Mark Cerny, kiến trúc sư trưởng chịu trách nhiệm phát triển PlayStation, mới đây tiết lộ rằng ông đã bắt đầu nghiên cứu việc áp dụng CPU x86 cho PlayStation 4 kể từ năm 2007. Trong những ngày cuối tuần dịp lễ Tạ ơn của năm đó, tức khoảng một năm sau khi PlayStation 3 chính thức ra đời, ông bắt đầu đọc những tài liệu kĩ thuật về vi xử lí x86 và bất đầu suy nghĩ về việc làm thế nào để đưa nó lên phiên bản console mới của công ty.
“Tôi có lẽ là người có nhiều tham vọng hơn bất kì ai trong Sony Computer Entertainment về thế hệ kế tiếp (của PlayStation)”. Với suy nghĩ này, Cerny thuyết phục sếp của mình cho phép ông dẫn dắt những nỗ lực phát triển PlayStation 4, và kết quả thì như chúng ta đã biết: CPU x86 tám nhân đã được đưa vào chiếc máy chơi game này.
Mặc dù Cerny là người có mong muốn mãnh liệt trong việc tích hợp chip x86 vào PlayStation 4, tuy nhiên lúc đó ông làm việc không dựa trên một “niềm tin cụ thể” nào cả. Thời điểm nghiên cứu PlayStation 4, ông nhận thấy công ty “đã có một số vấn đề với PlayStation 3 và việc áp dụng phương pháp thiết kế hướng về nhà phát triển sẽ giúp mọi thứ trở nên mượt mà hơn”.
Cerny còn cho biết thêm một trong những mong muốn lớn nhất của Sony đối với PlayStation 4 đó là lập trình viên không phải nhức đầu giải quyết “trò ghép hình” liên quan đến phần cứng. Vi xử lí CELL dùng trong PS3 rất mạnh mẽ với thời điểm nó ra mắt, tuy nhiên các nhà phát triển gặp rất nhiều khó khăn để có thể tận dụng hết sức mạnh của nó. Do đó, năm 2008, Cerny bắt đầu tiếp xúc với các hãng làm phần mềm và game, hỏi họ xem về mặt lý thuyết, họ mong chờ gì ở chiếc console kế tiếp. Một phần lớn phản hồi cho biết lập trình viên muốn có một bộ nhớ hợp nhất, và mong muốn của họ cuối cùng đã được đáp ứng. PlayStation 4 sử dụng RAM GDDR5 dung lượng 8GB và nó có thể được truy cập trực tiếp bởi CPU và GPU. Cerny tin rằng chiến lược này đã mang lại sự linh hoạt cũng như sức mạnh cho PlayStation 4 cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Ngoài ra, quyết định sử dụng CPU tám nhân cũng xuất phát từ mong đợi của các nhà phát triển. “Chúng tôi có thể nhanh chóng nói rằng chúng tôi nên đặt bốn hoặc tám nhân vào phần cứng của mình. Ý kiến chung của mọi người đó là nếu có hơn 8 nhân, chúng ta sẽ phải cần đến các kĩ thuật đặc biệt mới có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả”. Cerny nhấn mạnh rằng việc bước ra ngoài và hỏi ý kiến của các lập trình viên trước bắt đầu thiết kế phần cứng là hành động cực kì hữu ích. Ngoài ra, ông còn tiết lộ thêm PlayStation Vita chính là sản phẩm đầu tiên được ra mắt mà các nỗ lực phát triển phần cứng đều chú trọng đến các nhà phát triển phần mềm.
Không dùng lại ở đó, Cerny còn phải dành nhiều thời gian để nói chuyện với các hãng cung cấp phần cứng trung gian. “Đối với chúng tôi, việc ai sẽ cung cấp linh kiện cho nền tảng của công ty là điều rất quan trọng. Tôi phải nói thêm rằng việc có được cái nhìn thấu đáo từ những người đi đầu mảng công nghệ là khá tuyệt vời”.
Theo: Tinh Tế