Gabe Zichermann là chủ tịch trong hội nghị thượng đỉnh về Gamification (diễn ra từ 19/03 – 21/03/2012 tại San Francisco) nơi các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp tập trung để chia sẻ kinh nghiệm và sự nhìn nhận của họ. Zichermann cũng là một diễn giả, một nhà thiết kế đồng thời là tác giả của những cuốn sách: Game-Based Marketing và Gamification by Design.
Các trò chơi của Zynga như Farmville, CityVille hay Mafia Wars không chỉ là những game thành công nhất mọi thời đại mà bên trong đó còn là những case study tuyệt vời về hành vi người dùng, các khuôn mẫu chung và ứng dụng vào các dự án mới. Nhiều vấn đề như xây dựng lòng trung thành của khách hàng hoặc các hành vi kinh tế học hoàn toàn có thể áp dụng vào lĩnh vực khác.
Toàn bộ nghệ thuật đó đều là gamification và chính Zynga đã đặt những tiêu chuẩn vàng cho nó. Hãy cùng tham khảo những bài học đắt giá từ FarmVille và áp dụng những điều đấy vào công việc kinh doanh của mình.
1. Ảo tưởng về sự miễn phí
Social game như FarmVille tạo ra rất nhiều lợi nhuận từ chính người chơi nhờ một chiến lược khác biệt. Thay vì trả 1 khoản cố định (như trả 4 đô la mỗi tuần hoặc không nhận được gì), các trò chơi xã hội cung cấp những ảo tưởng rằng bạn đang chơi miễn phí. Một số ví dụ:
– Xin chúc mừng! Thật là tuyệt vời, bạn đã đạt được cấp độ tiếp theo.
– Bây giờ bạn cần một đối tượng mới để di chuyển về phía trước. Hãy kiểm tra chiếc máy kéo này!
– Để mua mặt hàng này, bạn sẽ cần 10.000 tiền ảo.
– Bạn có thể kiếm được số tiền này bằng cách cày cật lực cho đến khi bạn kiếm được đủ tiền.
– Bạn có thể đơn giản là trả tiền để đi tắt và nhận lấy những gì bạn muốn ngay bây giờ.
Thiết kế này quả thực rất thông minh. Bằng cách quy về lựa chọn giữa “thời gian so với tiền bạc”, những nhà thiết kế trò chơi vừa giữ cho chúng ta có quyền lựa chọn, vừa chạm tới cái tôi cá nhân của mỗi người. Cái tôi cá nhân của bạn sẽ có xu hướng chọn đường đi tắt. Trong khi đó, những người chọn không phải trả tiền thì phải trở thành những cái loa miễn phí cho Zynga trên Facebook.
Bài học rút ra: Mỗi khi có thể, hãy cho mọi người quyền lựa chọn giữa thời gian hoặc phải spam lời mời bạn bè trên Facebook và tiền. Họ sẽ vui lòng trả tiền, thậm chí trả nhiều hơn.
2. Đừng giới hạn mức độ chịu chơi
Nhờ chính sách tiền-thời gian, Farm Ville có thể áp dụng chính sách phân biệt giá cao độ, cung cấp cho người dùng các sản phẩm được tùy biến khá sâu. Tiền ảo và một hệ thống phần thưởng phức tạp có thể gây nên nhiều hiểu lầm về giá cả. Đồng thời, nó cũng cho phép Zynga tận thu từ mỗi người chơi nhờ bán các sản phẩm nhỏ lẻ, được cá nhân hóa cao độ với tỉ lệ CR cao.
Vào tháng Hai 2012, Zynga báo cáo doanh thu 311 triệu đô la và 153 triệu người sử dụng, doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) khoảng 2 đô la. Tuy nhiên, chỉ có khoảng trung bình 3% số người trả tiền cho các social game, nên thực chất ARPU của 1 người dùng lên tới gần 60 đô la cho mỗi người dùng. Một khi bạn vẽ các con số đó trên một đường cong tự nhiên, rõ ràng rằng một số người dùng đang phải trả hàng trăm hoặc hàng ngàn đô la một tháng để chơi FarmVille.
Bài học: Chia nhỏ sản phẩm, dịch vụ của bạn thành các phần nhỏ hơn, cá nhân hóa nó, và sử dụng một loại tiền ảo để khắc phục vấn đề phân biệt giá. Chiến lược này mở đường cho bạn tăng nguồn thu.
3. Chú trọng vào hành động, tập trung vào chi tiết
Dù trải nghiệm của bạn có phong phú đến như thế nào đi chăng nữa, rồi sẽ có lúc trở nên buồn chán, mất tập trung và bạn bỏ đi vì lý do này hay lý do khác. Cách tốt nhất để chống lại điều này là phải liên tục đổi mới và tăng cường sự gắn kết hàng ngày của người dùng.
Quan trọng không kém để tạo nên thu nhập là tập trung vào các hành động nhỏ và các trigger – các nhân tố khiến người dùng hành động. Thay vì thiết kế một hệ thống bắt người dùng lựa chọn giữa tất cả và không có gì hết, hãy nghiên cứu kỹ từng hành vi của họ, tại sao họ lại làm vậy để có phương án thuyết phục phù hợp.
Một khi bạn hiểu những hành vi chủ yếu thúc đẩy người dùng hành động, hãy bắt đầu từ những can thiệp nhỏ để giảm tỉ lệ rời bỏ game (churn rate) và tăng ARPU – từng phần trăm một. Ví dụ, FarmVille phát hiện ra tỉ lệ rời game tăng cao bất thường nếu phải bỏ ra trên 35 đô la mỗi tháng để mua sắm. Ngay lập tức, họ bắt đầu yêu cầu người dùng phải tham gia các hoạt động trên game tại mức 36 đô la thay vì phải đóng thêm tiền. Ngay lập tức, tỉ lệ bỏ game giảm vài %, mang lại hàng triệu đô la doanh thu.
Bài học: Thay vì chỉ đơn giản là việc bán mọi thứ bạn có, hãy cố tìm kiếm các chi tiết nhỏ trong hành vi của người dùng để có thể làm gia tăng doanh thu và lòng trung thành.
4. Bạn luôn cần thêm người chơi mới
Mặc dù rất khó khăn nhưng bạn luôn cần nhiều hơn nữa những người chơi mới để giữ cả một nền kinh tế phát triển. Trong khi bạn còn đang tìm cách để tăng doanh thu từ mỗi người chơi, đừng quên tìm kiếm thêm những khách hàng mới.
Có câu ngạn ngữ: “Giữ chân một khách hàng hiện tại sẽ tốn ít tiền hơn so với việc tìm thêm được một đối tượng mới”. Mặc dù điều này có thể đúng, nhưng nó không đủ để phát triển một doanh nghiệp. Do vậy, các nhà làm game luôn cố gắng đơn giản hóa tối đa quá trình làm quen của một người chơi mới. Điều cần quan tâm không phải là họ bắt đầu chơi ở cấp độ, mà là họ có thể tiến được đến mức nào.
Bài học: Có thêm người chơi mới là một phần thiết yếu của bất kỳ chiến lược phát triển nào, và nên được thực hiện theo cách dễ dàng nhất có thể.
Theo: WeStart