Cách đây vài ngày, Riot Games đã cho đăng tải các thông tin chia sẻ về việc hãng này phát triển kĩ năng Tướng Gió cho Yasuo trong Liên Minh Huyền Thoại. Tại sao Tường Gió xuất hiện? Những thử thách mà Riot Games gặp phải khi thiết kế Yasuo là gì? Tại sao một đấu sĩ cận chiến như Yasuo lại có Tường Gió? Tất cả những câu hỏi này và nhiều hơn nữa sẽ được trả lời trong nhật kí thiết kế Tường Gió của Yasuo.
Khi giới thiệu những kĩ năng mới đến Liên Minh Huyền Thoại, mục tiêu của chúng tôi không phải là khiến cho những kĩ năng này trở nên thú vị, thay vào đó, chúng tôi muốn tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho những người chơi dù ở phương diện nào trong trò chơi. Nói một cách khác, thiết kế kĩ năng là để phục vụ thiết kế bộ kĩ năng (sự liên kết giữa các kĩ năng của một vị tướng), và thiết kế bộ kĩ năng là để phục vụ thiết kế trò chơi (sự liên kết giữa các yếu tố trong trò chơi). Bài viết lần này sẽ tập trung vào việc Tường Gió xuất hiện thế nào và điều gì khiến cho kĩ năng này phù hợp với Yasuo.
Bối cảnh
Chặn đạn là một trong những hiệu ứng rất rõ ràng và lôi cuốn. Tôi chắc rằng nhiều người chơi đã ước họ có khả năng hất tung lưỡi giáo của Nidalee khi trông thấy nó đang lao đến bản thân hoặc đồng đội của mình. Rõ ràng là kĩ năng như vậy sẽ xuất hiện ở trong Liên Minh Huyền Thoại theo một kiểu nào đó. Vấn đề là bên cạnh các yếu tố kĩ thuật thì chúng ta phải tìm ra vị tướng và bộ kĩ năng phù hợp với kĩ năng này.
Một trong những ý tưởng đầu tiên của tôi (tức là phần miêu tả cơ bản các kĩ năng tạo nên vai trò và lối chơi của một vị tướng) ở Riot là cho Darius. Ở đây, tôi cho Darius một kĩ năng khiến hắn có thể quét lưỡi rìu của mình về một hướng, hất kẻ địch ra xung quanh và đồng thời phá hủy tất cả những đường đạn đang bay đến. Điều này không có ý nghĩa gì trên Darius, tuy nhiên tôi đã vài lần cân nhắc về kĩ năng và về những vị tướng mà kĩ năng có thể trở nên thích hợp.
Tua nhanh một chút đến giai đoạn cho những cao thủ chơi thử nghiệm ở mùa ba và ý tưởng này lại xuất hiện. Tôi tổng hợp câu trả lời từ những người chơi về kiểu tướng nào mà họ muốn thấy kĩ năng dạng này xuất hiện, hầu hết mọi người trả lời là “tướng hỗ trợ” mà không ngần ngại. Chỉ có duy nhất một người cho tôi câu trả lời khác biệt: HotshotGG gợi ý rằng kĩ năng này sẽ phù hợp nhất với một tướng cận chiến gây sát thương vật lí.
Chúng tôi đồng ý.
Tại sao lại là một tướng đánh gần?
Sau khi nhìn lại những tướng đánh gần, vài thứ trở nên rõ ràng:
Những tướng đánh gần có lối tham gia giao tranh khá mạo hiểm, có nghĩa là họ cũng cần những kĩ năng có thể bảo vệ bảo thân. Với việc chấp nhận trở thành một tướng đánh gần, họ giơ mình nhận sát thương từ tuyến sau của đối phương, bao gồm các pháp sư và xạ thủ: sát thương của họ đủ lớn để hạ gục một cỗ xe tăng với 200 giáp và 3000 máu. Tốc độ mà một tướng đánh gần phải hạ gục đối phương (nếu không có kĩ năng phòng thủ nào) đã giới hạn những quyết định trong giao tranh mà chúng tôi có thể cài vào bộ kĩ năng của họ. Đồng thời việc này cũng khiến cho mục tiêu của những tướng này không thể phản ứng theo hướng phòng thủ (ngoại trừ cách giữ khoảng cách xa, rất xa).
Trong quá khứ, chúng tôi đã giải quyết vấn đề này bằng những kĩ năng phòng thủ mạnh và rất đặc trưng, thường là bao gồm khả năng trở nên bất tử hoặc không thể chọn làm mục tiêu (Từ Chối Tử Thần của Tryndamere, Tuyệt Kĩ Alpha của Master Yi và Điệu Van Tử Thần của Fiora). Chúng tôi giới hạn những kĩ năng này bằng thời gian hồi chiêu dài (thường là chiêu cuối) tuy nhiên điều đó lại xung đột với một mục tiêu khác khi thiết kế Yasuo: tạo ra một đấu sĩ không quá cứng cáp, vị tướng có vẻ cân bằng khi chiến đấu từ lúc này đến lúc khác thay vì từ trận này qua trận khác. Về cơ bản là như vậy. Điều này có nghĩa là chúng tôi phải cố gắng tránh tạo ra bất lợi về thời gian hồi chiêu, khiến cho vị tướng trở nên yếu hơn đối phương cho đến khi họ sử dụng những kĩ năng có thời gian hồi lâu, khiến đối thủ trở nên yếu hơn. Điều đó có vẻ công bằng về mọi mặt của trò chơi, nhưng lại không hề bình đẳng nếu xét về những thời điểm riêng biệt.
Cuối cùng, để tạo ra những vị trí hợp lí cho các kĩ năng phòng thủ và bởi vì chúng tôi đã cho rằng các tướng cận chiến dường như không thích hợp với thứ sức mạnh nửa vời, chúng tôi đã không mang những kĩ năng có nhiều lợi ích lên các tướng đó. Cách làm này tác động đến nhiều yếu tố ở phần thể hiện của các vị tướng trong suốt trò chơi, thứ mà theo cách của nhà thiết kế, chúng tôi gọi là hiệu ứng “được ăn cả, ngã về không”. Trong hoàn cảnh của Liên Minh Huyền Thoại, nó nghĩa là các vị tướng sẽ trở nên cực kì mạnh nếu họ dẫn trước (được ăn cả) và sẽ trở nên gần như vô dụng nếu họ bị bỏ xa (ngã về không).
Tường Gió có vẻ đã trung hòa tất cả các vấn đề nói trên bằng cách thay thế khả năng trở nên bất tử tạm thời (ví dụ như khiến một người trở nên không thể nhận sát thương) thành một không gian bất tử (khu vực bất khả xâm phạm). Điều này cho phép chúng tôi thực hiện vài điều:
Chúng tôi có thể tùy biến khả năng phòng thủ của Yasuo trước tuyến sau của đối phương mà không cần phải hạ gục tuyến giữa hoặc tuyến trên, những kẻ có thể chiến đấu lại Yasuo.
Tạo ra lối chơi khắc chế độc đáo thông qua sự di chuyển của kẻ địch. Nếu như Từ Chối Tử Thần yêu cầu đối phương phải nhanh chân hơn Tryndamere thì Tường Gió sẽ kiểm tra kĩ năng chọn vị trí của đối phương và kĩ năng tạo tường của Yasuo để tạo ra một khu vực mà đối phương không thể lọt qua. Vì vậy, Tường Gió là một kĩ năng có phần yếu thế hơn so với Từ Chối Tử Thần.
Tường Gió có thể bảo vệ đồng đội. Một Yasuo không thực sự xanh có thể thay đổi lối chơi sang việc tập trung bảo vệ đồng đội bằng Tường Gió. Để so sánh, một Fiora ở tình trạng tương đương chỉ có thể hành động như một phiên bản kém hiệu quả, theo lối chơi y hệt như khi vị tướng này xanh hơn.
Mọi thứ có hiệu quả không?
Giờ đây Yasuo đã xuất hiện, chúng tôi sẽ có rất nhiều dữ liệu để đánh giá kĩ năng này. Nhìn chung, tôi có thể nói rằng Tường Gió đã thành công phần nào theo cách đánh giá mà chúng ta nói ở phía trên.
Tường Gió là một kĩ năng hiệu quả để hạn chế sát thương đến từ tuyến sau của đối phương khi Yasuo giao tranh, tuy nhiên Yasuo cũng rất có tiềm năng để vượt qua hàng ngũ của kẻ địch, biến việc quét sạch tuyến giữa của đối phương cũng trở thành một chiến thuật tối ưu. Trăn Trối có thể kết hợp với những đồng đội như Vi, cùng với lượng lá chắn từ nội tại, tất cả khiến Yasuo vượt xa định nghĩa của một sát thủ chuyên xâm nhập tuyến sau tuy nhiên, chỉ có thời gian mới trả lời được liệu lối chơi của vị tướng này có tiếp tục phát triển và đến một lúc nào đó, Tường Gió có được sử dụng như một công cụ bảo vệ tuyến giữa.
Lối chơi khắc chế bằng cách chọn vị trí để né bức tường cũng đã được sử dụng thành thạo, tuy nhiên tác dụng ngay lập tức của Tường Gió thường khiến cho đối phương nghĩ rằng họ không có cách nào giữ cho những kĩ năng quan trọng nhất của mình không bị chặn lại. Một hạn chế ở đây là việc khắc chế thành công Tường Gió chỉ có thể xảy ra sau khi bạn dụ Yasuo. Nói chung, mối liên kết giữa hành động và kết quả càng rõ ràng, trự tiếp thì lối chơi của bạn càng thành công. Ví dụ, việc dụ Yasuo sử dụng Tường Gió với Thủy Ngục của Nami và chờ bức tường biến mất trước khi tung hết các kĩ năng sẽ mang lại ít lợi ích hơn nếu bạn sử dụng kĩ năng đó để ngắt Bông Sen Tử Thần của Katarina.
Cuối cùng, tác dụng lên cả đội của Tường Gió là điểm vượt trội so với dự định của kĩ năng này. Nhắc lại thuật ngữ “được ăn cả ngã về không” ở trên, khi một tướng đánh gần bị bỏ lại, họ thường phải áp dụng chiến thuật đẩy nhà lẻ bởi họ sẽ cảm thấy mình không thể đóng góp hiệu quả vào các cuộc giao tranh. Với Yasuo, chúng tôi đã thấy người chơi tham gia nhiều trận giao tranh tổng (từ đấu đơn đến thi đấu chuyên nghiệp) thậm chí khi bị đối phương dẫn trước. Một lợi ích rất lớn của việc này là khả năng đảo ngược thế cơ từ Tường Gió (và cả khả năng kiểm soát đám đông bằng Trăn Trối nữa). Việc theo dõi những người chơi cải thiện đóng góp của mình trong các trận giao tranh với Yasuo cũng rất thú vị.
Tổng hợp từ lienminh.garena.vn và leagueoflegends.com