Trong loạt bài viết này, GameLandVN chúng tôi sẽ điểm lại những điểm nhấn đáng nhớ nhất của làng game Việt trong năm Nhâm Thìn vừa qua. Trong bài viết đầu tiên được giới thiệu vào cuối tháng 01/2012, GameLandVN đã giới thiệu đến các bạn ba điểm nhấn đầu tiên của làng game Việt trong năm 2012 vừa qua. Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến các bạn ba điểm nhấn tiếp theo của làng game Việt trong năm 2012. Mời các bạn game thủ quan tâm tới chủ đề này cùng theo dõi nhé!
4. Game di động trực tuyến nổi lên như một thế lực đáng gờm
Nói đến mảng game di động, các tay viết về game tại Việt Nam chủ yếu tập trung nhiều vào mảng game di động trực tuyến. Tuy nhiên đây chỉ là một phần nổi của tảng băng mà thôi, bên cạnh các trò chơi trực tuyến được mua bản quyền về phát hành tại Việt Nam thì có rất nhiều tựa game di động rất chất lượng được người Việt làm ra và phát hành trên toàn thế giới.
Ở mảng game di động trực tuyến, ba công ty hàng đầu trong lĩnh vực này phải kể đến là Minh Châu, ME Corp và VTC Mobile. Bên cạnh đó, FPT Online cũng có một số game nhưng chiếm thị phần không đáng kể. VNG cũng mới tham gia vào mảng game di động trực tuyến bằng sản phẩm Đông Phương Hiệp mới ra mắt phiên bản chính thức cách đầy vài ngày.
ME Corp và Minh Châu hiện đang sở hữu khoảng 8 – 10 tựa game di động trực tuyến đang phát hành tại Việt Nam. Theo một nguồn tin không chính thức, doanh thu của các tựa game di động trực tuyến đứng đầu thị trường khoảng vài tỷ đồng mỗi tháng. Minh Châu và VTC Mobile là những công ty đơn thuần về lĩnh vực phát hành, họ chỉ mua game của nước ngoài rồi tiến hành Việt hóa và tung ra thị trường. Còn ME Corp lại có thêm cả đội ngũ phát triển sản phẩm nữa. Trong số các tựa game mà hãng này đang phát hành thì có đến 50% là các game do hãng tự phát triển.
5. Game do người Việt phát triển tăng mạnh cả về chất lượng và số lượng
Sau Thuận Thiên Kiếm, làng game Việt bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều các tựa game do chính người Việt phát triển. Nếu nói đến lĩnh vực phát triển game tại Việt Nam thì không thể không nhắc đến VNG, VTC Studio và Emobi Games. Sau Thuận Thiên Kiếm, VNG đã chuyển hướng sang phát triển mảng game mạng xã hội và đạt được những thành tựu hết sức khả quan. Sky Garden và Ủn Ỉn đã được hãng này xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc. Ngoài ra, VNG còn có rất nhiều sản phẩm đang thu hút được hàng trăm ngàn người chơi mỗi tháng như: Hàng Rong, myFish, Happy Me và Đảo Rồng.
VTC Studio là đơn vị thành viên của VTC Online. Đơn vị này cũng là một trong những đơn vị phát triển game có tiếng tại Việt Nam. Hai sản phẩm của VTC Studio được biết đến nhiều nhất trong năm vừa qua là SQUAD và Generation 3. Hai tựa game này đã được VTC Online bán bản quyền cho Nvia phát hành tại các quốc gia ở châu Âu và Mỹ La Tinh.
Nhắc đến lĩnh vực phát triển game mà không nhắc đến Emobi Games thì quả là một thiếu sót rất lớn. Emobi Games nổi lên trong làng game Việt sau khi ra mắt trò chơi bắn súng không trực tuyến 7554. Mặc dù 7554 không thành công về mặt doanh thu những Emobi Games đã chứng minh được người Việt có thể làm ra các tựa game chất lượng không thua gì các tựa game nước ngoài. Mới đây, hãng cũng cho ra mắt trò chơi chiến thuật trực tuyến thời gian thực 2112 Revolution và hiện đang được Soha Game chịu trách nhiệm phát hành.
Còn một mảng game ít được các tay viết trong làng game Việt để ý đến là mảng game di động do người Việt phát triển. Mảng game này hiện đang phát triển rất mạnh mẽ và xuất hiện rất nhiều tựa game chất lượng tốt và có thể cạnh tranh được với các công ty quốc tế. Một số đơn vị phát triển game di động nổi bật tại Việt Nam có thể kể đến như: Sunnet, Guava7, Banana Games, Zendios, Colorbox, Pine Entertainment, Divmob, Canvas Games, Funkoi và Larige. Trong số các công ty game phát triển game di động tại Việt Nam, GameLandVN đánh giá khá cao Divmob, hãng này hiện cho ra mắt game mới khá đều và liên tục. Các tựa game của Divmob đều được phát hành miễn phí và có chất lượng.
6. Thể thao điện tử đạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế
Năm 2012 vừa qua có thể nói là một năm vàng của thể thao điện tử Việt Nam. Thành tích đầu tiên phải kể đến là chức vô địch giải đấu “Đi tìm huyền thoại” khu vực Đông Nam Á của đội Saigon Jokers ở game Liên Minh Huyền Thoại. Sau đó, Saigon Jokers tham dự giải đấu vô địch thế giới game Liên Minh Huyền Thoại và lọt vào top 10 đội tuyển xuất sắc nhất thế giới với giải thưởng lên đến hơn 50.000 USD (khoảng 1 tỷ đồng).
Thành tích tiếp theo của thể thao điện tử Việt Nam phải kể đến là việc đoạt luôn ba vị trí dẫn đầu tại giải đấu One Asia Cup 2012 của game FIFA Online 2. Đội tuyển Việt Nam tham gia OAC 2012 với tư cách là nhà đương kim vô địch với bốn vận động viên. Kết thúc giải đấu, đội Việt Nam giành luôn ba vị trí dẫn đầu với tổng giải thưởng dẫn đầu khoảng hơn 100 triệu đồng. Nguyễn Lê Thanh Tòng giành chiến thắng trước Nguyễn Thái Bảo và trở thành nhà vô địch OAC 2012, đánh dấu sự thống trị tuyệt đối của đội tuyển Việt Nam tại OAC.
Tại vòng chung kết WCG 2012 tổ chức tại Trung Quốc, các vận động viên Việt Nam cũng đã tạo nên nhiều bất ngờ và giành được những vị trí cao trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều cường quốc hàng đầu về thể thao điện tử. Ở bộ môn Đột Kích, các chàng trai của đội tuyển Freedom đã xuất sắc giành được huy chương bạc. Còn ở bộ môn World of Tanks, đội tuyển Anubis Empire xếp hạng bốn chung cuộc sau khi bị trọng tài xử ép trong trận đấu với đội tuyển WaveKnight của nước chủ nhà Trung Quốc.
Còn tiếp