng mà không phải lo lắng về các mối quan hệ sân sau.
Trên các chợ ứng dụng như App Store hay Google Play, các ứng dụng ở vị trí top thường được người dùng ưu tiên tải về đầu tiên. Theo khảo sát của trang Downgame, khi một ứng dụng nằm trong top 20 của một chợ ứng dụng thì doanh thu sản phẩm sẽ tăng gấp 4 lần. Vì vậy, cạnh tranh vị trí top trở thành cuộc chạy đua giữa các nhà phát triển ứng dụng di động trên toàn thế giới.
Vậy làm sao đưa ứng dụng của mình vào các vị trí top trên các chợ ứng dụng? Hãy cùng theo dõi một số biện pháp được tổng hợp trong bài viết này nhé. Điểm đặc biệt của các phương pháp được giới thiệu dưới đây đều có chi phí rất thấp.
Tính toán thời điểm tung sản phẩm
Các chợ ứng dụng như Apple Store và Google Play thường ưu tiên xếp thứ hạng cho các sản phẩm mới ra lò. Mới theo định nghĩa của Apple và Google thường là 1 tháng tính từ ngày đầu tiên đưa lên chợ ứng dụng. Vì vậy nếu bạn tung ứng dụng của bạn cùng thời điểm với các ứng dụng cạnh tranh khác, cơ hội cho bạn sẽ giảm rất nhiều. Nhưng nếu bạn tung trước hoặc sau hẳn khi các ứng dụng kia sắp qua thời điểm 1 tháng, việc các ứng dụng này mất quyền ưu tiên xếp hạng do là sản phẩm cũ sẽ đẩy sản phẩm của bạn lên top nhanh hơn.
Chọn từ khóa phù hợp
Thông thường người dùng sẽ vào phần tìm kiếm để tìm các sản phẩm mà mình mong muốn. Vì vậy hãy lồng các từ khóa hot nhưng ít cạnh tranh vào phần mô tả và tên sản phẩm trên chợ ứng dụng. Bằng cách này, mỗi khi người dùng tìm kiếm thứ gì đó hot, cơ hội sản phẩm của bạn xuất hiện trước mắt họ rất cao. Kết hợp với nhiều giải pháp được trình bày trong bài viết này sẽ giúp làm tăng lượt tải ứng dụng của bạn nhờ đó giúp ứng dụng của bạn có thể tăng hạng một cách nhanh chóng.
Thiết kế icon, banner và screenshot hấp dẫn
Rõ ràng một icon, banner hay screenshot hấp dẫn sẽ cuốn hút người dùng và khiến họ dễ dàng tải ứng dụng của bạn hơn. Tải ứng dụng là một công việc mất khá nhiều thời gian nên khách hàng sẽ từ chối khi thấy icon hay screenshot của bạn xấu, bất chấp bạn quảng cáo hay đến mấy.
Mô tả rõ ràng và mạch lạc
Cũng quan trọng như icon, banner và screenshot, nội dung sản phẩm phải được mô tả rõ ràng, mạch lạc và tập trung nhấn mạnh ưu điểm của sản phẩm. Phần giới thiệu chung về sản phẩm nên ngắn gọn trong một đoạn văn dài khoảng 3 đến 5 dòng. Phần tính năng sản phẩm nên viết ngắn gọn thành các gạch đầu dòng. Nếu có cập nhật mới thì bạn nên nêu rõ các tính năng mới được nâng cấp để người dùng dễ so sánh và tìm hiểu.
Trao đổi banner
Nếu có thể, hãy tìm cách đặt banner quảng cáo sản phẩm của bạn trên các ứng dụng đã có sẵn lượng người dùng lớn, ứng dụng này đóng vai trò đầu tầu sẽ nhanh kéo ứng dụng của bạn lên top. Tuy nhiên nếu đó không phải là sản phẩm của bạn, việc đặt banner lên ứng dụng kiểu này sẽ mất phí rất cao.
Ở Việt Nam hiện có dịch vụ trao đổi banner giữa các ứng dụng di động do Amobi cung cấp. Sử dụng dịch vụ này, các bạn sẽ được các ứng dụng có lượng người dùng lớn quảng bá miễn phí cho các ứng dụng của bạn. Hiện tại. Amobi đang có chương trình hỗ trợ 20 triệu tiền quảng cáo miễn phí cho các nhà phát triển ứng dụng di động tại Việt Nam.
Làm sản phẩm ăn theo sự kiện hot
Cách này khuyên bạn làm các sản phẩm đơn giản nhưng ăn theo các sự kiện hot, sau đó dùng chính sản phẩm sự kiện này để quảng cáo cho sản phẩm chủ lực chính của bạn. Sản phẩm ăn theo như vậy có cơ hội lên top rất nhanh do được nhiều người săn lùng vì độ hot của sự kiện. Mỗi một sản phẩm lên top sẽ nâng hạng tài khoản của bạn thành điểm cộng khi xét hạng các ứng dụng trong cùng tài khoản. Quan trọng hơn, khi tải các sản phẩm này, người dùng sẽ chú ý đến mục “Các sản phẩm cùng nhà phát triển” và từ đó, sản phẩm chủ lực của bạn sẽ có cơ hội được tải về nhiều hơn.
Trao đổi like Facebook và +1 Google Plus
Trên Apple Store có nút like của Facebook và trên Google Play có nút +1, càng nhiều người bấm 2 nút này, các ứng dụng của bạn càng có nhiều cơ hội được mọi người biết đến hơn. Lập hội với các nhà phát triển khác và tổ chức trao đổi like và +1 theo kiểu theo kiểu tôi like anh sản phẩm của anh, anh like sản phẩm của tôi là một ý tưởng không tồi. Đặc biệt, Google luôn mong muốn mạng xã hội của mình phát triển, vì vậy việc có nhiều người +1 có thể là một tiêu chí ưu tiên khi xếp hạng trên Google Play.
Đặt banner quảng cáo cho “gà nhà”
Thay vì phải bỏ rất nhiều tiền để thuê các dịch vụ quảng cáo thì bạn có thể đặt banner quảng cáo trên các sản phẩm do chính mình phát triển và đã có một lượng người dùng nhất định. Tuy nhiên, để làm được điều này thì bạn phải có nhiều sản phẩm. Đối với các lập trình viên mới trình làng sản phẩm đầu tay thì đây là một việc bất khả thi.
Cập nhật nội dung mới và sửa lỗi thường xuyên
Các chợ ứng dụng đều dành thêm sự ưu tiên cho sản phẩm vừa được nâng cấp nhằm khuyến khích việc cải thiện chất lượng và duy trì sức sống của sản phẩm. Điều này có nghĩa là, nếu chịu khó thường xuyên sửa lỗi và nâng cấp tính năng, sản phẩm của bạn sẽ có cơ hội lên top nhiều hơn.
Tuy nhiên việc lạm dụng cơ chế ưu tiên này bằng cách cập nhật thường xuyên mà không có cải thiện gì đáng kể sẽ là con dao hai lưỡi. Những lần cập nhạt ban đầu sẽ cho hiệu quả tốt, nhưng về sau người dùng sẽ nhận ra bạn thường xuyên có cập nhật vô nghĩa và sinh ác cảm với sản phẩm của bạn, việc gỡ cài đặt sản phẩm là tất yếu.
Những cập nhật hợp lý sẽ gây thiện cảm tốt với khách hàng và giữ chân họ ở lại với sản phẩm lâu hơn. Càng nhiều người giữ sản phẩm sống lâu trên điện thoại sẽ là một căn cứ ưu tiên khi xếp hạng tốt. Hơn thế nữa, nếu khách hàng hài lòng với sản phẩm, họ sẽ giới thiệu người khác sử dụng.
Trả lời thắc mắc khách hàng
Trên các chợ ứng dụng này đều có phần bình luận của khách hàng. Việc kịp thời trả lời các thắc mắc sẽ để lại ấn tượng tốt và tăng số bình luận sẽ giúp tăng điểm xếp hạng ứng dụng của bạn. Đặc biệt, Google Play còn có riêng phần trả lời trực tiếp trên từng bình luận của khách hàng.
Ngoài ra việc để lại thông tin liên lạc rõ ràng bao gồm email, số điện thoại có tác dụng rất tốt. Nếu có điều kiện và thời gian, hãy lập những blog cho riêng sản phẩm của bạn kết hợp với các thủ thuật SEO, qua đó tăng lượng truy cập đến sản phẩm và gián tiếp tăng điểm xếp hạng trên các chợ ứng dụng.
Theo: Downgame.vn