“Sản xuất ra game chỉ là một yếu tố, muốn được cấp phép game Việt còn phải đáp ứng các điều kiện về nội dung, kịch bản, đồ họa và các tiêu chí như quy định ban hành”. Câu trả lời trên được đại diện cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra khi trao đổi với Infogame về dự án game Việt 2112 Revolution do Emobi Games sản xuất, đang chuẩn bị được Soha Game phát hành ra thị trường trong thời gian sắp tới.
Và thực tế vấn đề đặt ra ở đây không mới, bởi thời gian trước, đã có một game do chính công ty trong nước sản xuất đã không được cấp phép phát hành trong nước, đó chính là SQUAD của VTC Game. Một game được công ty này đầu tư rất kỹ lưỡng và tạo nhiều ấn tượng về thiết kế, đồ họa… nhưng nội dung lại là game bắn súng, cho nên được các cơ quan chức năng xếp vào thể loại game bạo lực và không tiến hành cấp phép.
Chính những yếu tố như trên, đến thời điểm hiện nay việc 2112 Revolution có được cấp phép để phát hành tại Việt Nam hay không (việc xin phép đang được Soha Game tiến hành), vẫn rất khó có câu trả lời chính xác. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi những quy định mới về game tại Việt Nam vẫn chưa ra mắt và game thuộc thể loại cài đặt trên máy (client) hiện tại rất khó để được cấp phép, nếu nội dung và đồ họa không tuân thủ các quy định được đưa ra. Cho nên, khả năng người chơi game trong nước sẽ không được chơi 2112 Revolution rất có thể cũng sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, ở đây cũng không thể trách được phía cơ quan quản lý, bởi thực tế trước đây đại diệnCục quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã khẳng định họ hoàn toàn ủng hộ, khuyến khích và sẵn sàng tạo điều kiện cho các công ty trong nước đầu tư vào sản xuất game Việt, đồng thời nhấn mạnh: “Cục sẵn sàng tư vấn các vấn đề về pháp lý cũng như các yếu tố về nội dung… để các công ty phát triển game của mình đúng hướng”. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp sản xuất game trong nước vẫn làm một cách hoàn toàn tự phát đến khi game hoàn thành lại gặp khó trong vấn đề xin phép.
Có vẻ như các doanh nghiệp làm game cũng đang gặp tâm lí chung của các doanh nghiệp CNTT trong nước, đó là “sợ” tiếp xúc với cơ quan quản lý nhà nước. Đây là một tâm lí cần được sớm loại bỏ, bởi thực tế các cơ quan quản lý nhà nước nói chung mà ở đây là Cục quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử nói riêng, luôn sẵn sàng lắng nghe, trao đổi và chia sẻ với doanh nghiệp, khi họ cần tư vấn về việc làm game của mình.
Theo: Infogame