Vậy là năm 2012 đã qua và năm mới 2013 đã đến. Trong năm 2012 vừa qua, làng game Việt đã chứng kiến sự đổ bộ hàng loạt của các webgame có nguồn gốc từ Trung Quốc, bên cạnh đó các công ty game của Việt Nam bắt đầu tung ra nhiều trò chơi di động có chất lượng có thể so sánh được với các studio làm game hàng đầu trên thế giới hiện nay. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm lại những điểm nhấn đáng nhớ nhất của làng game Việt trong năm Nhâm Thìn vừa qua.
1. Khó khăn về chính sách
Trước hết, phải nói rõ rằng để phát hành được một trò chơi trực tuyến (game online) tại Việt Nam, các công ty game trong nước phải đáp ứng được các yêu cầu về mặt thủ tục hành chính. Cụ thể, để phát hành được một trò chơi trực tuyến, các công ty game cần phải giấy phép đăng ký kinh doanh trò chơi trực tuyến và giấy phép phát hành cho trò chơi trực tuyến muốn ra mắt tại Việt Nam. Trong khoảng hai năm trở lại đây, Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) bắt đầu hạn chế việc cấp phép phát hành cho các trò chơi trực tuyến khiến cho các công ty game đang hoạt động trong lĩnh vực này trở nên khốn khổ vì không thể ra mắt game “đúng luật”.
Việc Bộ TT-TT hạn chế cấp giấy phép phát hành game online khiến cho các công ty game trong nước phải tìm cách lách luật. Hàng loạt các công ty mới được lập ra để phát hành game online không có giấy phép phát hành. Thậm chí có công ty còn thành lập 3 – 4 công ty con chuyên dùng cho việc phát hành game không phép. Không những thế, lợi dụng tình hình Việt Nam chưa có luật quản lý chặt chẽ về lĩnh vực trò chơi trực tuyến, các công ty game Trung Quốc bắt đầu mang game vào trong nước phát hành theo kiểu “chui” và không có giấy phép phát hành. Trong số các công ty game Trung Quốc có mặt tại Việt Nam có thể kể đến như Koramgame hay Lemon Game. Các công ty này đã tung ra thị trường khoảng trên dưới 10 trò chơi trực tuyến không phép chỉ trong năm 2012 vừa qua.
Hiện tại, các game online phát hành tại Việt Nam đang chịu sự quản lý của Thông tư 60 do bộ Văn hóa Thông tin, Bưu chính Viễn thông và Công an ban hành từ tháng 06/2006. Tuy nhiên, thông tư này hiện nay đã không còn thích hợp với sự phát triển của thị trường game trong nước hiện nay. Bộ TT-TT cũng đã cho lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng (bao gồm cả game online) từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay Nghị định này vẫn chưa được ban hành. Việc chậm trễ ban hành các quy định mới về quản lý game online vừa khiến cho thị trường phát triển theo chiều hướng xấu, khó quản lý vừa khiến cho các công ty game trong nước không thể yên tâm kinh doanh. Thiết nghĩ Bộ TT-TT cần nhanh chóng ban hành các quy định mới về quản lý game online để thị trường game trong nước phát triển ổn định và lành mạnh hơn.
2. Game cài đặt ít cả về số lượng lẫn chất lượng
Dạo quanh các diễn đàn thảo luận về game lớn ở trong nước, chúng ta có thể thấy rõ hiện tượng “khát game” cài đặt (client game) có phiên bản tiếng Việt. Trong năm 2012 vừa qua, ngoài một số trò chơi cài đặt thuộc dạng thể thao điện tử như World of Tanks hay Liên Minh Huyền Thoại (League of Legends) được cấp phép thì hầu như không có bất cứ một trò chơi nhập vai trực tuyến dạng cài đặt nào được cấp phép. Việc không có giấy phép phát hành khiến cho các công ty game trong nước không dám đưa game ra thị trường mặc dù một số công ty đã mua game từ vài năm trước. Nguyên nhân chính là đầu tư vào game cài đặt có chi phí cao hơn rất nhiều so với webgame và game di động. Chẳng may phát hành theo kiểu “chui” không giấy phép bị phát hành mà bị “sờ gáy” thì sẽ thành “công dã tràng”.
Mặc dù nói là không có giấy phép phát hành cho các game cài đặt nhưng trong năm 2012 vừa qua, làng game Việt cũng đón nhận một số trò chơi nhập vai trực tuyến dạng cài đặt có chất lượng tương đối khá. Tuy nhiên, tuổi thọ của các trò chơi này lại quá thấp. Chẳng hạn, trò chơi Thần Ma Đại Lục ra mắt vào hồi tháng 06/2012, tuy nhiên đến khoảng tháng 12/2012 game đã biến mất hoàn toàn khỏi thị trường. Thậm chí, trang chủ của trò chơi này cũng không thể truy cập được. Hay như trò chơi Truyền Thuyết Thánh Vực (tên tiếng Anh là Eden Enternal) mới được ra mắt vào hồi cuối năm 2012 cũng đã tạm ngừng hoạt động và không định ngày trở lại. Mới đây nhất, trò chơi Tam Quốc Chí 3D do công ty Asiasoft Việt Nam phát hành cũng đã thông báo dời ngày Open Beta và chưa thể xác định chính xác ngày trở lại.
3. Webgame tiếp tục chiếm lĩnh thị trường
Webgame có mặt chính thức tại Việt Nam từ hồi cuối năm 2008 nhưng thể loại này vẫn chỉ phát triển ở mức độ tương đối trong giai đoạn đầu. Thể loại này chỉ mới thực sự bùng nổ tại Việt Nam trong vòng ba năm trở lại đây. Dễ chơi, không cần cài đặt và có thể chơi bất cứ nơi nào có mạng Internet là những ưu điểm của loại hình này. Thêm nữa, chất lượng webgame ngày càng được nâng cao, một số webgame còn có chất lượng không thua kém gì các trò chơi cài đặt. Năm 2012 vừa qua, mỗi tháng có khoảng trên dưới 10 webgame mới được trình làng, đa số các trò chơi này thuộc thể loại nhập vai và chiến thuật.
Trong số các webgame ra mắt trong năm 2013, một số webgame đã tạo được tiếng vang và thu hút được nhiều game thủ có thể kể đến như Chân Long Giáng Thế của SGame hay Võ Lâm Chi Mộng và Long Tướng của VNG. Tuy nhiên, webgame dẫn đầu thị trường lại là một webgame ra mắt từ cách đây hơn ba năm. Gunny Online, trò chơi bắn súng canh tọa độ do công ty 7Road (Trung Quốc) phát triển và VNG phát hành vẫn là trò chơi có số lượng người chơi đông đảo nhất.
Theo một nguồn tin không chính thức, doanh thu hàng tháng của Gunny vào khoảng 30 tỉ đồng, doanh thu của Võ Lâm Chi Mộng thì vào khoảng 40 tỉ đồng. Chỉ với vài con số như trên cũng đủ thấy doanh thu “khủng bố” của thể loại webgame tại Việt Nam. Nhìn sang Trung Quốc, doanh thu trong quý 3 năm ngoái của thị trường webgame là 2.474 tỉ nhân dân tệ (khoảng 396.85 triệu đô la). Với doanh thu cùng sự phát triển của webgame như hiện nay, năm 2013 tiếp tục là một năm của webgame tại Việt Nam.
Còn tiếp