Chỉ sau 2 ngày, khi thông tin về cuộc thi Viết cảm nhận Thuận Thiên Kiếm chính thức được công bố (26/10), Ban tổ chức (BTC) đã nhận được hơn 10 tác phẩm gởi về tham dự. Trong đó, có không ít những bài viết đã lột tả được cảm xúc rất thật và đầy chân thành. Chúng tôi xin trích giới thiệu nguyên văn bài viết “Chuyện thi Hương” của anh Nguyễn Thành Tài (tỉnh Bình Thuận). Dưới ngòi bút của mình, anh Tài đã kể lại một cách dí dỏm những cảm xúc khi nhập vai vào nhân vật Tí Sún (phóng tác theo bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt) và khám phá thế giới trò chơi dã sử Việt Nam đầu tiên mang tên Thuận Thiên Kiếm này.
1. Buổi sáng làng Vạn Đại.
Một buổi sáng thanh bình quá đổi. Khắp nơi lục tục thức giấc chuẩn bị cho ngày mới. Mặt trời nhú lên khỏi rặng tre, rải ánh sáng nhẹ nhàng của buổi ban mai. Trong đình làng, cụ Tú Kép đã bắt đầu làm công việc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: đón tiếp những “đứa trẻ” mới sinh ra của làng. Tội nghiệp ông cụ, già cả không nghỉ ngơi, cứ phải lo cho “mầm non tương lai của làng”. Cụ tận tình tốn công sức dạy cho lũ trẻ đường đi, nước bước, tay cầm kiếm, vai mang cung, vác gậy, ôm quả cầu để đánh gà, đuổi vịt, giết chuột đồng phá hoại mùa màng… Phía sân nhà cụ võ sư thỉnh thoảng vang lên tiếng hịch đụi rèn luyện võ thuật của thanh niên, nữ tú.
Tí Sún vươn vai thức giấc. Hôm nay lại phải ra hầu chuyện với cụ đồ già. À mà quái lạ, làng Vạn Đại toàn các cụ trung niên nắm giữ trọng trách quan trọng cơ đấy. Tí Sún thử điểm danh:
– Cụ Tú Kép hướng dẫn trẻ con tân thủ tập đi, đứng, chào, hỏi…
– Cụ đồ già dạy chữ và thi đồng tử.
– Lão võ sư dạy võ.
– Thầy Lang tỳ chữa bệnh.
– Cụ Lê Thường nấu rượu mà khi muốn lấy phải nhảy qua hàng rào xém té gãy chân, may mà nhờ học võ nhảy qua rào (có tên gọi hoa lá cành là Nhẹ Bước Thang Mây)…
Tí Sún khoái chơi với Sửu, Tèo, Tí. Nhưng mấy đứa này “hách từ trong nôi” lắm. Muốn gần được tụi nó phải biết ca dao, đồng dao, hát đối đáp muốn trẹo quai hàm. Từng đứa một xoay Tí Sún như chong chóng. Hết con Sửu đến thằng Tèo, sau một hồi “đấu võ mồm” lại chỉ sang Tí – anh của Tèo. Loay hoay một lúc, Tí khóc nhè bảo có ngon thì về gặp dì Liễu Nương. Ái cha, phạm thượng người lớn rồi. Nhưng bản tính Tí Sún thích học hỏi cơ, nên cứ phăm phăm đi tìm dì Liễu Nương. Ê a một hồi, dì Liễu Nương khen giỏi, rồi bảo về gặp cụ Tú Kép.
Cụ Tú Kép thì hết sai đi giết vịt, rượt chuột đồng phá hoại mùa màng, lại đi vặt lông gà gô… Cả ngày ê ẩm mình mẩy nên Tí Sún lò đò đi về phía đầu làng nơi cụ đồ già đang giảng chữ nghĩa.
Vào hầu cụ đồ thì còn gì bằng, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tí Sún vái cụ đồ ba vái rồi bẩm: “Lạy cụ cho con được vào thi Đồng Tử”.
Cụ đồ hiền từ nhìn Tí Sún hỏi: “Sức học của con tới đâu mà đòi khảo thí”.
Tí Sún thủng thẳng thưa: “Bẩm cụ, đám bạn nổi tiếng văn hay chữ tốt Sửu, Tèo, Tí đã chào thua con, đến dì Liễu Nương nổi tiếng làng Vạn Đại con cũng giành phần thắng đối đáp, vậy nên con xin hầu cụ…”
Vào sân đình ngồi, Tí Sún cứ lo thấp thỏm không biết cụ đồ ra đề thế nào. Hơn nửa cây nhang cháy, Tí Sún làm xong hai mươi câu, nhét ống quyển nộp.
Cụ đồ xem qua nét mặt tươi cười: “Khà khà… con khá lắm, từ nay con đã là học sinh, có thể rời làng Vạn Đại lên trấn Sơn Tây, Chí Linh để thi Hương do triều đình tổ chức… Nhưng con phải rèn luyện, trao dồi thêm kiến thức, năng lực, trí tuệ để có đủ điều kiện đáp ứng những kỳ thi khó hơn sau này…”.
Nghe lời cụ đồ già, Tí Sún về nhà chăm chỉ rèn luyện. Ngày ra đồng, đêm về đọc sách, thỉnh thoảng gặp cụ đồ già đàm đạo văn chương chờ ngày lai kinh ứng thí.
Đến ngày lên đường thi Hương, cha mẹ đưa tiễn tận cây cầu làng. Khi hai người quay về, cái Sửu ở đâu nhảy xổ ra làm Tí Sún hết cả hồn: “Anh Sún lên trấn thi Hương hả… chúc anh thượng lộ bình an và nhớ đến… em”. Trời ơi, trước giờ lên đường làm nhiệm vụ quan trọng mà gặp cảnh này thì… sung sướng quá còn gì. Rụt rè cầm tay Sửu, Tí Sún lí nhí: “Anh sẽ cố gắng đậu kỳ thi Hương đem kết quả tốt nhất về, Sửu đợi anh…”
2. Trấn Sơn Tây
Nhộn nhịp và ồn ào hơn cả làng Vạn Đại của Tí Sún.
Chạy qua chạy lại chút xíu, bao nhiêu người là người về đây. Hỏi thăm cuối cùng cũng đến được dinh quan Học sứ.
Mới vừa vái chào thì quan Học sứ đã nghiêm mặt: “Đi đâu đây… có biết hôm nay là ngày mấy không mà đăng ký thi Hương? Mà nhìn cái mặt của ngươi kìa, yếu mà đòi ra gió, về rèn luyện thêm đi…”
“Bẩm quan, con đường xa lặng lội từ làng Vạn Đại lên đây … mong quan mở lượng hải hà, cho con… vào thi”.
Thấy có vẻ không ăn, Tí Sún nghĩ thầm chắc là cần phải có chút đỉnh gọi là, nên thò vào tay nải lấy ra 1000 quan, kẹp vào tờ sớ xin ứng thí đưa tận tay quan Học sứ: “Lạy quan, xin quan nhận tờ sớ cho con được vào thi”.
Ông quan Học Sứ quay lại đưa tay cầm lấy tờ sớ. Tí Sún mừng thầm chắc chắn lần này sẽ được ổng cho vào thi. Nụ cười nở trên môi chưa dứt thì đã nghe tiếng quát lớn: “Cái gì đây, tiền bạc gì đây hả anh kia… anh dám khinh thường mệnh quan triều đình đến thế ư…
Tí Sún lật đật lạy như tế sao: “Lạy quan con không có ý đó, chẳng qua là nhất thời khờ dại không hiểu rõ nội tình, con xin quan đại xá cho học trò ngu mụi, khờ khạo lần đầu lên tỉnh này …”
Quan Học sứ Sơn Tây vẫn giữ nghiêm nét mặt: “Thôi được, ta bỏ qua cho ngươi cái tội láo xược này, không tống giam cũng không đánh đòn, nhưng ta cấm ngươi không được thi Hương ở kỳ thi này, đợi đến khi ngươi đủ điều kiện, đúng thời gian ta mới cho vào thi..”
Tí Sún đang tưởng chết đến nơi liền mừng rỡ: “Dạ con đội ơn quan nhiều, mà quan ơi điều kiện gì ạ, sao con không biết?”
Quan Học Sứ quay lưng đi vào dinh: “Điều kiện gì và thời gian nào thì ta phạt ngươi phải tự tìm hiểu lấy… còn bây giờ… lính đâu đuổi thằng học trò này ra khỏi dinh.”
Tí Sún lủi thủi quay ra, mặt buồn rười rượi.
Bất chợt gặp một anh học trò đi qua, trên ngực lấp lánh tấm thẻ nhỏ đề chữ Cử nhân, buồn tình buột miệng hỏi: “Anh ơi cho em hỏi thăm”.
Anh cử nhân đứng lại nhìn đứa học trò Tí Sún ra vẻ thương hại: “Có chuyện gì không bạn?”.
Tí Sún thở dài “Thưa anh, em từ làng Vạn Đại lên đây, mài mòn đáy quần ở sân đình cụ đồ được cái hiệu Học sinh, muốn thi Hương thi Hội cho nở mặt với bà con thiên hạ, nhưng quan Học sứ không cho em vào thi, nói em cần phải có điều kiện gì đấy…anh giúp em với”.
“À tưởng chuyện gì, điều kiện đó thế này, bạn phải chăm chỉ rèn luyện bản thân đạt đến cấp 20, thi xong kỳ thi Đồng Tử ở làng đạt danh hiệu Học sinh thì sẽ được thi Hương. Kỳ thi Hương từ ngày 1 đến ngày 18 hàng tháng có 3 đợt thi vào các giờ khác nhau…”.
Tí Sún cảm ơn rối rít, quay về làng Vạn Đại chờ ngày ứng thí quyết tâm đạt giải cao ở kỳ thi Hương, thi Hội sắp đến.
Theo: Thuận Thiên Kiếm