Sẽ thực sự là một luồng gió mới cho thị trường GO nếu thương hiệu Viettel đính trên một sản phẩm online. Song liệu trở thành nhà phát hành game có đủ sức hấp dẫn một c.ty thành viên nào đó của Viettel không ? Bài tổng hợp một số ý kiến tiêu biểu từ diễn đàn Game Thủ sẽ phân tích rõ hơn vấn đề này.
Khuấy gợn bằng cổng game.. lèo tèo chắp vá
Ngẫm tưởng đây là một chiến lược theo kiểu “khai cuộc ngược” y lời phóng viên Hải Yến (game4v) ngợi ca; khi trung tuần tháng 5/2009 Viettel Media (VtM) cho ra trang tin tại địa chỉ (https://game.minternet.vn/) dưới danh nghĩa chạy thử nghiệm. Song về hình thức, bạn thesunset diễn đàn gamethu nhận xét: “Nhìn cả trang web chẳng có chỗ nào dành cho game_online cả“. Quả vậy, vì ngoài phần java game chiếm đa số (đối tác khi bán đã chuẩn bị sẵn cho nội dung), thì còn lại là lấy từ các site khác về (ban đầu còn hồn nhiên “quên” nguồn trích dẫn). Phóng viên Hà Giang ngậm ngùi: “Mình bị chôm mất 1 bài, góp ý mãi mới nhận được hồi âm hứa sẽ sửa“.
Cổng thông tin game làng nhàng, èo uột
Liệu có cam tâm khi một c.ty thành viên mang trên mình thương hiệu lớn, hòa mình vào làng game bằng một trang tin chắp nhặt bôi bác ? Chưa kể lỗi code tùm lum tùm la, anh Văn Tấn coder trang Rồng Bay góp ý: “Hay gặp lỗi hiển thị nội dung bài viết lắm, thật khó tin nếu trang tin này là dự án của Viettel Media“. Thành viên Voo (game4v), manhtuan.bg và bbvcc (gamethu.net) chung nhận xét: “Nhìn tã và lẻ tẻ, tin tức lung tung beng thiếu tập trung“.
Forum tạm bị khóa, có lẽ do nhố nhăng quá !
Diễn đàn ngó bộ thảm hơn, lượng mem thì lèo tèo mà không biết nic ảo trong đó bao nhiêu ? Không hiểu quản lý sao mà để hiện tượng chat nhảm khá phổ biến: từ việc hỏi đánh lô đề, cho đến đi ăn lạc cũng rủ nhau í ới.., thư thoảng đôi lời khiếm nhã còn chình ình ngay trên bảng chát. Về chat-box trong forum, Hàn Thiên Hải người hăng hái đóng góp những ngày đầu bảy tỏ: “Tôi góp ý chân thành, nhưng ngay hôm sau hiện tượng chửi nhau tùm lum tá lả lại tiếp diễn với mật độ nhiều hơn“. Một sự thiếu chuyên nghiệp ngay từ việc làm trang tin cho đến triển khai diễn đàn, khiến tồn tại câu hỏi về chất lượng nhân lực: web còn chửa xong mơ chi đến GO ?
Cơ sở niềm tin trở thành nhà phát hành GO
Không ai phủ nhận thương hiệu của Viettel – mạnh cả thế lẫn lực, chen chân vào lĩnh vực kinh doanh game kể ra cũng không quá tầm với một công ty khủng trong làng viễn thông. Nên dù chỉ là một c.ty con trong tập đoàn hùng mạnh, Viettel Media (VtM) hoàn toàn có khả năng trở thành nhà phát hành game. Bạn bapxao trên diễn đàn gamethu nhận định: “Không có gì để bi quan nếu Viettel tham gia lĩnh vực GO. Biết đâu có thể khuấy động thị trường game Việt“.
Viettel luôn có cửa trên mọi sân chơi công nghệ (Ảnh minh họa)
Anh B.T.D nhân viên kỳ cựu trong VtM cho biết: “1 – 2 triệu đô đầu tư không là vấn đề, cái chính là tạo ra dự án để hợp tác khai thác game”, theo lẽ đó: cứ có dự án mà thuyết phục được ban giám đốc, là xả tiền cho làm. Thế nhưng mà với tâm lý ưa ổn định, thật khó hy vọng dự án ngoài thuyết phục ‘nhà lính’ nhả tiền. Quản trị viên uyên bác lantis999 bày tỏ: “Quan trọng là thực lực, trang web có hoành tráng cũng chả để làm chi ! Phải mạnh dạn bắt tay vào làm, sau vài dự án game mới tỏ mặt nhà phát hành”.
Thị trường GO nội địa hiện nay có thể tù túng, thành viên squall9588 nhận định: “Năm nay game ra nhiều, gamer đang có vẻ bội thực vì game, nhưng nếu có chiến lược phát triển, cân nhắc lựa game triển khai thì không phải là không có đất diễn“. Không thiếu game để VtM mang lại diện mạo phát hành mới. Có thể theo hướng ôm trọn GO mới hoàn toàn về gameplay mà có sẵn cộng đồng fan (như DW Online của KOEI chẳng hạn) , hoặc chắc ăn hơn là nhượng quyền phát hành game đã hoặc đang có nguy cơ khai tử. Thành viên pdhdnt đưa ra gợi ý: “Nếu phát hành lại Cửu Long Tranh Bá, có chiến lược PR hợp lý phục vụ tốt, thì mình tin game này còn tiềm năng“.
9Dragons – một gợi ý phát hành lại không tệ.
Hay chuyên hẳn sang hướng Thể thao điện tử, hiện trạng gần như một sân chơi bỏ ngỏ, có VTC Games đang nỗ lực song vẫn còn chật vật lắm. Bắt tay đầu tư vực VEN dậy là hướng lộ quang gợi mở, Viettel Media sẽ được cả tiếng lẫn miếng nếu đứng ra chống lưng cho phong trào nào này. Thành viên linh_toc_dai đề suất: “Tôi thấy Viettel nên nhảy vào thị trường game di động và e-sport, hơn là game online“. Còn alibaba nhận định tích cực: “Được hậu thuẫn nhiều, nếu Viettel Media tham gia mảng giải trí công nghệ này thì dù là phát hành GO, hay cứu vớt nền E-sport nước nhà, kiểu gì game thủ cũng sẽ được mở mày mở mặt“.
Chống lưng phong trào e-Sport, góp phần khuếch trương thương hiệu.
Thậm chí nhiều luận bàn lạc quan rằng: “Nếu trở thành nhà phát hành game, Viettel hoàn toàn có thể mơ giấc mơ phát hành game ra một số nước lân cận vốn có thị phần như Lào hay Cam-pu-chia, tương tự VTC Games đưa webgame Linh Vương sang Hàn Quốc vậy“.
E dè không phải vô căn cứ
Có tiếng là môi trường làm việc kỷ luật cao, nhân viên Viettel nhìn chung chất lượng. Do đó dù ở một đơn vị trực thuộc như Viettel Media, các vị trí kinh doanh hẳn không tối dạ đến mức không biết đến sự sôi động của thị trường GO nội địa. Nhưng nếu nhìn sang một đối thủ VNPT cũng là một cảnh báo dè chừng. Dăm năm về trước khi số lượng các nhà phát hành GO ở Việt Nam còn ít, VACS (VNPT đỡ đầu) đã từng được xếp ngang hàng với VinaGame, AsiaSoft và FPT Online.., thế rồi MU Online bị FPT Online nẫng tay trên, 3 trò chơi do VACS triển khai thì xịt 2 (Herrcot Online, Darcania Online) dặt dẹo một (RYL II) được hơn năm rồi cũng giải tán, thậm chí có lúc nhà phát hành này còn trót quên đóng tiền duy trì tên miền mấy game trên nữa.
Viettel không thiếu nhân lực chất lượng, nhưng để phát hành game thì…
Sau khi chứng kiến c.ty mình đỡ đầu triển khai game_online như vậy VNPT còn chẳng mặn mà gì lắm, thử hỏi Viettel không chột dạ sao được. Nhưng nếu vậy thì tôn chỉ vốn là niềm tự hào chung Viettel “cái gì doanh nghiệp khác không dám làm thì Viettel làm” y lời ông Nguyễn Mạnh Hùng (phó tổng giám đốc Viettel) phát biểu sau vụ đấu thầu 3G mới đây, hình như lại “bị hớ” ở đây (!). Thành viên Toukichi dè dặt nhận xét: “Viettel Media bây giờ chỉ cần tập trung vào khuếch trương cái mạng xã hôi ảo EGO lên là hợp lý nhất, hoặc có đầu tư thì làm website tương tác chơi chứng khoán ảo (muốn thương mại hóa thì thu tiền cào thẻ) xem ra khả thi hơn“. Còn bạn chickendie bi quan đưa ra cảnh báo: “Mong là đừng có thêm nhà phát hành tai tiếng nữa“.
logo Viettel trên sân chơi nhà phát hành, khó lắm thay !
Chưa hề có chút kinh nghiệm triển khai dự án khai thác GO cũng là lý do, tiếp đó là bài toán nhân sự đâu vận hành hiển hiện nan giải. Ngay cả khi theo hướng nhượng quyền game, liệu nhà phát hành mới toe có đủ trình quản lý game được như game thủ mong đợi ? Như nỗi niềm hoài nghi của quản trị viên Super_cup|Lolz: “Đại gia đến đâu nhưng không đúng lĩnh vực sở trường, mà cứ cố xâm lấn thì định hướng liệu sẽ tốt ?“. Nói về phát hành lại game, thành viên Link102dk cho rằng: “Sẽ chỉ có 1 lượng người nhỏ tham gia thôi, chơi lại dễ nhàm chán“. Thành viên kangmintrung chung ý kiến: “Game đã bị đóng cửa sẽ mang ấn tượng không tốt“. Chưa kể lý do rất tế nhị đó là khả năng bị đối thủ nhượng game ‘xấu chơi’ trong chuyển giao hay phong tỏa tài khoản chơi cũ.
Song nếu chỉ ngồi yên thì khó có kinh nghiệm, “trứng sao khôn hơn vịt” chỉ có trải nghiệm thực tế để biết mình là ai. Thành viên Kinhkodeu đưa ra phân tích sâu sắc chân thành: “Nhảy vào cái ao tù GO phải chấp nhận khó khăn, tâm lý game thủ nhìn chung cứ có game mới là chơi , ra game khác là bỏ. Có tiền tham gia phát hành game không khó, cái khó là làm sao vừa có lãi vừa ít bị game thủ phàn nàn. Nếu không chỉ bỏ sức vào thì dù có là nước sông công lính cũng khó thành công“.
Lối chơi đặc biệt, tính cộng đồng cao.., game xuất sứ Nhật liệu “vừa mồm” ?
Còn về Thể thao điện tử, e-Sport là một cuộc chơi dài hơi, nếu ôm nguyên tâm lý kinh doanh chăm chăm vào lợi nhuận trên từng đồng vốn bỏ ra và chỉ nhận định như một phong trào (mà quên tính đối trọng và là lĩnh vực giải trí hoàn toàn khác biệt); thì cũng khó mà theo được đến cùng. Thành viên down_to_up kết luận: “Toàn siêu tưởng và không được đánh giá đúng mức ở Việt Nam“.
Bên cạnh đó một số gợi ý đem thêm game bắn nhau hay webgame về (nếu còn e dè, để thăm dò); được thành viên Patriarch góp ý: “Theo tôi thì trường game trong nước đã bắt đầu bão hòa. Hàng khủng thì khó phổ cập, trò làng nhàng thì cả thèm chóng chán. Nên lấy những game dễ chơi, hoặc có lối chơi thật đặc biệt, tính cộng đồng cao, hỗ trợ tốt“.
Vậy rốt cục có phát hành game không ?
Nấn ná mỗi dịch vụ trên mobile, e chưa xứng tầm !
Tỷ như câu chuyện làm phim về lịch sử ở nước ta, một thành viên trên diễn đàn ttvnol chua chát bày tỏ: “Đề tài thì rất tâm đắc, nhưng thà không có còn hơn. Xem rất bực mình vì nhân vật lịch sử của ta lên phim trông hèn và tủn mủn lắm. Từ vua, tướng, quan văn, quân lính...” Ngẫm ra cái dự định nhảy vào thị trường GO của Viettel Media cũng y sì như vấn đề được đề cập trên vậy.
Trong thời gian tới Viettel Media có thể sáp nhập trở lại Viettel Telecom, khi đó đơn vị này sẽ vững mạnh hơn về kỹ thuật (đồng nghĩa thu hẹp bộ máy lãnh đạo); nhưng chắc chắn sẽ có nhiều dự án qui củ được triển khai hơn. Không biết chừng trong đó việc phát hành GO có cơ hội được lưu tâm cũng nên.
Đạt Long – tổng hợp.