Tập hợp

Cái bụng bự của Gió Hú Dâng Trào lù lù trước mặt tôi ợ lên từng tiếng với những bánh răng vô tận và đám thiết bị bằng sắt phức tạp. Có kẻ nói Gió Hú được đặt tên theo con sói thép vẫn kêu gào trên đỉnh cái thang máy ma-kỹ-lực; kẻ khác lại thề rằng hồn ma một ông hầu đeo mạng đen đã ám vào ca-bin, và khi Gió Hú nâng lão đi xa khỏi tình yêu đã mất ở Zaun, tiếng than van văng vẳng làm lay chuyển đến tận lõi kim loại của nó. Nhiều người Piltover, tự tin mình có đánh giá chính xác nhất, chắc chắn rằng cái tên này chẳng liên quan đến gì hơn là gió lạnh rú rít giữa các khe nứt bên dưới thành phố.

Nhưng với tôi Gió Hú không phải là một tiếng kêu gào đơn lẻ. Nó là dàn giao hưởng ồn ã, sự hòa trộn đầy nhịp điệu của hàng ngàn âm thanh độc đáo. Đó là lý do tôi bị cỗ máy thu hút.

Chiếc thang máy nhiều tầng, được chống đỡ bởi ba trụ thẳng chắc chắn cao ngang chiều cao của thành phố, đi xuống tầng Bách Bộ và từ từ tròng trành dừng lại.

“Đến tầng Bách Bộ!” người trực thang thông báo, giọng bà được tăng âm bởi một cái loa hình chuông. Bà chỉnh lại cặp kính dày trong lúc nói. “Chợ Ranh Giới, Học Viện Ma-Kỹ, Trung Tâm Nghệ Thuật Làm Vườn.”

Hành khách túa khỏi thang máy. Hàng tá người khác bước lên và tản ra khắp các tầng: thương nhân đến Zaun để buôn bán ở chợ đêm, công nhân trở về nhà ngủ, dân Zaun giàu có tới xem hoa đêm nở giữa những vườn kính hình mái vòm. Rồi có cả những hành khách ẩn hình đã chọn Gió Hú làm nhà. Tôi theo dõi chúng chạy lon ton trong bóng tối: chuột dịch, thỏ đêm, và mấy chú bọ cánh cứng màu xanh crôm.

Đôi khi tôi leo theo những khe nứt để xuống tới Hầm Thải, nhưng tối nay tôi mong mỏi giai điệu ồn ã hài hòa mà tôi biết chiếc thang máy sẽ tạo ra.

Thay vì đi vào qua lối cửa, tôi vòng ra bên ngoài và nắm chặt tay lên thanh ngang dưới cùng, nơi những tấm rầm thép nhấp nhô tạo nên bộ khung cho cửa sổ kính. Các phiến kim loại của tôi kêu loảng xoảng khi tôi trèo lên Gió Hú, thu hút những ánh nhìn chằm chặp của hành khách và vẻ mặt cau có của bà trực thang. Hiểu biết về biểu cảm gương mặt của tôi mỗi ngày một tốt hơn.

Hầu hết hành khách đều đứng bên trong khoang, tránh khỏi cái lạnh và khói bụi, nhưng bên ngoài, giữa bầu không khí thoáng đãng, tôi có thể nghe tiếng lách cách vui tai khi những bộ phận cơ khí khớp vào vị trí cùng tiếng xì xì nhẹ nhàng của hơi nước thoát ra trong lúc chúng tôi đi xuống Zaun. Hơn nữa, tôi khó lòng chui lọt cánh cửa nào.

Một cậu nhóc nắm chặt tay người cha lục-hầm của mình, ngó tôi qua cửa sổ. Tôi nháy mắt và thấy miệng cậu há hốc ra vì một thứ tôi nghĩ là ngạc nhiên. Cậu rụt đầu nấp sau cha.

“Đang xuống!” bà trực thang nói. Bà rung một cái chuông lớn và điều chỉnh các đĩa số trên một hộp màu đỏ sáng. Tôi gần như có thể cảm nhận các mệnh lệnh truyền qua dây dẫn tới động cơ thang máy.

Bên dưới chúng tôi, chóp sắt của những tòa tháp ở Zaun và những vườn kính xanh rì lấp lánh như chùm nến trong ánh sáng mờ ảo. Gió Hú kêu ù ù và kẽo kẹt khi các tay quay xoắn vào ba cột trụ cao ngất, đè xuống bằng sức nặng của sắt, thép, và kính. Luồng hơi nước phụt khỏi đường ống trên cùng, rít lên một tiếng dài.

Bên trong ca-bin, ông lục-hầm và con trai nhìn một nhạc công chỉnh lại cây đàn chittarone bốn dây, tấu lên giai điệu bay bổng. Âm thanh đó đồng bộ với tiếng bánh răng lách cách và máy móc vo vo của Gió Hú. Người cha gõ chân theo nhịp. Một cô bọ nhắp đôi càng luống cuống chạy khỏi đôi ủng nặng nề của ông. Một băng hóa-thủ dựa người lên thành khoang, nhàn nhã nghỉ ngơi, một khoảng lặng xa lạ hoàn toàn với những chuyến dạo chơi điên cuồng của chúng khắp thành phố.

Gió Hú tiếp tục hòa ca trong lúc chúng tôi đi xuống. Tôi kinh ngạc trước bản giao hưởng quanh mình và thấy chính bản thân cũng ngâm nga theo âm điệu trầm lắng. Nhịp đập rộn ràng tràn qua tôi, tôi tự hỏi liệu những người xung quanh có cảm nhận thấy không.

“Gác Xép!” người trực thang nói lớn khi thang máy chậm lại. Hai người đưa thư mang theo bưu kiện buộc chặt xuống thang, cùng một đội nghiên cứu hóa-kỹ và một đám hóa-thương. Một nhóm người Zaun vui vẻ từ quận nhà hát bước lên.
“Đi xuống!” bà rung chuông nói, và Gió Hú kêu ù ù đáp lời. Thang máy tiếp tục hạ độ cao, cảnh ngoài cửa sổ bị che mờ do làn hơi tuôn ra từ các loại ống phía trên. Nước lấm tấm trên lồng ngực bằng kim loại của tôi trong lúc dàn đồng ca của máy móc kêu loảng xoảng và hơi nước phun xì xì lại bắt đầu.

Chợt có tiếng rì rầm lạc lõng chen vào. Rung động rất khẽ, nhưng tôi biết thứ gì đó đã rời ra. Thang máy vẫn đi như thể tất cả đều bình thường, đến lúc một tiếng va đập chói tai phá vỡ nhịp điệu hoàn hảo.

Dù chưa từng mơ, tôi biết khúc nhạc bị ngưng lại đột ngột thế này là ác mộng đáng sợ nhất của một cỗ máy.

Đường bánh răng xoắn ốc bị kẹt, và tấm rầm sắt của ca-bin nghiến lên đó trong tiếng rít kinh hoàng. Nhiều sinh mạng đang lâm nguy, tôi cảm nhận được nỗi đau của cỗ máy khi nó tuyệt vọng bám lấy các trụ chống. Cả trọng lượng của Gió Hú đè lên ba cây cột đang uốn cong, rồi ca-bin khựng lại ở một góc chênh vênh. Đinh tán bật khỏi đường nối khi các miếng kim loại bị kéo rời.

Chúng tôi lắc lư thoáng chốc, rồi rơi.

Bên trong ca-bin, hành khách la hét bám lấy thanh vịn gần nhất trên đường lao thẳng xuống. Một tiếng gió hú hoàn toàn khác biệt.

Tôi giữ chặt phần đáy ca-bin. Cánh tay kia kéo dài ra, bắn thẳng hướng một trong ba trụ chống. Cây cột thép ẩn hiện giữa màn sương, khiến tôi bị hụt vài phân. Tôi thu tay và, hơi nước xịt mù mịt sau lưng, thử phóng nó đến cây trụ thứ hai. Lại hụt.

Thời gian chậm lại. Bên trong ca-bin, băng hóa-thủ bám chặt vào mép sàn, còn cô bọ xanh bay vèo ra ngoài cửa sổ để mở. Ông lục-hầm cùng con trai cố ép mình lên tấm kính đang rạn nứt dưới sức nặng của hai người. Cậu bé loạng choạng, mấy ngón tay cuống cuồng tìm khung sườn thang máy trước khi trượt chân ngã khỏi đó.

Tôi vươn tay tóm lấy cậu giữa không trung, rồi thu tay về.

“Bám vào,” tôi nói.

Tay cậu nhóc bấu lấy mấy miếng thép trên lưng tôi.

Tôi bắn tay về phía trụ chống lần nữa, lần này thì chạm được vào lớp kim loại cứng cáp. Tiếng leng keng vang dội khi tôi siết ngón tay giữ chắc. Cánh tay kia buộc phải kéo dài ra khi bị ca-bin đang rơi trĩu xuống, dài đến nỗi tôi thấy các khớp nối có thể bị đứt đoạn. Treo mình lơ lửng giữa trời, tôi cố gắng nắm cho thật vững.

Một cú giật mạnh, thang máy ngừng lại. Nó rung lên dữ dội trước pha dừng bất chợt, giờ chỉ có duy nhất tay tôi làm vật chống đỡ. Cậu nhóc rùng mình, ghì chặt hơn.

Gió Hú vẫn còn cách mặt đất năm mươi thước, lắc lư phía trên những tòa nhà của tầng Hầm Thải. Các phiến kim loại trong tôi rên rỉ vì bị trọng lượng kéo căng. Tôi dồn hết sức giữ mình không bị tách rời. Nếu tôi rơi, Gió Hú sẽ rơi cùng, và tất cả hành khách trong đó nữa.

Cố định tay vào cột chống, tôi trượt dần xuống theo cây trụ. Chúng tôi rơi thêm mười thước, ca-bin đu đưa dọa người trước khi ổn định trở lại.

“Xin lỗi nhé!” tôi hét to. Những câu nói cảm thông có thể giúp con người an tâm hơn trong giờ phút khủng hoảng.

Tôi phải thử lại. Tôi phải mạnh mẽ lên.

Tôi nới bàn tay nắm trụ chống từng chút một. Trong một tiếng rít chói tai, chúng tôi từ từ trượt xuống bốn mươi thước còn lại đến mặt đất. Các van khóa của tôi giãn ra, thở phào nhẹ nhõm.

Hành khách cũng thở phào theo tôi khi họ loạng choạng bước ra khỏi cửa và cửa sổ vỡ xuống tầng Hầm Thải, dựa vào nhau để đứng vững.

Cậu nhóc trên lưng tôi thở gấp, ôm chặt cổ tôi. Tôi thu tay, cúi người xuống sàn, đủ thấp để cậu có thể tuột xuống đất. Ông bố ôm chầm lấy con trai khi cậu chạy lại.

Bà trực thang ló đầu ra khỏi thang máy, nhìn tôi.

“Cậu đã cứu chúng tôi. Tất cả chúng tôi,” bà nói, giọng run rẩy vì một thứ tôi nghĩ là choáng váng. “Cảm ơn.”

“Tôi chỉ đơn giản hoàn thành trách nhiệm của mình,” tôi đáp. “Tôi mừng vì bà không bị thương. Chúc một ngày tốt lành.”

Bà mỉm cười, rồi quay qua hướng dẫn đám đông dân Zaun đang tụ tập lại giúp đỡ hành khách và bắt tay vào sửa chữa. Một cô nàng hóa-thủ mang cây chittarone đến cho viên nhạc công khi anh này bò ra khỏi thang máy. Mấy người đi xem hát thì an ủi một cụ già.

Hai thợ máy ma-kỹ vấp chân ngã gần tôi, tôi đưa họ tới chỗ nhân viên y tế đang thiết lập một trạm sửa chữa. Tiếng thì thầm của hành khách và tiếng rên rỉ của chiếc thang máy bị thương trộn lẫn cùng tiếng ù ù và vo vo của Hầm Thải. Động cơ hơi nước trong lồng ngực tôi lên tiếng, thôi thúc tôi huýt sáo một đoạn.

Cậu nhóc quay lại, ngượng ngùng vẫy tay với tôi.

Tôi cũng vẫy tay.

Cậu chạy đi để bắt kịp cha, đôi ủng nặng nề gõ nhịp lên mặt sỏi. Máy móc cất tiếng hát, từng bánh răng kêu lách cách trong khoang của Gió Hú. Cô bọ xanh nhắp đôi càng hòa điệu khi bay về phía Hầm.