Vào thập niên 1980, 1990, những trò chơi điện tử bốn nút hay máy chơi game bằng xèng là những người bạn thân thiết với hàng triệu trẻ em trên thế giới. Sonic, Mario, Pacman, Felix… là những nhân vật gắn bó với tuổi thơ của bao người. Sau nhiều thập niên, các nhà làm phim hoạt hình Hollywood quyết định đưa trở lại màn bạc những huyền thoại điện tử bốn nút với một sức sống mới trên nền 3D trong bộ phim Wreck-It-Ralph (Ráp-Phờ đập phá).
Nhân vật chính của phim là anh chàng Ralph, người chuyên đóng vai kẻ ác trong trò chơi Fix-It Felix nổi tiếng. Sau hàng thập niên lặp lại những công việc nhàm chán và phải làm nền cho Felix, Ralph không muốn làm người xấu nữa. Anh quyết định rời bỏ trò chơi đã gắn bó 30 năm vào dấn thân vào cuộc phiêu lưu trong thế giới game, đi tìm chiếc huy chương vàng để chứng tỏ mình có những tố chất của một người hùng.
Trên chuyến hành trình, Ralph gặp gỡ với nữ trung sĩ dữ dằn Calhoun của trò chơi bắn súng rùng rợn Hero’s Duty và cô bé Vanellope von Schweetz từ trò chơi Sugar Rush. Vanellope là một cô bé chập chờn do lập trình và bị ghẻ lạnh ở thế giới đầy ngọt ngào nhưng man trá của Sugar Rush, do ông Vua Kẹo cai trị. Vanellope trở thành người bạn thực sự đầu tiên của Ralph. Mọi chuyện trở nên phức tạp khi một con bọ virus sinh sôi hàng loạt và đe dọa tới tới toàn bộ thế giới trò chơi.
Dường như xu hướng phim hoạt hình của Hollywood năm nay là gợi lại những thứ thuộc về quá khứ. Frankenweenie thì trở về hình ảnh đen trắng. Hotel Transylvania khai thác những truyền thuyết cổ về các nhân vật Dracula, Frankenstein và xác ướp. Rise of The Guardians lại hội tụ những nhân vật gắn liền với trẻ em như Bà Tiên Răng, Ông Già Tuyết, Jack Frost… Còn Wreck-It-Ralph lại đưa khán giả trở về thời kỳ hoàng kim của những trò chơi điện tử bốn nút, máy chơi game bằng xèng có đồ họa đơn sơ năm xưa.
Ý tưởng đồ sộ nhất trong Wreck-It-Ralph chính là Trạm Game Trung Tâm. Nhà biên kịch Phil Johnston từng tiết lộ: “Trạm Game này nhìn giống như một nhà ga trung tâm với các tia sáng mà bạn có thể thấy vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Với chúng tôi, đó là một dải năng lượng, nơi mà các trò chơi đều được kết nối. Đối với các nhân vật, đó là một chiếc cổng dịch chuyển. Họ có thể di chuyển thông qua các sợi dây trong trò chơi của mình trên các chuyến tàu nhỏ hướng về Trạm Game Trung Tâm”.
Mang một hình hài mới trên nền 3D sống động, rực rỡ nhưng những trò chơi kinh điển một thời như Pacman, Fix-it Felix, Sugar Rush vẫn mang một “tinh thần” của 30 năm về trước. Hình ảnh trong phim vừa mới mẻ, hấp dẫn nhưng gợi nên sự thân quen từ những thứ đồ họa 8-bit đơn giản làm mê hoặc trẻ em năm xưa. Sáng tạo lớn nhất của Wreck-It-Ralph nằm ở việc các nhà làm phim biến những nhân vật điện tử trở nên có hồn hơn khi tạo ra một thế giới thực tồn tại đằng sau những ổ điện. Ở đó, các nhân vật cũng có suy nghĩ, tính cách y như con người.
Hai nhân vật trung tâm của phim là Ralph và Vanellope có tính cách và mục đích khác nhau nhưng có điểm chung là bị cô lập trong thế giới trò chơi. Trong game, các nhân vật được lập trình một cách rạch ròi, người tốt thì hoàn hảo từ đầu đến chân (như Felix), còn người xấu thì luôn thô kệch và bị ghét (như Ralph). Tuy nhiên, khi bước ra thế giới thật, ranh giới này trở nên mỏng manh và đôi khi, các nhân vật cũng băn khoăn tự hỏi những câu hỏi vô định như tại sao mình lại là kẻ xấu, tại sao mình lại không thể trở thành người hùng… Đơn giản là bởi trong trò chơi điện tử, mọi thứ luôn được lập trình sẵn.
Thông qua câu chuyện của “kẻ xấu” Ralph, phim mang đến một thông điệp rất “đời”: “Quan trọng không phải bạn tốt hay xấu, không phải bạn là ai, mà bạn sẽ làm gì cho cuộc sống”. Câu nói hài hước nhưng đầy ẩn dụ của Ralph chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc cho khán giả sau khi bước ra khỏi rạp: “Tôi là người xấu, thế có nghĩa là tốt. Tôi không phải người tốt, điều đó không có nghĩa là xấu”.
Wreck-It-Ralph có một câu chuyện đủ các yếu tố hấp dẫn, sáng tạo và mang tính nhân văn cao nhưng lại không giáo điều. Những nhân vật điện tử tưởng như rất “máy móc” theo sự điều khiển của người chơi nhưng qua lời kể của các nhà làm phim Hollywood, chúng lại đem tới cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, buồn vui, nụ cười nước mắt. Phim gợi lại một thời kỳ đáng nhớ với những ai từng say mê trò chơi điện tử bốn nút trong những năm 1980, 1990. Hành trình ngược thời gian này sẽ khiến người xem cảm nhận được rằng đôi khi máy móc cũng có tâm hồn.
Sau ParaNorman và Frankenweenie, Wreck-It-Ralph xứng đáng là bộ phim hoạt hình thứ ba trong năm nay góp mặt trong danh sách tranh giải Oscar năm tới vì những sáng tạo độc đáo và câu chuyện ý nghĩa. Trước khi vào phim, Disney còn chiêu đãi khán giả một phim hoạt hình ngắn lãng mạn và dễ thương có tên Paperman.
Wreck-It-Ralph (Ráp-Phờ đập phá) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 09/11/2012 với cả ba phiên bản 3D lồng tiếng Việt, 3D tiếng Anh phụ đề tiếng Việt và 2D.