Nếu phương án cấm kinh doanh vật phẩm trong game online được thông qua theo đề nghị của UBND TP. HCM, ngành công nghiệp game online Việt Nam sẽ chỉ có 2 con đường: Thu phí người chơi hoặc đóng cửa.
Sống nhờ bán vật phẩm ảo
Hơn 50 game trên thị trường Việt Nam hiện nay, ngoại trừ Võ Lâm Truyền Kỳ 1 vừa thu phí giờ chơi, vừa bán vật phẩm ảo, thì các game còn lại đều hoạt động theo kiểu miễn phí giờ chơi và nhà phát hành thu lợi từ việc bán vật phẩm ảo trong game. Thực tế, đây là mô hình chung tại đại đa số các nước có nền game online phát triển đang áp dụng, chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam mới có.
Việc UBND TP.HCM gửi công văn đề nghị hỗ trợ để thành phố tiếp tục thực hiện việc cấm kinh doanh vật phẩm ảo trong game online, có thể nói đã đẩy các nhà phát hành vào thế khó, mặc dù đó là việc làm hoàn toàn đúng pháp luật.
Trên thực tế, đa số các game online trên thị trường hiện nay đều “nhập khẩu” từ nước ngoài (đến thời điểm này trên 50 game có mặt trên thị trường, chỉ có 1 game duy nhất do Việt Nam sản xuất duy nhất là Thuận Thiên Kiếm), nhà phát hành phải bỏ tiền ra để mua bản quyền rất lớn, có game lên tới hàng chục tỷ đồng tiền Việt. Chính vì thế, khi về Việt Nam, nhà phát hành không thể phát hành game hoàn toàn miễn phí (chỉ miễn phí giờ chơi) mà họ phải nghĩ cách thu lợi thông qua con đường bán vật phẩm trong game nhằm đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của mình…
Có thể nói, mô hình bán vật phẩm trong game hiện nay được xem là mô hình tốt nhất trong kinh doanh game online không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới. Bởi nếu như thu phí bắt buộc người chơi phải bỏ tiền ra mới được chơi game, thì bán vật phẩm người chơi không cần bỏ tiền ra cũng có thể tham gia vào game để thư giãn và giải trí.
Trở về thời thu phí hay đóng cửa game?
Rất nhiều người thắc mắc nếu như phương án cấm kinh doanh vật phẩm ảo trong game online được phê duyệt, nhà phát hành sẽ phải đối phó với việc này như thế nào? Trở về thời thu phí như game online mới ngày đầu xuất hiện tại Việt Nam, hay tiến hành đóng cửa game do mình phát hành vì không thể bù đắp chi phí hoạt động.
Phương án trở về thời thu phí được xem là khả thi hơn cả, đây cũng là phương án được nhiều game thủ ủng hộ, bởi nó tạo nên sự công bằng trong game, lúc đó những người chơi mới thể hiện được đẳng cấp của mình khi tham gia vào trò chơi. Từ trước đến nay, với việc bán vật phẩm ảo, đồng tiền gần như quyết định tất cả trong game. Những người “vất tiền” nhiều vào game trở thành “trùm” trong khi những người không có tiền trở thành kẻ cày thuê, thấp cổ bé họng… Tuy nhiên, phương án này sẽ làm các nhà phát hành đau đầu, bởi chọn được mức phí phù hợp cho mỗi game là không hề đơn giản. Nếu như rẻ quá thì lại lỗ, còn cao quá rất dễ sẽ mất một lượng game thủ lớn vào tay đối thủ. Bên cạnh đó, nếu tiến hành thu phí game bằng giờ chơi, sẽ dẫn đến trường hợp một lượng game thủ lớn bỏ ra chơi game nước ngoài, do các game đó đều miễn phí giờ chơi, như vậy vô tình lại làm giàu cho game của nước khác.
Riêng phương án đóng cửa game, trao đổi với đại diện các nhà phát hành, tất cả đều trả lời là chưa nghĩ tới. Các nhà phát hành vẫn tin rằng mọi thứ sẽ thay đổi khi quy chế mới về game online được Chính phủ phê duyệt và họ đang mong mỏi nó sớm được ra mắt, nhằm giúp vượt qua được những khó khăn như hiện nay. Các công ty game vẫn tin rằng, ngành game sẽ không dễ dàng đóng cửa như vậy, bởi dù sao nó cũng đã có những bước phát triển nhất định.
Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, đại diện Bộ TT&TT cho biết, bất cập từ việc kinh doanh vật phẩm ảo trong game online từ quy định trong Thông tư 60 về quản lý trò chơi trực tuyến, đã được Bộ nhận ra và tiến hành điều chỉnh trong quy chế quản lý game online mới đã trình lên Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, quy chế mới đã được Bộ TT&TT trình lên Chính phủ hơn 6 tháng vẫn chưa được ký và ban hành.
Ảnh: Tổng hợp
GAMELANDVN.COM (Theo ICT News)