Trong loạt bài viết này, GameLandVN đã tổng hợp và điểm lại những điểm nhấn đáng nhớ của làng game Việt trong năm 2012 vừa qua. Trong hai bài viết đã giới thiệu, chúng tôi đã giới thiệu đến các bạn đọc sáu điểm nhấn được đánh giá là nổi bật nhất. Và trong bài viết cuối cùng này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn ba điểm nhấn cuối cùng của làng game Việt trong năm 2012 vừa qua. Mời các bạn game thủ cùng theo dõi nhé!
7. Các công ty bắt đầu cạnh tranh bằng các chiêu marketing “bẩn”
Sự xuất hiện của hàng loạt webgame mới không có giấy phép phát hành kèm theo hàng loạt các công ty ma nhận trách nhiệm đỡ đầu các webgame này là sự xuất hiện của các chiêu trò marketing bẩn. Các chiêu trò như dùng tên game của công ty khác đặt tên cho máy chủ hay phiên bản game của mình được đánh giá là quá “sạch sẽ”. Đỉnh điểm của việc này là việc đặt quảng cáo từ khóa trên Google bằng tên gọi của các sản phẩm khác.
Các công ty có game mới phát hành thường chi một khoản không nhỏ cho chi phí quảng cáo trực tuyến trên mạng tìm kiếm Google và mạng xã hội Facebook. Thay vì đặt từ khóa tìm kiếm chung hay có liên quan đến trò chơi sắp phát hành thì các công ty này lại dùng chính tên game của đối thủ làm từ khóa quảng cáo. Việc này dẫn đến khi game thủ gõ từ khóa tìm kiếm của một game A nhưng lại xuất hiện quảng cáo về các game X,Y,Z nào đó không liên quan đến game A kia. Việc này khiến cho các game thủ như lọt vào “ma trận” mà không biết đâu là thật đâu là giả.
Một số phi vụ tiêu điểm cho trường hợp này có thể kể đến trường hợp VTC Mobile quảng cáo cho game Hạo Thiên Online nhưng lại dùng từ khóa quảng cáo là game Vấn Kiếm của Minh Châu. Hàng loạt các trò chơi đang được cộng đồng quan tâm như Võ Lâm Truyền Kỳ 3 hay Cửu Âm Chân Kinh cũng bị các công ty phát hành webgame lôi ra làm từ khóa quảng cáo.
8. Các cổng phát hành game bắt đầu nở rộ
Bắt đầu từ chiến dịch Zing Me Open Platform cho phép các game không phải của VNG phát hành được có mặt trên Zing Me đã xuất hiện hàng loạt cổng phát hành game xuất hiện. Ngoài Zing Me của VNG và Go.vn của VTC Online thì còn có hàng loạt cổng phát hành game khác như Soha Game của VCCorp, TIK Game của FTC Online hay Gosu của Sunsoft. Thậm chí, ngay cả diễn đàn Trường Tồn cũng thành lập cổng phát hành game mang tên Game 2T.
Theo các số liệu mà GameLandVN ghi nhận được từ các công ty game trong nước, Zing Me vẫn là cổng phát hành game hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay. Tiếp sau đó là Soha Game và Go.vn, tuy nhiên doanh thu từ hai cổng game này chỉ bằng một phần nhỏ so với doanh thu kiếm được từ Zing Me. Zing Me thành công bởi phần lớn người dùng mạng xã hội này là cộng đồng game thủ từ các game do VNG phát hành. Chính vì vậy không có gì lạ khi doanh thu của việc hợp tác phát hành trên Zing Me vẫn tốt hơn các cổng game khác mặc dù tỉ lệ ăn chia trên Zing Me cao hơn các cổng game còn lại.
Theo dự đoán của các chuyên gia trong ngành, các cổng phát hành game vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2013 này. Và đối tượng tốt nhất để tích hợp vào các cổng game này vẫn là webgame.
9. Nhiều vở kịch “lừa tình” game thủ
Phương châm “Khách hàng là thượng đế” có lẽ còn phải lâu lắm mới được các công ty game đưa vào phương hướng phát triển của mình khi mà họ liên tục tung ra các chiêu trò lừa tình game thủ. “Không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình” có lẽ là nhận định chính xác nhất về các chiêu trò marketing cho ngành game trong năm vừa qua.
Chiêu trò lừa tình hay được sử dụng nhiều nhất là ra trang giới thiệu mới. Trang giới thiệu mới này sử dụng các hình ảnh không liên quan đến tựa game muốn quảng bá sau đó quảng bá rầm rộ là lộ hàng, xuất hiện game mới. Cuối cùng đơn giản lại chỉ là một máy chủ mới hay một phiên bản mới cho các tựa game cũ đang phát hành. Hay cao tay hơn nữa là tách tựa game cũ đang hoạt động thành hai phiên bản khác nhau rồi sau đó quảng bá với tên game mới. Đỉnh điểm của chiêu trò này có thể kể đến ME Corp với Kỳ Tiên và Bát Tiên, VTC Game với Ninja và Ninja 2 hay CMN Entertainment với Nhất Kỵ Tiên Phong và Thần Long.