Năm 2012 là một năm nhiều thách thức của kinh tế toàn cầu song ngành game Trung Quốc vẫn đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Dưới đây là 10 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến làng game nước này trong năm vừa qua. Họ không chỉ là những nhà điều hành các công ty game mà còn là game thủ, những người có đóng góp không nhỏ để tạo nên thành công của một game trên thị trường.
1. Trương Hướng Đông – Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc sản xuất Shanda Games
Trương Hướng Đông gia nhập vào tập đoàn Shanda từ năm 2001. Trước khi giữ chức vụ hiện tại, ông đã đảm nhiệm vai trò Giám đốc vận hành kiêm Giám đốc sản xuất của Shanda Games. Ông cũng đã từng giữ các chức vụ Phó chủ tịch cấp cao, Giám đốc tập đoàn Shanda.
Sau khi Đàm Quần Chiêu từ chức trong năm nay, Trương Hướng Đông đã lên thay thế và trở thành CEO mới của Shanda Games. Đây là việc nằm trong dự đoán của nhiều thành viên kỳ cựu của Shanda. Giải thích về việc này, Trương Hướng Đông nói: “Tôi rất vinh dự vì có cơ hội dẫn dắt Shanda Game trong thời điểm then chốt này. Ngành kinh doanh game hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với thời gian chúng tôi mới gia nhập năm 2001. Những thay đổi này tạo ra cả sự thách thức cũng như cơ hội. Tôi hy vọng cùng với đội ngũ nhân viên ưu tú của Shanda Games, chúng tôi sẽ không ngừng tìm tòi, nắm bắt cơ hội để đưa công ty lên một tầm cao mới”.
2. Mã Hóa Đằng – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Tencent
Nhắc tới Mã Hóa Đằng, người ta vẫn thường gọi ông với cái tên “Cha đẻ của QQ”. Mã Hóa Đằng sinh trưởng tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông. Năm 1993, ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành công nghệ thông tin và ứng dụng tại đại học Thâm Quyến. Năm 1998, ông cùng Trương Trí Đông thành lập Tencent Computer System Co.,Ltd.
Trước đó, Mã Hóa Đằng từng làm công tác nghiên cứu và phát triển phần mềm tại công ty Thâm Quyến CM Communications Development Co., Ltd, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành viễn thông và mạng Internet. Năm 2009, ông được bầu chọn là doanh nhân tiêu biểu của Trung Quốc. Đồng thời Tencent cũng có tên trong danh sách “50 công ty uy tín nhất toàn cầu” của Fortune, đứng thứ 4 trên bảng danh sách các công ty lớn Trung Quốc năm 2012 do tạp chí Forbes bình chọn với giá trị tài sản là 40,32 tỷ NDT (khoảng 6,48 tỷ USD).
Ngày 03 tháng 07, Tencent tuyên bố là nhà phát hành độc quyền game FPS kinh điển Call of Duty Online của Blizzard tại thị trường Trung Quốc. Trong buổi họp báo, Mã Hóa Đằng cũng tiết lộ rằng ông và cậu con trai 6 tuổi của mình đều là tín đồ trung thành của Call of Duty Online.
3. Đinh Lỗi – Nhà sáng lập công ty NetEase
Ông Đinh Lỗi thành lập công ty NetEase vào tháng 6 năm 1997. Với tư duy thị trường nhạy bén và nền tảng kinh doanh vững chắc, NetEase đã có những đóng góp rất quan trọng vào quá trình thúc đẩy sự phát triển của Internet tại thị trường Trung Quốc. Từ những ngày đầu thành lập NetEase chỉ là một công ty tư nhân với hơn 10 nhân viên, đến nay đã phát triển thành một công ty công nghệ Internet nổi tiếng với hơn 3000 nhân viên, có cổ phiếu niêm yết tại thị trường Mỹ. Trong lĩnh vực Internet, bộ ba Đinh Lỗi cùng với Vương Chí Đông và Trương Triều Dương còn được mệnh danh là “Tam Hiệp Mạng”.
4. Sử Ngọc Trụ – Nhà sáng lập, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm CEO của Giant Interactive
Sử Ngọc Trụ người An Huy, tốt nghiệp nghiên cứu sinh năm 1989, nghiên cứu và phát triển phầm mềm giao diện máy tính bằng tiếng Trung M6401 tại Thâm Quyến. Ông thành lập tập đoàn công nghệ cao Giant với vốn đăng ký kinh doanh là 119 triệu NDT (khoảng 19,12 triệu USD). Giant được tạp chí Forbes xếp hạng thứ 8 trong bảng xếp hạng những công ty lớn nhất Trung Quốc đại lục tháng 7 năm 1995, cũng là công ty duy nhất về công nghệ cao thời điểm đó.
Sử Ngọc Trụ nổi tiếng là một kỳ nhân kinh doanh, với cách tiếp thị “đơn giản mà hiệu quả”, “đến trẻ con lớp 1 cũng hiểu”. Mới đây, ông đã đưa Giant trở thành doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên hai lần cạnh tranh giành được không gian quảng cáo tại quảng trường Times, nơi được mệnh danh là “Ngã tư của thế giới” tại thành phố New York, Mỹ.
5. Vương Vũ Vân – Phó chủ tịch Perfect World
Ngoài giữ chức vụ Phó chủ tịch Perfect World, bà Vương Vũ Vân còn là chuyên viên tư vấn tâm lý đại học quốc lập EMBA Singapore.
Trong buổi lễ triển lãm văn hóa mạng ngày 14/12/2012, bà Vương Vũ Vân khi nhận giải thưởng đã phát biểu: “Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục dựa vào những ưu thế sẵn có của mình để tích hợp thiết kế, sản xuất, vận hành và các nguồn lực khác trên phạm vi toàn cầu, hình thành năng lực sản xuất toàn cầu hóa, tạo nên sức ảnh hưởng to lớn trên thị trường quốc tế, nhằm quảng bá văn hóa Trung Quốc một cách lâu dài và toàn diện”. Đồng thời, bà cũng biểu thị hy vọng cùng các bạn đồng nghiệp quốc tế nỗ lực cố gắng để các sản phẩm văn hóa mạng càng được nâng cao phát triển ổn định.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CCTV, bà Vương Vũ Vân đã thể hiện niềm tin vững chắc vào xu thế phát triển trong tương lai của kinh doanh mạng trực tuyến tại Trung Quốc, bà cho biết: “Trong vài năm tới, game online Trung Quốc phát triển sẽ được kết hợp với thiết kế, sản xuất, và vận hành của nền công nghiệp game toàn cầu và các nguồn lực khác để hoàn tất quá trình toàn cầu hóa dây chuyền công nghiệp. Dự báo đến năm 2015, quy mô thị trường game online Trung Quốc sẽ vượt ngưỡng 100 tỷ NDT (khoảng 16,07 tỷ USD), còn kim ngạch xuất khẩu ra thị trường nước ngoài sẽ vượt mốc 3 tỷ USD”.
6. Trần Đức Văn – Chủ tịch Sohu
Tháng 4 năm 2005 Trần Đức Văn gia nhập vào ban trò chơi giải trí công ty Sohu, là tiền thân của ChangYou, từng giữ nhiều chức vụ trong đó bao gồm cả Giám đốc điều hành thị trường MMORPG. Tháng 12 năm 2007 công ty ChangYou chính thức thành lập, do ông Trần Đức Văn giữ chức Giám đốc vận hành. Bằng năng lực lãnh đạo và khả năng hoạch định chiến lược xuất sắc, tháng 2 năm 2010 ông được bổ nhiệm lên làm chủ tịch công ty. Cùng năm, ông Trần Đức Văn cũng được bình chọn là điển hình lao động thành phố Bắc Kinh.
Giám đốc điều hành Sohu, Trần Đức Văn từng phát biểu: “Những công ty lớn cần tôn trọng những sáng tạo của những công ty nhỏ, sự xuất hiện của hàng loạt webgame, mobile game, game client trong mấy năm gần đây cũng gắn liền với sự ra đời của rất nhiều các công ty mới. Đây là nền tảng cho sự phát triển lâu dài bền vững của ngành kinh doanh game, vì vậy việc xuất hiện những công ty nhỏ với những sáng tạo mới là điều hiển nhiên”.
7. Lâm Kỳ – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Uuzu
Từ khi sáng lập Uuzu năm 2009 đến nay, bằng vào khả năng phán đoán chiến lược và giác quan thị trường tinh tế đối với lĩnh vực webgame, Lâm Kỳ đã đưa Uuzu phát triển từ một công ty với hơn mười nhân viên thành một trong những công ty lớn hàng đầu trong ngành với hơn 500 nhân viên.
Uuzu kiên trì với chiến lược sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao. Trên các phương diện: sản xuất web game, ứng dụng và các kỹ thuật cao khác Uuzu đều giữ vị trí tiên phong, có cống hiến to lớn trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của webgame.
Năm 2012, ông Lâm Kỳ là lãnh đạo doanh nghiệp webgame duy nhất nhận được lời mời tham gia hội nghị các doanh nghiệp ngành game Trung Quốc (China Game Business Conference) và diễn đàn quốc tế doanh nghiệp trò chơi tương tác kỹ thuật số lần thứ 10 (ChinaJoy 2012). Đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây có đại biểu kinh doanh webgame xuất hiện tại diễn đàn cấp cao này.
8. Tiêu Kiện – Giám đốc Tập đoàn CMGE
Năm 2007, Tiêu Kiện sáng lập Huiyou Digital, đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị công ty trực thuộc phụ trách vận hành chức năng di động của China Mobile Games and Entertainment Group ( CMGE) là DragonJoyce. Ông còn là đồng sáng lập công ty kỹ thuật số A8 Digital, có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEx). Ông tốt nghiệp đại học sư phạm Hoa Nam năm 2008, có học vị cử nhân luật.
Ông Tiêu Kiện bắt đầu giữ chức vụ Giám đốc điều hành tập đoàn CMGE từ tháng 4 năm 2012. Đến tháng 8 năm 2012 ông đảm nhiệm chức vụ Giám đốc tập đoàn CMGE, trước đó ông từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc vận hành.
Ngày 1 tháng 9 năm 2012, VODone Limited (VODone) – công ty con của CMGE, công ty phát triển trò chơi di động lớn nhất Trung Quốc, đã tổ chức một cuộc họp báo về việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ ở khách sạn Carry Center, Bắc Kinh. Các thành phần tham dự gồm có Chủ tịch hội đồng quản trị VODone Trương Lực Quân, Giám đốc tài chính VODone Tiền Hán Địch, Phó chủ tịch hội đồng quản trị CMGE Vương Vĩnh Siêu, Giám đốc tập đoàn CMGE Tiêu Kiện và Giám đốc tài chính CMGE Trương Phi Hổ.
9. Diêu Tráng Hiến – Tổng giám đốc Soft Star
Diêu Tráng Hiến sinh năm 1969 tại huyện Hoa Liên, Đài Loan. Ông từng tham gia với vai trò chủ đạo trong quá trình sản xuất các dòng game kinh điển như: Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện và Đại Phú Ông. Trong đó nhận được nhiều đánh giá cao nhất là những game RPG được xây dựng theo dòng game Tiên Kiếm. Ông được các bạn trong ngành gắn cho cái tên “Đào Tiên” và “Cha đẻ của Tiên Kiếm”.
10. Quỷ Vương TED
Không nắm giữ trong tay bất kỳ công ty game nào, nhưng sức ảnh hưởng của người này lại đến từ khả năng thi đấu trong game. TED là tên nhân vật trong game Warcraft III của tuyển thủ thể loại Undead người Trung Quốc với biệt danh Quỷ Vương. Năm 2012 là một năm quan trọng đối với tất cả các game thủ Undead. TED với cương vị là tuyển thủ Undead duy nhất trong vòng chung kết WCG 2012, đã làm nên lịch sử khi giành vị trí quán quân lần đầu tiên trong lịch sử vòng chung kết thế giới WCG thể loại Warcraft III vào ngày 2 tháng 12 năm 2012.
Khi tất cả các thể loại thi đấu của vòng chung kết thế giới WCG 2012 đã kết thúc, sau phần thi đấu thể loại Warcaft III, nhà quán quân TED đã tham gia trả lời một bài phỏng vấn trực tiếp, trong đó anh tin tưởng rằng, với sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả, Warcaft III sẽ không bao giờ bị quên lãng.
Theo: Innoflex