Với cùng chứng nhận phần mềm đạt chuẩn, các nhà cung cấp các phần mềm cài đặt quản lý và tính tiền ở tiệm Internet công cộng đang khiến các chủ phòng máy đau đầu lựa chọn mà không biết nên tin vào ai.
Chủ một số tiệm máy Internet công cộng tại Huế tâm sự, cách đây một tháng, qua công văn giới thiệu và khuyến cáo của sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) địa phương, họ đã gỡ bỏ phần mềm quản lý tiệm đang dùng, chuyển sang cài đặt sử dụng phần mềm CSM 5.0 của công ty cổ phần VNG. Nhưng mới đây, có văn bản nhắc nhở về phần mềm đạt chuẩn của công ty FPT, họ lại phải gỡ bỏ CSM đi để cài phần mềm tính tiền FPT Net. “Tui mở tiệm làm ăn, rất ngại vi phạm pháp luật. Đã có văn bản của cơ quan chức năng, không lẽ tui không chấp hành thông tin của họ”. Một chủ tiệm net khu vực Nội Thành trần tình.
Sư nói sư phải…
Theo các chủ tiệm, cách triển khai mời gọi cài đặt phần mềm chuyên dụng vào các phòng máy ở miền Trung của các công ty đang áp dụng là “gần như cưỡng bách”. Các đơn vị này dựa vào các văn bản chứng nhận công nghệ trong tay, liên hệ nhờ các sở TTTT tỉnh gởi công văn khuyến cáo các chủ phòng máy lưu ý vấn đề chấp hành bản quyền. Các công văn này thường chỉ nhắc nhở chung chung, nhưng luôn đề cập đến “phần mềm đạt chuẩn”, sau đó do các nhân viên công ty sẽ cùng cán bộ các sở đi kiểm tra thường kỳ. Sự có mặt “hợp tác” này khiến các chủ tiệm lo ngại và gần như lập tức “tháo cũ theo mới” dạng “tránh voi chả xấu mặt nào”.
Cái khổ của các chủ tiệm net là họ không hề được tập huấn hay hướng dẫn đầy đủ về vấn đề phần mềm đạt chuẩn nào, cũng không thể phân biệt được đâu là phần mềm tốt nhất. Phản ảnh của họ cho thấy, hiện thị trường có ba đơn vị cung cấp phần mềm quản lý tiệm Internet có ảnh hưởng nhất, là VNG với CSM, Garena với Garena Café và FPT với FPT Net. Sự cạnh tranh thị phần của ba đơn vị khá quyết liệt, trong đó Garena Café mạnh về cài đặt, đóng băng hệ thống máy tính, FPT Net giỏi về tính tiền thuê máy và CSM có cả hai tính năng. Ngoài ra, còn có phần mềm của ngành Bưu điện và một số phần mềm hãng khác.
Các đơn vị cung cấp này đều có đủ những chứng nhận thể hiện tính hợp pháp về sản phẩm đưa ra, nên gần như tạo một cảnh rối loạn khi các chủ tiệm lựa chọn. Qua ghi nhận của phóng viên, tháng 11/2012 vừa qua là thời điểm các đơn vị phần mềm “cạnh tranh” ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam rất quyết liệt. Qua tháng 12 này, việc giành giật thị phần đã chuyển lên Tây Nguyên với trọng điểm là Đắc Lắc. Nha Trang, Bình Định đang hứa hẹn là nơi đổ bộ các “nhóm quân” cài đặt của các hãng phần mềm trong vài tuần nữa.
Ai sẽ định hình lựa chọn?
Mong mỏi của các chủ tiệm net, là cần sớm có sự phân định rõ ràng tính đạt chuẩn của các phần mềm quản lý tiệm net do các hãng đưa ra. Họ cho biết rất lúng túng khi qua mỗi tháng lại thấy ngành quản lý cấp tỉnh có những văn bản, tài liệu nhắc nhở, thông tin cho họ và đều gián tiếp liên quan đến một sản phẩm nào đó. Đi kèm hoạt động này, là nhân viên các nhà sản xuất khi đến các tiệm Internet, đều có những khoản chi phí tiền công hợp lý cho nhân viên quản lý kỹ thuật, để nhờ cài đặt phần mềm mới. Phần lớn các nhân viên này đều được chủ tiệm thuê, nên gần như việc xóa đi cài lại chỉ gây phiền toái và tốn kém hơn cho chủ tiệm là chính.
Thực tế không ai thống kê qua mỗi đợt “chuyển dịch phần mềm” như vậy, các tiệm net phải tốn kém bao nhiêu tiền bạc và thời gian mới lập lại ổn định cho hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, phải tính đến những hỏng hóc, sự cố xảy ra với các phần cứng máy móc, đường mạng… khi thay đổi những phần mềm cài đặt chuyên dụng như vậy. Do đó, các tiệm net đều không trông đợi sự thay đổi liên tục mà chỉ mong càng được ổn định sử dụng một phần mềm quản lý càng tốt.
Một vài chủ tiệm net ở Đà Nẵng than vãn, nếu mỗi tháng lại nhận văn bản xử lý khác đi như vậy, họ không thể nào yên tâm làm ăn. Càng là tiệm net ở các tỉnh, sự thay đổi này lại càng gây tác động không tốt. Nhưng họ cũng rất ngại một khi nhìn thấy yêu cầu của nhà quản lý cùng sự hợp pháp của nhà cung cấp phần mềm chuyên dụng mà không chấp hành. Tâm sự trước cảnh rối loạn phần mềm quản lý này, liệu họ tỏ cùng ai?
Theo: Infogame