Nếu game thủ eSports tuy là một công việc còn mới mẻ ở Việt Nam, chưa thực sự được xã hội nhìn nhận đúng đắn thì ở những nước khác, nơi có nền eSports phát triển, đây thực sự là một nghề “hái ra tiền” với những nguồn thu nhập rất lớn.
Thực tế, trên thế giới, eSports hay còn gọi là thể thao điện tử là một ngành công nghiệp còn khá mới mẻ nếu như đặt bên cạnh những ngành công nghiệp giải trí khác như bóng đá hay ca hát. Tuy nhiên, theo thời gian, mức lương, thưởng cùng các khoản thu nhập của các game thủ eSports cũng đã phần nào tiệm cận tới những bộ môn nghệ thuật kia.
Từ trước tới giờ, eSports vẫn luôn bị đặt dưới một lăng kính có phần lệch lạc của xã hội cũng như những bậc phụ huynh. Họ cho rằng đó chỉ đơn thuần là những trò chơi điện tử tốn thời gian, vô bổ và chẳng thể đem lại tác dụng gì. Nhưng nếu mọi người có thể nhìn vào một bộ môn khác như bóng đá để so sánh, hẳn nhiều người sẽ nghĩ lại.
Cách đây chừng hơn chục năm, bóng đá ở Việt Nam cũng chỉ là một bộ môn thể thao được rất nhiều người ưa thích. Người ta chơi bóng vì niềm vui, niềm đam mê với quả bóng tròn. Khái niệm tiền bạc với trái bóng lúc đó chưa song hành với nhau cho đến khi chúng ta chuyên nghiệp hóa nền bóng đá.
Các giải đấu từ nhỏ tới lớn ra đời, kéo theo sự phát triển của các câu lạc bộ. Những nhà tài trợ cũng lũ lượt kéo đến với những khoản đầu tư mạnh mẽ. Và thế là từ đó, bóng đá mang một bộ mặt khác hoàn toàn. Đó là ước mơ, khát khao đổi đời cho những cầu thủ trẻ tài năng. Cũng từ đó, bóng đá không chỉ còn là một trò giải trí đơn thuần. Nó đã trở thành một cái nghề được xã hội nhìn bằng con mắt nể trọng hơn, yêu quý hơn.
Nếu các bạn là một người đam mê bóng đá, hẳn các bạn đều biết một cầu thủ giỏi trên thế giới có thể có thu nhập từ vài chục đến vài trăm ngàn đô la một tuần. Ở Việt Nam, dù nền công nghiệp bóng đá còn non trẻ nhưng mức lương các cầu thủ cũng đã đến ngưỡng vài chục triệu một tháng. Còn những siêu cầu thủ, những con người đã từng làm rạng danh nước nhà thì khoản tiền đó còn lớn hơn nhiều lần.
Bên cạnh bóng đá, những bộ môn nghệ thuật khác như ca hát hay diễn viên cũng đã có những sự thay đổi nhất định khi chúng ta đưa nó lên tới tầm chuyên nghiệp. Vậy eSports thì sao?
Những con số thống kê đã chỉ ra rằng, một game thủ eSports có mức thu nhập chẳng kém gì một cầu thủ bóng đá có trình độ khá. Điển hình như Nada, một game thủ Starcraft nổi tiếng với hàng loạt những giải thưởng lớn nhỏ trong sự nghiệp đã có lúc đạt mức lương từ 400.000 đô la đến 600.000 đô la mỗi năm. Cùng với đó là những khoản tiền thưởng từ những chức vô địch và không thể quên những khoản tiền tài trợ khi thi đấu.
Về phương diện tập thể, chúng ta có thể kể ra rất nhiều những cái tên tiêu biểu cho khả năng kiếm tiền của họ. Có thể lấy ví dụ như ở Counter Strike, Fnatic chắc chắn sẽ là cái tên được nhiều người biết đến nhất. Trong thời kỳ đỉnh cao của mình, họ có lúc đã “bỏ túi” khoảng hơn 120.000 đến 150.000 đô la, đó là chưa kể đến các khoản tiền thưởng, tiền lương và tiền quảng cáo.
Bên cạnh đó, suy nghĩ rằng game thủ, các vận động viên thể thao điện tử là những người gầy yếu vì quá mải mê “chơi game” thì đó là một nhận định sai lầm. Ngoài việc luyện tập eSports, các vận động viên còn phải rất chú trọng tới vấn đề thể lực, tinh thần và cả khả năng giao tiếp. Họ có phòng tập thể hình để đảm bảo thể lực. Họ có một chế độ ăn uống hợp lý để duy trì sức khỏe. Họ được học cách giữ vững tinh thần khi gặp khó khăn và họ còn phải học ngoại ngữ để giao tiếp.
Bên cạnh đó, ở những đất nước có nền eSports hưng thịnh như Hàn Quốc, một game thủ nổi tiếng sẽ được cộng đồng yêu mến chẳng khác gì một ngôi sao điện ảnh hay âm nhạc. Anh ta ngoài việc tập luyện, ăn nghỉ còn phải thu xếp những buổi giao lưu với người hâm mộ. Anh ta phải đi kí tặng cho hàng ngàn người, phải chụp ảnh cho những tạp chí lớn, phải làm những công việc như bất cứ ngôi sao nào.
Ngoài Hàn Quốc, Trung Quốc cũng là một nơi đang cố gắng chuyên nghiệp hóa cái nghề game thủ. Các đội tuyển của họ được các tổ chức lớn tài trợ và tạo điều kiện tối đa để có thể phát huy khả năng của mình. Khu ăn ở tập luyện của họ được đầu tư kĩ lưỡng từ máy móc, trang thiết bị đến những yếu tố khác như bể bơi, phòng chiếu phim… Thật sự nơi đó trông giống như một biệt thự cao cấp.
Nói như vậy để thấy rằng, game thủ không chỉ chơi cho vui, mà họ còn có thể sử dụng tài năng của mình để kiếm thu nhập, những khoản thu nhập không hề thấp. Đến đây, nhiều người sẽ ngay lập tức liên hệ tới đất nước chúng ta và tự hỏi: Liệu ở Việt Nam đã bao giờ tồn tại một đội tuyển như Fnatic? Câu trả lời là có!
Nhận ra rằng, muốn chuyên nghiệp hóa nền eSports non trẻ, không có cách nào khác là phải xây dựng nên một đội tuyển chuyên nghiệp với nhà tài trợ, có huấn luyện viên, lịch thi đấu… Đó chính là lí do Saigon Jokers ra đời.
Chọn bộ môn Liên Minh Huyền Thoại giàu tiềm năng, Garena Việt Nam quyết định thành lập đội tuyển eSports chuyên nghiệp đầu tiên với cái tên Saigon Jokers. Họ được quy tụ từ cả nước về và sống chung dưới một mái nhà. Cùng ăn ngủ, cùng tập luyện và cùng nhau chiến thắng, đó là cái cách mà Saigon Jokers vẫn đang từng ngày từng giờ phấn đấu.
Họ phải ăn, ngủ, tập luyện theo giờ dưới sự chỉ đạo của những huấn luyện viên. Trong tập luyện, họ phải tuân theo những chỉ đạo của người đội trưởng và mọi ý kiến sẽ được đem ra thảo luận khi trận đấu kết thúc. Sẽ không một ai là cao hơn tập thể mà ở đó, năm con người với năm cái tên khác nhau sẽ chỉ còn một cái tên duy nhất: Saigon Jokers.
Và kết quả cho sự chuyên nghiệp đó là một đội hình mạnh mẽ, giàu tính cạnh tranh đã ra đời. Saigon Jokers không chỉ thống trị hoàn toàn các giải trong nước với những chức vô địch Đấu Trường Danh Vọng 1, Đi Tìm Huyền Huyền Thoại… mà xa hơn, tên tuổi của họ đã bắt đầu đạt đến tầm quốc tế.
Bắt đầu từ chiến thắng oanh liệt trước Singapore Sentinels để có thể tham gia League of Legends Championship Season 2 rồi sau đó là một chiến thắng áp đảo đầy bất ngờ trước Dignitas của những Scarra, Scrumbzz… Chiến quả họ mang về không chỉ là vinh quang tổ quốc mà còn là những khoản tiền thưởng cực lớn lên tới 1 tỉ đồng.
Rõ ràng, sự chuyên nghiệp trong tập luyện và thi đấu đã mang về cho Saigon Jokers những vinh quang cho riêng mình. Ngoài ra, họ cũng đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển eSports ở Việt Nam với tư cách là đội chuyên nghiệp đầu tiên tiến tới mô hình này.
Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, một game thủ nếu cố gắng và có sự đầu tư hợp lý, họ hoàn toàn có thể kiếm ra tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại game thủ với một con mắt khác để có nhiều hơn nữa những Saigon Jokers trong tương lai?
Theo: Garena