Peter Molyneux là một trong những nhà thiết kế game nổi tiếng nhất thế giới với những tựa “god game” trong đó người chơi vào vai những đấng quyền năng chăm chút cho con dân của mình. Với tựa game mới nhất mang tên Godus của mình, Molyneux tuyên bố ông sẽ tạo ra một kiểu chơi free to play hoàn toàn mới lạ để thay đổi quan niệm cũ kỹ về free to play hiện nay.
Hệt như những trò chơi trước đó của Molyneux, Godus là một tựa game đưa bạn vào vai của một vị thần sở hữu quyền năng “dời non, lấp biển”. Bạn sẽ chăm lo cho những con dân của mình trên một thế giới tươi đẹp, giúp đỡ họ chinh phục đất đai từ tay con dân của những vị thần khác để trở thành thần linh hùng mạnh nhất của thế giới này.
“Chúng ta cần một thuật ngữ mới. Và thuật ngữ đó có thể đại loại là đầu tư để chơi. Điều này nghĩa là sao? Chúng ta sẽ hấp dẫn game thủ đầu tư một ít tiền của họ vào trò chơi nào đó”, Molyneux phát biểu. Theo ông, mô hình kinh doanh free to play hiện tại khuyến khích game thủ chi tiền để tăng tốc độ hoàn thành các công trình hay mua quân nhanh hơn là “hoàn toàn điên khùng”. Thay vào đó, ông muốn khiến cho game thủ cảm thấy tự hào vì đã đầu tư vào trò chơi.
Tuy nhiên, Peter Molyneux chưa nói gì nhiều về việc ý tưởng mới này sẽ hoạt động như thế nào trong Godus, tựa game hiện đang có mặt trên Steam với cái giá 19.99 đô la Mỹ (khoảng 421.000 đồng). Thông tin này được đưa ra sau khi phiên bản iOS và Android của trò chơi Dungeon Keeper đình đám một thời bị game thủ chê bai không tiếc lời với mô hình free to play của nó. “Cơ chế free to play đã che mờ mọi thành quả tuyệt vời mà Bullfrog (nhà phát triển phiên bản Dungeon Keeper mới) làm được. Nếu tôi thực hiện trò chơi này, có thể tôi sẽ chẳng bao giờ lựa chọn mô hình free to play”.
Với những game thủ yêu thích các trò chơi trực tuyến, đây có thể sẽ là một mô hình kinh doanh mới mà họ phải làm quen nếu như phương án “đầu tư để chơi” của Molyneux trong Godus thành công. Hãy cùng chờ đợi xem liệu sự sáng tạo của ngài Molyneux có thể mang lại cho chúng ta một mô hình kinh doanh game mà cả người chơi và nhà phát hành đều ủng hộ hay không.
(*) Free to play: Mô hình kinh doanh game theo hình thức miễn phí giờ chơi. Người chơi được tham gia game một cách miễn phí nhưng sẽ chi tiền để mua các vật phẩm trong cửa hàng (cash shop).