Vài tháng trước, tôi đã có dịp được nói chuyện với Andy Bechtolsheim, người “có lẽ là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất ở thung lũng Silicon trong thời điểm hiện tại” (theo như những gì các sáng lập viên khác của Sun Microsystems miêu tả về ông). Cuộc trò chuyện ban đầu chỉ là buổi trao đổi về những vấn đề liên quan đến công nghệ, nhưng rồi đã chuyển thành một cuộc thảo luận về các vấn đề triết học, trong đó chủ yếu đề cập đến tầm quan trọng của những nhân tố vô hình cũng như việc lựa chọn đúng thời điểm đối với thành công của các startup.
Tất nhiên Andy là người hiểu rõ vấn đề này hơn ai hết. Trong vai trò là một nhà đầu tư vào các startup rất thành công như Google, cũng như là sáng lập ra các công ty như Sun Microsystems hay Arista Network, Bechtolsheim thấy rõ rằng trong đa số trường hợp, chọn đúng thời điểm chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định tới thành công cũng như thất bại của một startup.
Luôn có rất nhiều thứ chi phối một dự án startup: từ cơ hội thị trường, lời khuyên từ các nhà tư vấn hay việc tìm thành viên để lập nhóm… đến những yếu tố quan trọng sống còn khác như thuyết phục nhà đầu tư hay kêu gọi gây quỹ cho dự án. Tuy vậy chúng ta cũng đừng nên đánh giá thấp vai trò của timing. Tôi đã nhớ đến những nhận xét đó của Andy khi đọc một bài viết của Benoit Felten về sự sụp đổ của Onlive. Dù những sai lầm trong kiến trúc dự án đã góp phần tạo nên thất bại, nhưng có vẻ một trong những lý dó chính dẫn đến thất bại của Onlive (một nhà cung cấp cloud gaming) chính là việc tại thời điểm nó ra mắt, thế giới vẫn chưa phổ biến những băng thông siêu rộng (ultra broadband) để có thể sử dụng mượt mà dịch vụ này.
Benoit đã chỉ ra rằng trong năm 2003, đã có nhiều startup rất tiềm năng hoạt động trong mảng online video, nhưng các công ty đó đều không thể thành công vì cùng một lý do: chất lượng băng thông khi đó vẫn chưa thể đáp ứng được cho việc xem video trực tuyến. Để rồi hai năm sau, YouTube ra đời đúng thời điểm tốc độ đã được cải thiện và thống lĩnh toàn bộ thị trường. Lịch sử rất có thể sẽ lặp lại. Bản thân tôi cũng đồng ý với lập luận đó của Benoit và tôi tin rằng Onlive đã ra đời quá sớm 5 năm.
Tương lai Gigabit
Định nghĩa của chúng ta về phần mềm máy tính cũng như những ứng dụng máy tính đang thay đổi nhanh chóng. Không khó để dự đoán rằng các game trên desktop ngày nay sẽ không còn tồn tại sau 5 năm nữa, hoặc co thể chúng sẽ phát triển thành một lớp sản phẩm hoàn toàn mới. Bởi sau tất cả, những công nghệ có vai trò quyết định đối với trải nghiệm của người dùng hiện cũng đang trải qua quá trình cải tiến, thay đổi toàn điện.
Trong tương lai gần, bước tiến trong công nghệ sản xuất chip rất có thể sẽ mang lại cho chúng ta những thiết bị điện toán cá nhân nhỏ gọn như iPad, nhưng với một sức mạnh gấp đôi hay thậm chí gấp bốn chiếc laptop hiện đại ngày ngày. Sự phát triển nhanh chóng của những thiết bị di động đó sẽ là lý do chính cho những công ty như Qualcomm dồn toàn lực vào phát triển các bộ vi xử lý cho di động nhằm nâng cao sức mạnh cũng như khả năng đồ họa.
Sự nổi lên của điện toán đám mây đang thay đổi thế giới phần mềm và cả những gì chúng ta mong đợi từ nó. Thêm vào đó, sự xuất hiện ngày một nhiều của các cảm biến (ví dụ như cảm biến gia tốc, cảm biến quang…) trong các thiết bị cũng bắt đầu ảnh hưởng tới trải nghiệm online của chúng ta, bao gồm cả các trò chơi điện tử. Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó Need for Speed sẽ có thể tự động thay đổi địa điểm và hình ảnh trong game dựa theo vị trí địa lý của người chơi.
Một viễn cảnh kết nối băng thông siêu rộng
Nhưng điều quan trọng hơn là trong 5 năm tới chúng ta sẽ có thể hi vọng có những đường truyền vượt trội hơn hẳn hiện tại – kể cả mạng dây và không dây. Thí nghiệm mạng Google Fiber tốc độ 1Gbps đang được tiến hành ở thành phố Kansas, cùng với hệ thống mạng 1Gbps trong đô thị ở Chattanooga, Tennessee chính là những bước đi đầu tiên của viễn cảnh đó. Benoit cũng đã nhắc đến nó trong bài viết của mình:
Điều đáng tiếc là khi mạng băng thông siêu rộng đã trở nên phổ biến, người ta sẽ nhìn nhận lại để có đánh giá đúng đắn rằng Onlive thực sự là một mô hình hứa hẹn, nhưng ở mô hình đó, người dùng chỉ sẵn sàng trả tiền nếu họ có được một đường truyền internet “khủng” (hoặc ít nhất cũng phải đủ để chơi game thông qua phương thức đám mây). Onlive rồi sẽ có chung số phận với rất nhiều website có ý định cung cấp video trực tuyến từng ra đời trước YouTube: thất bại, và với cùng một nguyên nhân: thiếu một băng thông rộng.
Không chỉ có YouTube, Skype, công ty vừa kỉ niệm sinh nhật lần thứ 9 của mình, đạt được thành công vang dội cũng chủ yếu bởi nó đã ra đời đúng lúc. Ở thời điểm đó, mạng băng thông rộng bắt đầu trở nên phổ biến và người dùng muốn có những ứng dụng mới có thể tận dụng được nền tảng của mình. Skype đáp ứng hoàn hảo yêu cầu đó và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Cũng không nhiều người còn nhớ Kozmo, công ty có dịch vụ giao hàng hoạt động trên Internet đầy hứa hẹn, nhưng cuối cùng đã thất bại vì không thể tiếp cận được với người dùng. Một thập niên sau, chúng ta có những công ty như Postmates hoạt động với một mô hình tương tự.
Nhờ vào sự phát triển của social media và đặc biệt là các thiết bị di dộng, một công ty như Postmates sẽ có thể nhanh chóng tìm được những khách hàng tiềm năng của mình. Postmates, với việc vừa phát hành ứng dụng Get it Now trong tháng 05/2012, đã có một sự tăng trưởng vững chắc hàng tháng (khoảng 43%) trong lưu lượng sử dụng, theo tổng hợp của The New York Times, và lượng hàng mà công ty giao hàng tháng đã có tổng giá trị lên tới 100.000 USD. Bastian Lehmann, CEO và là đồng sáng lập của Postmates, nói với tờ báo rằng với sự xuất hiện của smartphone, thế giới đã thay đổi, mở ra khả năng mua hàng ngay trên thiết bị di động.
Trong 5 năm tới, đáng buồn là cái tên Onlive sẽ bị lãng quên – một ý tưởng bị thất bại chủ yếu vì đã ra đời quá sớm, điều này một lần nữa củng cố thêm quan điểm rằng việc chọn đúng thời điểm có vai trò sống còn đối với các startup.
Theo: WeStart