Trong vài ngày trở lại đây, Flappy Bird là tựa game được cộng đồng mạng Việt Nam nhắc đến nhiều nhất. Ngày 17/01/2014 vừa qua, Flappy Bird đã đoạt lấy vị trí số 1 trên bảng xếp hạng các tựa game được tải nhiều nhất trên App Store Mỹ. Có một điều khá thú vị là trò chơi này được phát triển bởi một người Việt đang sinh sống tại Việt Nam. “Cha đẻ” của Flappy Bird là anh Nguyễn Hà Đông hiện đang sống tại Hà Nội.
Vậy yếu tố nào đã đem lại thành công cho Flappy Bird? Hãy cùng theo dõi bài phân tích của anh Lê Hồng Sơn đến từ 9Fury Game Studios nhé!
Sau khi nhìn thấy việc Flappy Bird chiếm cứ vị trí này chắc chắn không chỉ bạn, tôi và rất nhiều người khác nữa trong ngành game sẽ đặt ra nghi vấn: Làm thế quái nào một game “vớ vẩn” lại có thể làm được điều đó?
Đây có phải là kết quả của một chiến dịch quảng cáo lớn? Được PR hỗ trợ từ những blogger, các website đánh giá hàng đầu? Có phải là một tính năng promote sản phẩm mới của Apple? Chắc là game này cheat, hack, bots, fake users …
Làm thế đếch nào mà game này có thể vượt mặt vô số các game hoành tráng khác? Tôi đã mất rất nhiều thời gian để chơi và tìm hiểu cụ thể xem điều gì khiến cho nó trở lên hấp dẫn đến vậy.
Truyền miệng
Flappy Bird là một trò chơi vô cùng đơn giản nhưng gameplay lại cực khó và chắc chắn một điều là game không bao giờ có thể end được.
Game không có “in-app purchases” ngoại trừ mấy cái banner quảng cáo nhỏ xuất hiện. Điều duy nhất khi chơi game đó là BẤM – BẤM và BẤM để làm sao cho con chim nó không cắm đầu xuống đất.
Tất cả mọi người chỉ mất vài giây để hiểu được mình phải làm gì nếu muốn tiếp tục chơi game. Và mất thêm một khoảng thời gian ngắn nữa để bạn nhận ra rằng cái game chết tiệt này nó đang gây ức chế/thích thú cho mình. Và dĩ nhiên sau đó là hàng loạt các comment/share/tweet sẽ ào ạt xuất hiện khắp nơi.
Một thống kê gần đây nhất cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của Flappy Bird:
- 31/01/2014: Flappy Bird được đánh giá 4 sao với 240.544 đánh giá
- 04/02/2014: Flappy Bird được đánh giá 4 sao với 418.250 đánh giá
- 05/02/2014: Flappy Bird được đánh giá 4 sao với 515.174 đánh giá
Chỉ trong 2 tháng, số lượng đánh giá này đã gần bằng với lượng đánh giá mà Clash of Clans có (581.523 đánh giá).
Trong cùng một khoảng thời gian ngắn, đã có 361 tweets liên quan đến Flappy Bird. Trong khi đó Candy Crush là 12 và Clash of Clans là 3. Rất nhiều người chơi đã reviews/comment chúng trên Twitter, thậm chí có cả các bài reviews đánh giá hài hước. Và cứ thế chúng được lan truyền đi một cách rộng rãi.
Chia sẻ trên mạng xã hội
Trong game Flappy Bird khi chơi xong người chơi có thể share điểm số của mình với nội dung “OMG! Tôi đã ghi được 5 điểm trong # flapflap!”
Nút Share không phải là một cửa sổ riêng, nó chỉ là một cái nút nhỏ bên cạnh nút Replay. À, dĩ nhiên là chả có ai ngu share số điểm tồi tệ mình đạt được cả. Chỉ đến khi họ đạt được số điểm cao nhất, lúc này nút Share trở thành điều quan trọng nhất trong toàn bộ game. Tất cả mọi người đang chia sẻ điểm số của họ vì nó rất hài hước, một số sẽ chia sẻ điểm cao của mình và thách đố người khác đạt được với trạng thái tinh thần rất là thỏa mãn,…
Vô vàn những cảm xúc khi chơi game đang được người chơi tạo ra và chia sẻ khắp nơi:
- “I’m screaming at the game”
- “It’s so hard to play flappy bird to songs with good beats omg”
- “The amount of people I’ve ran into or almost ran into because flappy bird is ridiculous haha”
Hầu hết các chia sẻ về game thường là thất vọng khi game kết thúc, kèm theo đó là các lời tục tĩu chửi bậy.
Chia sẻ cảm xúc theo cách này đã tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ cho chính game Flappy Bird, mọi người đua nhau like, share trên Facebook và Twitter.
Tò mò
Dĩ nhiên rồi, một game lạ hoắc nằm trên top bảng xếp hạng làm sao mà không khiến người chơi tò mò cho được. Và sau khi chơi rồi thì điều 1 và điều 2 sẽ xảy ra.
Gợi nhớ lại thời thơ ấu với Mario
Rõ ràng là thế, chỉ cần nhìn vào đồ họa 8-bit, những cái ống cống và tiếng xu kêu leng keng là đủ để hoài niệm về tựa game đình đám Mario một thời.
Cực kỳ dễ bị nghiện
Game dễ chơi dễ hiểu nhưng để chơi tốt đòi hỏi phải có kỹ năng và sự tập trung nhất định, bên cạnh đó nó còn là sự thử thách đối với tính kiên nhẫn của bản thân. Không kiên nhẫn và kìm nén cảm xúc ức chế, rất dễ là cái điện thoại của bạn sẽ bị ném vô tường.
Được viral và được nhiều người biết tới nhờ PewDieDie
Đây cũng được coi là một trong những yếu tố giúp Flappy Bird lan rộng hơn nữa, và giúp cho tựa game game tiếp tục giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng của App Store trong thời gian tới. Mặc dù clip này được làm sau khi game leo lên top 1 trước đó 2 tuần.
Những gì có thể học được từ Flappy Bird? Quan trọng hơn, chúng ta có thể học được gì từ nó?
May mắn là yếu tố không thể thiếu đã khiến cho Flappy Bird chiếm lấy vị trí top 1 trên bảng xếp hạng App Store. Bởi bản thân game Flappy Bird hoặc các dạng game tương tự như thế này thường lặn ngụp ở nửa cuối bảng xếp hạng trên các App Store của Mỹ hay Úc. Và trước khi Flappy Bird bùng nổ vươn lên mạnh mẽ cuối tháng 12, trong khoảng thời gian đó không có lấy bất kỳ một bài viết, phân tích, đánh giá nào cho thấy game sẽ thành công. Thông thường một sản phẩm nằm trên top sẽ dựa vào các chiến dịch marketing lớn để thúc đẩy sự phát triển cũng như thu hút người dùng.
Flappy Bird thì chẳng cần bất cứ một kế hoạch marketing nào, nó cứ từ từ nhích lên từng vị trí một và leo lên ngôi đầu của bảng xếp hạng. Điều này sẽ giải thích tại sao “quảng cáo truyền miệng” lại khiến nó thành công đến vậy.
Quảng cáo truyền miệng không phải cứ muốn là được. Trong tâm lý của người dùng/người chơi, sẽ chẳng ai chia sẻ hoặc truyền tải thông tin của sản phẩm hoặc dịch vụ mà bản thân dịch vụ/sản phẩm đó không mang lại lợi ích/cảm xúc cho mình. Tiêu cực, giận dữ, ức chế, khoái trá, thỏa mãn là những gì mà Flappy Bird mang lại.