Tại hội chợ Tokyo Game Show, hãng Gree đã qua mặt những gã khổng lồ Sony và Microsoft bằng những trò chơi nhắm vào hàng tỷ những người sử dụng điện thoại di động.
Hãng Gree bắt đầu khởi nghiệp ở Nhật Bản này có mặt mọi lúc, mọi nơi. Tại Tokyo Game Show, Gree không chỉ có đội ngũ tiếp viên đông đảo nhất mà còn chiếm diện tích trưng bày rộng nhất (1.000m2). Không những thế, gian hàng của Gree còn nổi bật với gam màu trắng, với đội ngũ tiếp viên cũng mặc đồng phục trắng tinh khôi.
Đôi nét về hãng Gree
Vậy Gree là hãng như thế nào? Hãng này mới được thành lập cách đây 7 năm và lần đầu tiên tham dự Tokyo Game Show. Không chạy theo các thiết bị trò chơi 3D đắt tiền như Sony, Gree nhắm vào đội ngũ hàng tỷ người sử dụng điện thoại di động, đặc biệt là smartphone.
Đây chính là một chiến lược đúng đắn vì trong khi các thiết bị trò chơi đắt tiền của Sony tiêu thụ khá chậm, thị trường trò chơi trên điện thoại di động lại phát triển bùng nổ. Tại Nhật Bản, Gree đang điều hành rất thành công một mạng xã hội, cung cấp hàng nghìn trò chơi.
Là một trong ba nhân vật được mời lên phát biểu tại lễ khai mạc Tokyo Game Show, Chủ tịch Gree, ông Yoshikazu Tanaka nói rằng thời đại hiện nay chính là thời đại của các mạng xã hội, với các động lực thúc đẩy chính là smartphone, App Store và phương thức thanh toán đơn giản gọn nhẹ. Ai muốn chơi các trò chơi điện tử, người đó chỉ cần có một chiếc điện thoại di động nối mạng là có thể giải trí “mọi lúc, mọi nơi”.
Ông Tanaka tự tin nói rằng Gree muốn trở thành một nhà cung cấp đồng hạng với Facebook và Twitter. Trong mấy năm tới, Gree có kế hoạch đạt tới 1 tỷ khách truy cập trên toàn thế giới. Hiện thời, Gree có 26 triệu khách truy cập ở Nhật Bản và có thêm 150 triệu khách truy cập nữa, sau khi mua được mạng trò chơi xã hội OpenFeint của Mỹ hồi đầu năm nay.
Thông qua việc cung cấp nhiều chơi miễn phí, Gree kiếm tiền nhờ quảng cáo trên mạng xã hội riêng và bán hàng trên mạng. Ngoài việc cung cấp vô số các trò chơi miễn phí, các trò chơi phải trả tiền có giá rất rẻ, thời gian nghiên cứu phát triển các trò chơi rất ngắn và cập nhật được các thông tin phản hồi.
Phát triển thành tập đoàn toàn cầu
Với việc có các văn phòng đại diện ở San Francisco, London và hợp tác với các hãng Tencent (Trung Quốc), SK Telecom (Hàn Quốc) cùng với nhiều đối tác khác, Gree đang trên đường trở thành một tập đoàn toàn cầu. Hãng hiện đang nhận được sự cộng tác của hàng nghìn chuyên gia trò chơi của các hãng khác như Capcom, Square Enix hay Namco Bandai.
Thông qua OpenFeint, các trò chơi sử dụng tiếng Anh dành cho các thiết bị sử dụng các hệ điều hành iOS và Android đang thâm nhập thị trường Nhật Bản và các trò chơi Nhật Bản được dịch ra tiếng Anh để thâm nhập thị trường toàn cầu.
Các “ông lớn” cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh
Thị trường trò chơi trực tuyến hiện không còn do Nintendo (3DS) và Sony (Playstation Vita) chi phối và các smartphone thông dụng đang ngày càng qua mặt các thiết bị tinh xảo, nhưng cồng kềnh đắt đỏ của Sony. Hãng Gree hiện đang chiếm lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp trò chơi cho hàng tỷ người sử dụng điện thoại di động.
Facebook và Google, hiện đang muốn trở thành các diễn đàn trò chơi, xem ra đã chậm chân hơn Gree trên thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, Sony cũng phải thay đổi và dự kiến sẽ tung ra loại PlayStation Suite di động, dự kiến vào tháng 11 tới.
Các trò chơi phục vụ cho những người sử dụng điện thoại di động hiện đang chiếm lĩnh thị phần đáng kể trong thị trường trò chơi toàn cầu. Với sự phát triển như vũ bão của smartphone và máy tính bảng, tương lai của các hãng cung cấp trò chơi trên điện thoại di động như hãng Gree quả là xán lạn.
Theo: Tầm Nhìn