Yêu nhau từ lúc còn học cấp 3, hai vợ chồng người Slovenia là Samo và Iza Login quyết định khởi nghiệp vào năm 2009, và thành lập nên một công ty chuyên phát triển ứng dụng di động mang tên Outfit7. Với số tiền dành dụm 250.000 USD đã tích lũy được lúc còn đi làm, nhà Login mở văn phòng tại thủ đô Ljubljana của Slovenia, và thuê 6 người bạn vào làm.
Tuy nhiên, quá trình khởi đầu của họ không mấy suôn sẻ. Một loạt sản phẩm đầu tay đều thất bại: một app chuyên về tin bóng đá, một app chuyên về du lịch Iceland, một app khác chuyên chia sẻ các châm ngôn làm giàu.
Sau 6 tháng liền không thành công, vợ chồng Login quyết định phát triển một trò chơi đơn giản cho trẻ em, mang tên “My Talking Tom”. Người dùng sẽ nói vào điện thoại, và những gì vừa nói sẽ được lặp lại bởi một chú mèo tên Talking Tom, với chất giọng cao vút như vừa hít khí helium. Nếu được cho ăn ớt hay được vuốt ve, Tom cũng sẽ phản ứng lại bằng những tiếng gừ gừ như một con mèo thật. Samo cho biết ban đầu anh khá lạc quan về sản phẩm này, nhưng cũng cho biết rằng mọi người còn lại trong nhóm đều có nghi ngờ về triển vọng của nó.
Vượt ngoài mọi dự kiến của Outfit7, ứng dụng này ngay lập tức thắng lớn, và vươn lên vị trí số 1 trên Apple App Store tại hơn 100 quốc gia. Từ thành công của ứng dụng này, Outfit7 tung ra tiếp một loạt trò chơi có liên quan. Cho tới nay, các trò chơi của hãng đã thu hút được gần 350 triệu người dùng hàng tháng, và kênh YouTube của Talking Tom đã có hơn 2 tỉ lượt người xem.
So với nhiều nhà phát triển trò chơi khác, vợ chồng Login khá là xuất sắc trong việc tạo ra doanh thu. Những ai chơi Talking Tom đều nhận được một loạt lời mời chào xem quảng cáo và mua vật phẩm, đem lại cho Outfit7 doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm.
Những thương vụ lệch pha
Đến đầu năm 2016, nhà Login quyết định muốn thoái vốn, và thuê ngân hàng đầu tư Goldman Sachs để giúp họ tìm người mua. Vài tháng sau đó, Samo bay tới Thượng Hải để gặp đối tác, và kỳ lạ thay, đây không phải là một công ty chuyên về game hay làm bất cứ chuyện gì trong ngành truyền thông. Thay vào đó, người gặp gỡ Samo lại là đại diện của một tập đoàn hóa chất mang tên Zhejiang Jinke Peroxide, vốn được thành lập ở Hàng Châu hồi năm 2007.
Samo chưa bao giờ nghe tới công ty này, nhưng lời đề nghị của họ quá hấp dẫn. Jinke sẵn sàng bỏ ra 1 tỉ USD để mua lại Outfit7, so với mức định giá 600 triệu USD. Sau đó, Outfit7 vẫn có thể duy trì hoạt động độc lập, mà không bị nhiều can thiệp. Thế là vợ chồng Login đồng ý bán lại công ty của mình. Đến tháng 1/2017, thương vụ này chính thức được công bố.
Ngay cả ở một nơi vốn có nhiều thương vụ M&A kỳ lạ như Trung Quốc, đây vẫn là một thương vụ được xem là khó hiểu bậc nhất: tại sao một công ty hóa chất lại muốn mua một công ty phát triển game? Mọi chuyện càng bí ẩn hơn nữa khi doanh thu của Jinke chỉ có vỏn vẹn 133 triệu USD trong năm 2016, còn lợi nhuận đạt 55 triệu USD, theo tìm hiểu của Bloomberg. Jinke không cho biết họ lấy số tiền để mua lại Outfit7 từ đâu, và gần đây đã đổi lại tên đầy đủ thành Zhejiang Jinke Entertainment Culture, không còn gì dính tới hóa chất.
Samo không nghĩ ngợi quá nhiều về chuyện này, và cho biết anh muốn dùng số tiền thu được để thành lập một tổ chức chuyên về thực phẩm bền vững.
Trường hợp kể trên không phải là ngoại lệ. Trong thời gian gần đây, một loạt đại gia Trung Quốc đã mua lại nhiều công ty giải trí và truyền thông của phương Tây, dù không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này:
Tập đoàn bất động sản Dalian Wanda (Vạn Đạt Đại Liên) mua lại hãng phim Legendary Entertainment với giá 3,5 tỉ USD (Legendary là nhà sản xuất bộ phim Kong gây đình đám ở Việt Nam hồi đầu năm nay).
Hãng vật liệu xây dựng SongLiao Automotive mua lại công ty hiệu ứng điện ảnh Framestore với giá 187 triệu USD, và đổi tên thành Culture Investment Holdings.
Nhà sản xuất ống nước bêtông Zhejiang Dragon Pipe mua lại công ty game Entertainment Game Labs với giá 637 triệu USD.
Kỳ lạ nhất có lẽ là việc tập đoàn chuyên giết mổ gà Sumpo mua lại các công ty game Digital Extremes và Splash Damage với tổng trị giá khoảng 295 triệu USD. Sau đó, Sumpo đổi tên từ Sumpo Food Holdings thành Leyou Technologies Holdings.
Theo ngân hàng đầu tư CODE Advisors, vốn chuyên tư vấn các thương vụ M&A trong lĩnh vực truyền thông và công nghệ, có tới 70% thương vụ thâu tóm các công ty game từ năm 2015 tới nay là được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc.
Trò chơi thổi giá
Chỉ vào một chiếc Ferrari 458 màu cherry đậu trước cửa khách sạn Four Seasons ở London, Lisa Pan nói: “Trước đây tôi hay đi đua xe bằng mấy chiếc xe như vậy”. Mở điện thoại, Lisa cho xem hình cô ngồi sau bánh lái một chiếc Ferrari Spider ở Bắc Kinh, trong chiếc áo tanktop với mái tóc nhuộm màu sặc sỡ, và cười phá lên: “Đó là từ hồi xưa rồi”.
Ngày nay, Lisa mặc một bộ áo choàng Burberry và đi giày cao gót cực kỳ sành điệu, với chiếc nhẫn kim cương to như viên bi trên tay. Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Bắc Kinh, Lisa Pan là một trong những nhà đầu tư startup có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc.
Cô đang ở London trong vai trò đại diện cho tập đoàn bất động sản kiêm khai khoáng Zhongji Enterprise Group, có trụ sở tại Thượng Hải. Cách đây 2 năm, vị chủ tịch của Zhongji, vốn là bạn thân của gia đình Lisa, đã nhờ cô thực hiện một chiến dịch xây dựng lại hình ảnh của tập đoàn. Tình trạng sụt giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc Zhongji không thể tiếp tục phát triển dựa vào mảng bất động sản như trước được nữa. Thế là Lisa khuyên vị chủ tịch này nên chuyển hướng sang mua lại các công ty game.
Trong năm 2016, Lisa đã điều phối thương vụ Zhongji mua lại công ty game Jagex của Anh với giá 400 triệu USD. Là công ty đứng đằng sau trò chơi nổi tiếng RuneScape, Jagex đạt doanh thu 74,4 triệu bảng Anh và lợi nhuận sau thuế 28,8 triệu bảng trong năm 2016. “Đây là một con bò sữa béo bở”, Lisa nói. Cô đang xúc tiến tiếp một số thương vụ khác, và có mặt tại London kỳ này để thương thảo với một công ty game nữa, hiện chưa được tiết lộ danh tính.
Đã từ lâu, các nhà đầu tư sành sỏi biết rằng rất nhiều tập đoàn công nghiệp ở Trung Quốc có mức định giá cổ phiếu cực kỳ “ảo diệu”. Chuyên gia ngân hàng đầu tư Affan Butt, người đã tham gia vào thương vụ Zhongji mua lại Jagex, cho biết rằng một số công ty Trung Quốc có giá trị vốn hóa có thể lên tới 100 lần doanh thu hàng năm, cao hơn 4 lần so với tỉ lệ của General Electric (Mỹ).
Điều này có nghĩa là khi một tập đoàn Trung Quốc mua lại một công ty có biên lợi nhuận cao như Jagex, họ có thể đẩy giá cổ phiếu của mình lên cao hơn nữa, và hưởng chênh lệch đáng kể so với cái giá bỏ ra. Do đó, các công ty Trung Quốc sẵn sàng chi những khoảng tiền cao ngất ngưởng cho những thương vụ M&A.
Giới đầu tư lẫn nhà chức trách ở Trung Quốc thường chỉ quan tâm tới lợi nhuận doanh nghiệp. Tại Thượng Hải, một công ty muốn niêm yết trên sàn chứng khoán thì phải đưa ra được bằng chứng là đã có lãi trong vòng 3 năm trước đó. Và một khi lên sàn, thì công ty phải có thêm nguồn lợi nhuận mới nếu không muốn cổ phiếu bị rớt giá. Butt bình luận rằng, bỏ tiền ra thâu tóm các công ty game là cách để “mua về lợi nhuận”.
Có những bằng chứng cho thấy thủ thuật tài chính này khá là hiệu quả. Kể từ khi mua lại Jagex hồi tháng 6 năm ngoái, giá cổ phiếu Zhongji đã tăng gần 30%. Cổ phiếu Leyou cũng đã tăng giá hơn gấp đôi sau khi thâu tóm Digital Extremes và Splash Damage. Giá cổ phiếu hãng vận tải đường sông Chongqing New Century Cruise tăng hơn 600% sau khi sáp nhập với công ty game Giant Interactive hồi năm 2015.
Thijs Hagoort, đồng sáng lập công ty Newzoo chuyên nghiên cứu trong ngành công nghiệp game, bình luận: “Rõ ràng chẳng có tí xíu logic nào trong việc sáp nhập một công ty game phương Tây với một tập đoàn công nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, người ta đã thấy là điều này có thể mang lại nhiều tiền tới mức nào, nên chẳng có gì lạ cả”.
Ngày ấy & bây giờ
Tại Trung Quốc, các dòng tiền đi ra khỏi nước này thường xuyên bị chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ. Để thực hiện một thương vụ thâu tóm ở nước ngoài, một tập đoàn Trung Quốc thường sẽ phải tạo ra một công ty vỏ bọc, và nhờ tới một nhóm nhà đầu tư có khả năng tiếp cận nguồn vốn nước ngoài thanh toán chi phí M&A. Theo Lisa kể, công ty Trung Quốc này có thể sẵn sàng trả lãi 20% cho nhóm nhà đầu tư, hoặc chia lại cho họ cổ phiếu với giá rẻ hơn thị trường, từ đó nhóm này có thể hưởng lãi khi cổ phiếu lên giá sau khi thương vụ hoàn tất.
Do đó, trong các thương vụ M&A kể trên, thật khó mà biết được nguồn tiền chính xác là đến từ đâu. Chẳng hạn như trong thương vụ Jinke mua lại Outfit7, ban đầu người thâu tóm Outfit7 là một công ty có trụ sở ở Quần đảo Virgin tên là United Luck Group Holdings, thuộc quyền kiểm soát của một đại gia bất động sản bí hiểm tên là Ou Yaping. 4 ngày sau đó, United Luck đưa ra thông cáo báo chí rằng họ bán lại Outfit7 cho Jinke. Theo điều tra của Forbes, trước đó vài hôm thì Jinke đã mua lại 10% cổ phần United Luck với cái giá thấp một cách khó hiểu là 5.000 USD.
Kể từ đó, lại có thêm một số diễn biến bí ẩn. Trong một văn bản khác, Jinke cho biết rằng họ vẫn đang đàm phán giai đoạn cuối với United Luck, một dấu hiệu cho thấy có thể thương vụ này chưa được chính phủ Trung Quốc thông qua (có lẽ vì vậy mà giá cổ phiếu Jinke đã rớt hơn 27% kể từ tháng 1/2017). Một văn bản nữa cho thấy rằng Jinke đã tạo ra một công ty con mang tên Zhejiang Jinke Tom Cat Network Technology để chia sẻ doanh thu và lợi nhuận từ Outfit7 với United Luck.
Một nhân vật am hiểu về Jinke cho biết rằng công ty này đang muốn mở rộng sang các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng và định giá cổ phiếu cao hơn so với ngành hóa chất, chẳng hạn như ngành game. Outfit7 cũng không phải là thương vụ M&A duy nhất của Jinke trong ngành này. Nhân vật này cho biết thêm Jinke hợp tác với United Luck vì công ty này nằm bên ngoài Trung Quốc, và do đó dễ dàng thực hiện thương vụ thâu tóm Outfit7 hơn. Trong một thông báo qua email, United Luck cho biết rằng họ vẫn là chủ sở hữu 100% của Outfit7 cho tới khi hoàn tất đàm phán với Jinke.
Samo Login, hiện đã chuyển sang cố vấn cho Outfit7, trả lời email rằng: “Tôi không thể nói thay cho những người mua lại công ty được. Đây là công việc kinh doanh của họ, bạn nên hỏi thông tin từ họ”. Được hỏi rằng anh có nghi ngại gì về việc bán lại công ty của mình cho một tập đoàn chẳng có kinh nghiệm trong ngành truyền thông hay game, Samo trả lời với biểu tượng mặt cười và ghi thêm: “Xét cho cùng, họ đã trả cho chúng tôi cái giá hợp lý”.
Hồi tháng 6 năm ngoái, khi Jagex đưa tin đang được thâu tóm bởi Zhongji, nhiều nhân viên của hãng này đã đặt câu hỏi về việc là có thay đổi gì hay không, theo lời kể từ CEO Phil Mansell của Jagex. Tuy nhiên, Zhongji đã không can thiệp gì nhiều từ đó tới nay, và giành được niềm tin của các nhân viên tại Jagex. “Họ không tìm cách rút ruột công ty, cũng không tìm cách chia tách. Họ muốn xây dựng dựa trên những gì chúng tôi đã có”, Mansell nói.
Hiện tại, Jagex đang muốn sản xuất game cho thị trường Trung Quốc, nơi có quy mô lớn tới nỗi chỉ cần một thành công nhỏ cũng có thể mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ. Theo chuyên viên ngân hàng đầu tư Butt, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ không can thiệp gì nhiều nếu thấy công ty mới được thâu tóm đang ăn nên làm ra.
Đó là những thương vụ may mắn thành công. Tuy nhiên cũng có những người nhận “quả đắng”, chẳng hạn như Nicholas Chartier, nhà sản xuất đứng đằng sau các bộ phim từng đoạt giải Oscar như “The Hurt Locker” hay “Dallas Buyers Club”. Hồi năm ngoái, Chartier đồng ý bán lại công ty Voltage Pictures của ông với giá 350 triệu USD cho công ty sản xuất cáp điện Anhui Xinke New Materials đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi thương vụ được công bố, Xinke đã rút lui với lý do là phía Voltage chưa cung cấp đủ các thông tin như chính phủ Trung Quốc yêu cầu.
Chartier đã từ chối bình luận về vụ việc, nhưng theo một hồ sơ khởi kiện được đưa lên tòa án hồi tháng 1, Voltage đã buộc tội Anhui là cố tình rút lui để mua lại cổ phần trong một công ty sản xuất phim khác ở Hong Kong. Hồ sơ này cũng cho thấy quá trình sắp xếp thương vụ phức tạp như thế nào: Đầu tiên, Voltage cần thành lập một công ty ở Hong Kong, sau đó chuyển nhượng các tài sản sở hữu trí tuệ cho công ty này. Sau đó, Xinke thành lập một công ty đầu tư ở Hong Kong mang tên Wotaiji để thực hiện vụ thâu tóm công ty nói trên.
Không ai biết chắc rằng liệu những thương vụ “lệch pha” như thế này có thể kéo dài mãi hay không. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang sụt giảm tăng trưởng, chính phủ nước này không muốn dòng vốn chảy ra ngoài, cộng thêm vào đó là mối lo về việc NDT rớt giá và tăng trưởng tín dụng quá nóng. Do đó, các nhà chức trách Trung Quốc đang trở nên xét nét hơn với những thương vụ M&A “lệch pha”.
Paul Heydon, lãnh đạo quỹ đầu tư mạo hiểm London Venture Partners chuyên về ngành game, nhận xét: “Chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy điều gì đang xảy ra, và họ không chắc rằng việc để cho một công ty bất động sản hay khai khoáng bỗng chốc biến thành một công ty game có phải là điều gì tốt lành hay không”.
Nguồn:
Why Did a Chinese Peroxide Company Pay $1 Billion for a Talking Cat? Bài viết của Adam Satariano trên Bloomberg Businessweek.
Vì sao Mèo Talking Tom được mua lại với giá 1 tỷ USD? Bản dịch tiếng Việt của Tuấn Minh đăng trên Nhịp Cầu Đầu Tư.
GAMELANDVN.COM