Trước đây mình từng trên tay con chuột chơi game ROCCAT Savu, đó là một con chuột tốt, thiết kế ngon và thích hợp cho những bạn nào muốn có một con chuột chơi game chất lượng cao và trọng lượng nhẹ, tuy nhiên thiết kế của nó còn hơi đơn giản nên không được ngầu cho lắm. Hôm nay mình sẽ giới thiệu tiếp với các bạn hai con chuột chơi game khác cũng của ROCCAT có tên là Kone XTD và Kone Pure. Cả hai con đều có màu đen, thiết kế góc cạnh và ngầu hơn con Savu một chút, đặc biệt là độ phân giải đã được nâng lên gấp hơn 2 lần, đạt tới 8200 DPI (của Savu là 4000 DPI). Trong đó, con Kone XTD ngầu hơn hẳn với kích thước to, cầm rất đầm tay, hỗ trợ gắn thêm các cục sắt bên dưới còn Kone Pure thì đơn giản hơn, nhỏ hơn nên cầm lướt cũng nhẹ hơn.
Cả hai chiếc Kone XTD và Pure này có cấu hình giống hệt nhau, đều là chuột laser sử dụng cảm biến Pro Aim R3 của ROCCAT, chip xử lý riêng Turbo Core V2 32-bit xung nhịp 72MHz và độ phân giải cùng là 8200 DPI. Sự khác biệt hiển nhiên nhất giữa hai con đó là hình dáng bên ngoài, đồng thời con XTD cũng cho phép ta gắn thêm những cục sắt nhỏ bên dưới chuột để tăng thêm độ đầm trong lúc rê. Hiện mình chưa thấy có cửa hàng nào bán hai con chuột này cả, giá của chúng do nhà sản xuất đưa ra là khoảng 120 USD cho Kone XTD và khoảng 90 USD cho Kone Pure.
Kone XTD
Kone XTD là con chuột có kích thước to hơn, cầm rất vừa tay tuy nhiên nó lại khá nhẹ (123 gr) chứ không nặng như vẻ bề ngoài của nó. Trọng lượng nhẹ là điểm mình thích nhất ở các sản phẩm của ROCCAT, nó giúp ta có thể dùng chuột trong thoài gian dài mà không bị mỏi hay ra mồ hôi tay. ROCCAT khá chăm chuốt cho con Kone XTD khi trang bị cho nó hai dài đèn LED chạy dọc theo thân hình của con chuột, có thể phát sáng và nhấp nháy liên tục với 4 màu sắc khác nhau trông rất điệu đà. Phía sau trên lưng con chuột này còn có một cái logo ROCCAT tuy nhiên nó không thể phát sáng được.
Ngoài bánh lăn và hai phím chuột cơ bản ra, XTD có thêm 5 phím chức năng khác, 1 phím phía trước con lăn, 2 phím +/- phía sau và thêm 2 phía chức năng khác ở cạnh trái của con chuột. Vị trí của các phím được sắp đặt hợp lý, độ cứng vừa phải nên bạn có thể nhấn chúng rất dễ dàng với hai ngón cái và trỏ. Mặc định, hai phím +/- phía trên thân chuột được dùng để tăng giảm độ DPI của nó, trải dài từ 200 đến 8200 DPI. Bạn có thể dùng phần mềm quản lý chuột của ROCCAT để gán lại chức năng cho từng phím này. Trong hai phím ở cạnh trái, phím có mũi tên xuống chính là phím Easy-Shift độc quyền của ROCCAT. Bạn có thể nhấn phím Easy-Shift này kết hợp với một phím khác của chuột để tạo ra một chức năng mới (dùng phần mềm của ROCCAT để gán lệnh).
Ngoài ra, XTD còn có một điểm rất đặc biệt nữa đó là bánh xe của nó có thể hoạt động theo 5 chiều khác nhau, ngoài cuộn lên/xuống và nhấn phím cuộn, nó còn có thể nhấn sang hai bên trái và phải. Nghĩa là bạn có thể dùng cái trỏ để đẩy bánh xe này sang hai bên, mỗi bên tương ứng với một phím chức năng nữa. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng mình cảm thấy nó hoạt động chưa tốt cho lắm vì khi nhấn nút cuộn xuống, bạn sẽ dễ nhấn nhầm sang hai bên, cảm giác nhấn phím cuộn chưa thật tự tin và âm thanh do nó phát ra nghe… khá thô, nghe có vẻ không chất lượng cao cho lắm.
Phía bên dưới của XTD có một cái nắp xoay, bạn xoay để mở nó ra, bên trong là 4 cái lỗ dùng để lắp 4 cục sắt nhỏ vào (được bán kém theo chuột), mỗi cục có trọng lượng là 5 gr. Do bản thân con chuột có trọng lượng nhẹ nên có thể nó sẽ không thích hợp để chơi game trong một số hoàn cảnh, ví dụ như các game bắn súng, chuột quá nhẹ sẽ làm cho cảm giác ngắm bắn của chúng ta không được tốt. Vì thế bạn có thể gắn thêm các cục sắt này vào bên dưới cho đến khi cảm thấy rê vừa tay.
Kone Pure
Kone Pure là một phiên bản rút gọn của XTD, cấu hình kỹ thuật của nó y chang XTD nhưng có kích thước nhỏ gọn hơn một tí, trọng lượng cũng nhờ đó mà nhẹ hơn. Chuột có 4 phím chức năng phụ nằm ở các vị trí y hệt như XTD, ngoại trừ phím nằm phía trước bánh lăn. Nó cũng không có chỗ để gắn các cục sắt như ở XTD và bánh xe cũng không thể nhấn sang hai bên như XTD được. Tuy nhiên bản thân mình lại thích con Pure này hơn vì cảm giác sử dụng nó thích hơn hẳn, chuột nhẹ, gọn tay, bánh xe khi bấm không phát ra âm thanh khó chịu như của con XTD và cảm giác nhấn bánh xe rất tốt, chắc chắn chứ không “lộn xộn” như XTD.
Pure không được gắn đèn LED hoành tráng như XTD nhưng bù lại, logo ROCCAT phía sau đuôi của nó lại có thể phát sáng được và nó có thể phát ra 16,8 triệu màu khác nhau chứ không chỉ có 4 màu như XTD (giống con Savu). Bạn dùng phần mềm quản lý chuột của ROCCAT để tùy chỉnh màu cho nó. Hình dáng của Pure lẫn XTD được thiết kế theo kiểu công thái học, tức là nó sẽ ôm sát và nằm gọn trong lòng bàn tay của chúng ta khi bạn cầm lên nó. Bên cạnh đó, cả hai con chuột này khi hoạt động đều khá mát, nếu bạn nào hay đổ mồ hôi tay thì sẽ không cảm thấy khó chịu với chúng đâu.
Với độ phân giải của cả hai con chuột lên đến 8200 DPI, bạn sẽ thấy nó rất tuyệt vời trong các không gian làm việc lớn hay chơi game có bản đồ rộng. Ví dụ như khi làm việc đa màn hình, bạn chỉ cần di chuyển chuột một xíu thôi là con chuột đã có thể đi hết tất cả các màn hình rồi. Hay như khi chơi các game dàn trận, game RTS có bản đồ cực to, màn hình lại có độ phân giải cao, ghép nhiều màn hình lại để chơi game thì độ phân giải DPI càng cao ta càng có lợi, có thể di chuyển chuột rất dễ dàng mà không cần dùng quá nhiều không gian để rê nó.
Nói một cách tổng quát, mình đánh giá cao Kone Pure hơn là XTD vì nó có chất lượng hoàn thiện tốt, cảm giác sử dụng rất chắc chắn và tự tin. XTD cao cấp hơn nhưng chất lượng hoàn thiện thì lại kém Pure một chút. Bù lại nó có nhiều phím chức năng hơn và có thể thay đổi trọng lượng nếu muốn.
Theo: Tinh Tế