Nhà phát hành là nguyên nhân chính
Ước tính thị trường Việt Nam (VN) hiện đang có khoảng 40 game online (GO) đang hoạt động nhưng số GO gửi lời từ biệt đã sắp vượt qua thang 15 và vẫn có khả năng tiếp tục gia tăng. NPH thua lỗ nặng nề, game thủ cũng mất đi không ít tiền bạc, công sức lẫn lòng tin vào NPH mà họ đã đi theo. Nhưng tre già măng mọc, game này ra đi đã có game khác close beta rồi open beta để thế chân. Căn nhà dành cho GO tại Việt Nam luôn mở rộng lối ra lối vào. Nhưng ở được trong đó hay không thì cần NPH thực sự tính toán đến nhiều hơn nữa để tránh những cú shock mà họ gây ra cho chính mình và những thượng đế “quả cảm” của mình.
Lợi nhuận, được đo đơn giản hơn bằng số lượng người chơi, là một định cứ căn bản trong lời tuyên dương hay bản án dành cho một GO. Các phương thức cạnh tranh cho lợi nhuận không ngừng khiến môi trường GO ngày một thêm nóng bỏng. Nhớ một thời VLTK và PTV dùng thẻ game để quy đổi từng giờ chơi của khách hàng trước khi bị buộc thay đổi cách sinh lời béo bở này sang hình thức miễn phí hoàn toàn để đứng vững trước những GO mới liên tục chen chân vào thị trường. Lúc thế hệ dân số của Việt Nam đến tuổi biết đến máy tính và Internet bùng phát cũng là lúc các NPH đua nhau kéo thêm nhiều GO về nước để tranh giành thị phần. Sớm thôi, họ phải trả giá cho những quyết định đầu tư nóng vội bằng chính túi tiền của mình.
Sự ra đi của Risk Your Life (RYL) có thể nói là tiêu biểu cho nguyên nhân này. Là một trong những GO hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, song lại vượt quá nền tảng máy của hầu hết người chơi Việt Nam còn coi máy tính là vật phẩm văn phòng xa xỉ, RYL không thể đến được tay với tầng lớp chơi game bình dân đông đảo và tất yếu không thể nào cạnh tranh được với VLTK đang thống trị gần như tuyệt đối. Giả định RYL hoà nhập vòng chơi thời điểm này, khi game thủ VN đã tiến tới gần hơn “cấu hình” của thế giới và không xa lạ với những GO cần nhiều chất xám để chơi có chiến thuật, có lẽ họ đã không phải giã từ cay đắng đến thế.
Risk Your Life – đứa con chết yểu tại thị trường VN
Sự nóng vội là nguyên nhân hàng đầu nằm ở phía NPH trước sự thua chạy của những kì vọng họ rước về. Càng ngày thị trường VN càng khẳng định mình không phải sân chơi cho bất cứ cầu thủ biết đá bóng nào. Sự ủng hộ của các thần dân GO mới là những cánh hồng dẫn đường đến thành công. Một lần nữa công tác nghiên cứu thị trường trước bất cứ quyết định nào trở thành một bài học đắt giá cho những nhà cầm quân muốn giành được chiến thắng.
Chiến lược PR và dịch vụ chăm sóc khách hàng đã là mối quan tâm đương nhiên cho các NPH nhưng không phải lúc nào nó cũng có sự đầu tư đúng mức. Đa số các NPH hiện nay gặp không ít trục trặc trong việc duy trì những phản hồi tốt dành cho game của họ. Vấn đề muôn thưở vẫn là hành động thiếu quyết liệt hoặc sai lầm của họ trước những tiêu cực trong game, nổi cộm nhất là hack, thái độ thiếu nhiệt tình, thờ ơ của đội ngũ Game Master và Supporter.
Marketing, PR lẻ tẻ, manh mún, không sâu rộng cũng đóng góp một phần không nhỏ trong thất bại của GO đó khi mong muốn thu hút, chinh phục người chơi. Tờ rơi, poster, biểu ngữ không còn là phương tiện chính khiến game thủ nhìn và tò mò khi có vô số mối quan tâm khác hấp dẫn hơn bày trên desktop của họ. Những cách làm rầm rộ hơn khai thác khía cạnh offline, đời thật của gamer đang dần dần thay thế và giúp một số NPH khẳng định, khuyếch trương tên tuổi của mình như VTC, VinaGame. Một phong trào tiếp thị mới hiện nay của các NPH là tìm cho mình những hotgirl là người đại diện cho mỗi game họ đưa ra. Đây cũng là một cách thâm nhập thị hiếu khi phần đông game thủ GO tại VN là nam giới.
Nhưng không có con đường nào đi mãi mà lại không mòn.
Granade Espada, GO mới do FPT phát hành cũng đang đứng trước những bài toán khó để tồn tại.
Con đường đến với trái tim game thủ
Thời hoàng kim của vài ba NPH trước thị trường VN mênh mông đã một lần qua đi và không bao giờ trở lại. Bài toán cạnh tranh để tồn tại càng ngày càng khó tìm ra đáp án. Nếu có, đáp án ấy cũng không thể nào tồn tại qua một vài lần thực trải. Người chơi bây giờ có hàng loạt lựa chọn để tìm cho mình một thú vui khi bật PC lên. Sở thích, lợi ích, sự thoả mãn sẽ quy định việc họ có chơi hay tiếp tục chơi một GO hay không. Bắt trúng thị hiếu gamer đã khó, duy trì và thay đổi kịp theo xu hướng của thị hiếu ấy mỗi ngày lại càng khó hơn. Khách hàng sẽ càng ngày càng khó tính. Cái đầu của NPH chỉ phần nào đáp ứng được cú nhấp chuột của game thủ vào game của mình. Giữ họ lại sẽ là cả một quá trình đào sâu, bắt rễ không ngừng nghỉ của những NPH trên chặng đường chinh phục trái tim của người chơi.
Nói đến cùng, cuộc đua và tự đào thải giữa các NPH sẽ đem đến cho người chơi GO tại VN nhiều lựa chọn và ưu đãi mới. Nhưng để các game thủ không còn là nạn nhân cho những ván bài kém thận trọng, chính bản thân họ cũng cần khẳng định vai trò quyết định của mình. Hãy tự tạo cho mình những lựa chọn thông minh thay vì phụ thuộc hoàn toàn và lãnh những cú shock của NPH.
Theo: Hạ Trắng – Game4V