Khi nghe tin từ ngày 1 tháng 4 năm 2008, tôi bắt đầu làm biên tập nội dung game cho Game Studio South, VinaGame., tất cả bạn bè người thân của tôi đều phá lên cười và cho rằng đó chỉ là một trò đùa Cá Tháng Tư, không hơn. Không ai tin nổi một “người của những năm 40 thế kỉ XX”, mơ mộng, cổ lỗ, low tech và hoàn toàn “mù game” như tôi lại có thể làm một công việc mà chỉ mới nghe qua đã thấy “có vẻ” “dính dáng” rất nhiều đến công nghệ, kĩ thuật, đời sống hiện đại và “thời thượng”. Nhưng điều tồi tệ nhất là không ai (kể cả những người cùng làm trong ngành công nghiệp game) hình dung nổi “biên tập nội dung game” là cái gì? Đó có phải là việc thiết kế nội dung game không? Hay là biên tập tin bài trên các website về game?
1. Biên tập nội dung game là gì?
Thực ra, công việc biên tập nội dung game không hoàn toàn xa lạ, mới mẻ hay “bí hiểm” gì. Nếu bạn đã từng chơi, hay thậm chí chỉ cần quan sát một game thôi, bạn sẽ nhận thấy trong game có chứa rất nhiều dòng text với những công dụng khác nhau: thông báo hệ thống, tên NPC/quái vật/vật phẩm, hướng dẫn nhiệm vụ (dưới dạng nhật kí nhiệm vụ hay lời thoại giữa người chơi – NPC).v.v… Tất cả những dòng text này sẽ góp phần giúp cho bạn thật sự hoá thân vào nhân vật trong trò chơi và thưởng thức trò chơi một cách sâu sắc. Chúng cũng chính là đối tượng công việc của những người làm biên tập nội dung game.
Toàn bộ text trong game là đối tượng công việc của BTV
Cho đến thời điểm này, khi mà ngành công nghiệp game ở Việt Nam còn hết sức non trẻ và các công ty game chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở việc phát hành game nhập từ nước ngoài, thì một khâu quan trọng không thể thiếu trước khi các nhà phát hành đưa game ra thị trường, đó là bản địa hoá game. Tuỳ thuộc vào yêu cầu, mục đích cũng như các yếu tố khác, quy trình bản địa hoá nội dung một game có thể được thực hiện qua các bước: dịch, biên tập, hiệu đính trên text, hiệu đính ingame…; và với các cấp độ khác nhau. Biên tập cũng chỉ là một bước trong quy trình đó.
Như vậy, xét về bản chất, công việc biên tập nội dung game rất gần với công việc biên tập báo chí, xuất bản. Sau khi toàn bộ text được bộ phận biên dịch chuyển nghĩa, nhiệm vụ của biên tập viên là kiểm tra độ chính xác của dịch thuật, sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, văn phong, hoặc hiệu đính, nhuận sắc.v.v…; sao cho ngôn ngữ trong game trở nên chuẩn xác, trong sáng, nhuần nhị, phù hợp với nội dung game và thống nhất (điều này rất quan trọng, bởi bạn cứ thử hình dung nếu NPC yêu cầu bạn đi đánh quái vật A để lấy vật phẩm B, nhưng bạn lại chỉ tìm được quái vật C và lấy được vật phẩm D thì mọi chuyện khủng khiếp như thế nào).
2. Biên tập nội dung game, dễ hay khó?
So với những công việc biên tập khác như biên tập báo chí, xuất bản, dường như biên tập nội dung game đơn giản hơn và đòi hỏi những kĩ năng ở cấp độ thấp hơn. Trong biên tập báo chí, xuất bản, bạn sẽ phải làm việc với những văn bản lớn, hoàn chỉnh, phức tạp (một bài báo, hoặc một cuốn sách), và ở mọi cấp độ từ sửa lỗi chính tả/ngữ pháp cho đến biên tập cấu trúc, giám định nội dung, tổ chức bản thảo… Chính vì vậy biên tập viên vẫn được coi là những nhân vật “mồm miệng có gang có thép”, là dễ thăng tiến nhất. Trong giới xuất bản, giám định của biên tập viên chỉ đứng sau quyết định In hay Không In của giám đốc NXB, và khi cuốn sách ra đời, ngoài tên tác giả/dịch giả, người ta có thể bỏ/quên tên người sửa bản in, người trình bày hoặc vẽ bìa, nhưng không thể thiếu tên NXB (và giám đốc) cùng tên người biên tập [*]. Trong giới báo chí, khi có bất cứ sự cố nào xảy ra thì người chịu trách nhiệm lớn nhất và trước tiên, ngoài tác giả bài báo, chính là đội ngũ biên tập của tờ báo đó.
Trái lại, trong công việc biên tập game, bạn chỉ phải làm việc với những văn bản nhỏ ở cấp độ từ/câu/đoạn mang nội dung đơn giản mà thôi. Bạn cũng chỉ thuần tuý biên tập câu chữ chứ không hề phải “giám định” hay “tổ chức” hoặc quyết định “sử dụng hay không sử dụng” một nội dung nào đó trong game (đó là công việc của nhóm thiết kế nội dung, và nằm ở khâu sản xuất chứ không phải phát hành).
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là công việc biên tập nội dung game quá dễ dàng, ít trách nhiệm và “ai làm cũng được”. Trong vòng chưa đầy 5 tháng kể từ ngày đầu tiên làm việc tại VinaGame, tôi đã chứng kiến đến 3 người lần lượt ra đi khỏi vị trí biên tập nội dung game, bởi vì hoặc là họ không đủ kĩ năng để đáp ứng được yêu cầu công việc, hoặc là họ không thể “chịu đựng” được tính chất khắt khe của công việc này.
Trước hết, mặc dù text trong game chỉ là những từ/câu/đoạn ngắn và đơn giản, nhưng việc biên tập chúng thật tốt với chất lượng cao thì không phải ai cũng làm được. Ở văn bản lớn và phức tạp, những lỗi nhỏ của bạn (về chính tả/ngữ pháp) sẽ ít bị để ý, hoặc nếu có bị phát hiện thì cũng dễ được “du di”, “tha thứ” hơn. Văn bản càng đơn giản, đòi hỏi về chất lượng càng cao, và khi đó, mọi sai lầm đều trở nên khó dung thứ, dù chỉ là lỗi khoảng trắng. Mặt khác, nếu bạn phải biên tập khoảng vài chục ngàn dòng (khái niệm “dòng” ở đây được hiểu rất tương đối, bởi có “dòng” dài đến cả trang A4) trong một thời gian rất ngắn thì sao? Liệu lúc đó bạn có thể đảm bảo mọi câu từ của mình đều chính xác và chuẩn mực đến từng dấu chấm dấu phẩy hay không? Bởi vậy, nếu nền tảng ngôn ngữ tiếng Việt của bạn không thực sự vững vàng, điều đó rất khó.
Thứ hai, ngôn ngữ trong game thường chứa rất nhiều code, thậm chí một đoạn code có thể được ngắt thành nhiều phần và nằm “vắt vẻo” ở nhiều dòng, hoặc một câu có thể được ngắt ra “đầu một nơi, đuôi một nẻo”. Nếu không biết cách “lắp ghép” chúng với nhau, có thể bạn sẽ không thể hiểu nổi hoặc hiểu sai, và dù ở trường hợp nào thì bạn cũng sẽ biên tập sai lầm. Trong khi đó, chỉ cần bạn đặt sai vị trí một dấu chấm dấu phẩy hoặc nhầm lẫn một chữ số thôi, code sẽ sai, và một khi đưa vào game, có thể chúng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Bởi vậy, một yêu cầu quan trọng khi biên tập game, đó là bạn phải có những kiến thức cơ bản về game (ít nhất là về đặc điểm của những loại ngôn ngữ trong game), cũng như nắm được một số dạng code thường được sử dụng.
Ngôn ngữ trong game thường chứa rất nhiều code
Thứ ba, ngôn ngữ trong game rất đa dạng, nó vừa tuỳ thuộc vào phong cách của mỗi game (kiếm hiệp, hiện đại, lịch sử, hành động, hoạt hình.v.v…) vừa tuỳ thuộc vào nhóm chức năng của text (thông báo hệ thống, tên, thoại.v.v…). Bởi vậy, bạn cũng phải có khả năng sử dụng văn phong đa dạng, uyển chuyển, phù hợp với từng trường hợp và phong cách cụ thể.
Thứ tư, bạn phải có khả năng đối chiếu, so sánh, tổng hợp và thẩm định, hay như team biên tập chúng tôi thường nói vui với nhau, bạn cần phải có khả năng “biết nghi ngờ”. Trên nguyên tắc, muốn biên tập tốt, ngoài khả năng về bản ngữ, bạn cũng cần phải thông thạo ngôn ngữ được sử dụng trong game nguyên bản để có thể kiểm tra độ chính xác của dịch thuật. Tuy nhiên, điều này có 2 khó khăn. Trước hết, nếu ngoại ngữ của bạn giỏi đến mức độ đó, thông thường bạn sẽ được chuyển sang team dịch thuật chứ không làm ở team biên tập. Thứ hai, game được nhập về từ nhiều nước khác nhau, và đương nhiên sẽ sử dụng nhiều loại ngôn ngữ gốc khác nhau (Anh, Hàn, Trung.v.v…), mà bạn thì không thể biết – chứ đừng nói là thông thạo – tất cả các loại ngôn ngữ này. Bởi vậy, kĩ năng “biết nghi ngờ” rất quan trọng, nó cho phép bạn có thể nhận ra những lỗi dịch thuật ngay trên bản dịch tiếng Việt (thậm chí khi chưa đối chiếu với bản gốc), mà thông thường đó là những lỗi nghiêm trọng như dịch tối nghĩa, sai nghĩa, không thống nhất… Ngoài ra, nó cũng đặc biệt hữu dụng trong tình hình hiện nay, khi quá trình bản địa hoá hầu như chỉ dừng lại ở việc “làm mù” trên text, nhiều câu bạn buộc phải dịch/biên tập mà không biết nó là cái gì, xuất hiện ở đâu; hoặc đối với các game sử dụng song song 2 ngôn ngữ nguồn (và các version này thường là vênh nhau khủng khiếp).
3. Triển vọng và thách thức
Ở nhan đề bài viết này, tôi đã đặt từ “nghề” vào trong dấu ngoặc kép. Thực vậy, theo tôi thì cho đến thời điểm hiện nay, biên tập nội dung game vẫn chưa hẳn là một “nghề”, nó chỉ là một công việc phát sinh trong quá trình bản địa hoá game mà thôi. Mặc dù cách đây non chục năm, các công ty tiên phong đã chính thức thực hiện Việt hoá game để phát hành trong nước, nhưng hầu như họ chỉ dừng lại ở mức độ dịch thuật và hiệu đính dịch thuật. Biên tập như một công đoạn riêng tách rời với dịch thuật, nhằm mục đích kiểm tra, thống nhất, hiệu đính, nhuận sắc như mô tả ở trên, theo như tôi được biết, nó mới chỉ được bắt đầu từ một vài năm trở lại đây, và với một số game nhất định.
Đương nhiên, không ai có thể phủ nhận vai trò của công đoạn biên tập trong quá trình bản địa hoá game. Nó có những đóng góp quan trọng giúp cho ngôn ngữ trong game trở nên chính xác, dễ hiểu, uyển chuyển và sinh động. Bởi vậy, mặc dù không hẳn là những “bà đỡ mát tay” như biên tập viên báo chí/xuất bản, nhưng người làm biên tập nội dung game cũng giống như những tấm màng lọc hoặc “lính gác cổng”, họ góp phần không nhỏ giúp cho game đến với người chơi với chất lượng tốt nhất có thể.
Liệu trong tương lai công việc biên tập game có phát triển để trở thành một “nghề” thực thụ hay không, câu trả lời vẫn còn treo ở phía trước
Tuy nhiên, muốn game được biên tập kĩ lưỡng và đạt hiệu quả cao, nhà phát hành sẽ phải đối mặt với 2 điều kiện: đội ngũ biên tập đủ người/giỏi và thời gian dư dả, mà trong thực tế thì 2 điều này vừa thiếu vừa yếu. Đặc biệt ở thị trường game Châu Á – cụ thể là Việt Nam, khi mà các nhà phát hành luôn cố gắng tung game ra trong thời gian nhanh nhất có thể; thậm chí các PM (trưởng dự án) sẵn sàng chấp nhận chỉ “dịch thô”, chất lượng đạt 70% – 80%, miễn là game không lỗi và có thể chạy để ra mắt kịp “thời điểm vàng”; thì dường như thời gian đầu tư cho việc trau chuốt ngôn ngữ là “xa xỉ” và cần được cân nhắc thận trọng.
Chính vì vậy, liệu trong tương lai công việc biên tập game có phát triển để trở thành một “nghề” thực thụ hay không, câu trả lời vẫn còn treo ở phía trước. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố, không chỉ là ở việc đội ngũ biên tập có thể tự “nâng tầm” của mình (về cả số lượng và chất lượng) lên hay không, mà còn tuỳ thuộc ở xu hướng phát triển của ngành công nghiệp game tại Việt Nam.
Ghi chú: [*] Trích từ bài viết “Có còn bà đỡ mát tay”, blog Huy Bảo.
Theo: Game Studio South