SK Telecom T1 là đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại hàng đầu Hàn Quốc và được biết tới với kĩ năng cá tuyệt vời cùng khả năng giao tranh tổng cực mạnh. Đó lý do khiến họ xứng đáng có mặt tại trận chung kết thế giới sẽ diễn ra vào ngày 05/10/2013 tới đây.
Mặc dù đã có những nghi ngờ sau khi họ để thua đội OMG của Trung Quốc nhưng SK Telecom T1 đã trở lại mạnh mẽ kể từ đó. Họ chiến thắng liên tiếp toàn bộ những trận đấu còn lại của vòng bảng trong đó có cả OMG, đội đã đánh bại họ trước đó. Dần dần, họ bắt đầu tạo nên “thói quen” để mất chiến công đầu cũng như thua ở trận đầu tiên trong chuỗi trận. Bất chấp những bất lợi, họ biết cách để thích nghi với hoàn cảnh và vươn lên. Đối thủ của SK Telecom T1 sẽ cần đánh bại họ thật sớm bởi nếu họ có thể bắt nhịp được với lối chơi của bạn, hiểu được xu hướng di chuyển của bạn, trận đấu coi như đã kết thúc.
Đối thủ của SK Telecom T1 trong trận chung kết là Royal Club, những võ sĩ giác đấu của người Trung Quốc. Hạ gục OMG và sau đó là Fnatic ở tứ kết và bán kết, nhiều người sẽ nghĩ con đường tới trận chung kết của Royal Club là khá dễ dàng và bằng phẳng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại, mọi người đều thấy được rằng trong trận đấu với OMG, cả hai lần Royal Club đều là những người bị dẫn trước nhưng nhờ khả năng giao tranh mạnh hơn cùng việc nắm bắt được những lỗi vị trí tới từ OMG, Royal Club đã vươn lên giành chiến thắng. Trong trận đấu với Fnatic ở bán kết, Royal Club cũng có được 92 mạng tiêu diệt so với 64 của Fnatic nhờ vào khả năng đi đường và kiểm soát các mục tiêu tốt hơn. Từ đó, ta có thể thấy không một trận đấu nào của họ là dễ dàng. Lối chơi của họ như một cơn lốc dữ dội, luôn sẵn sàng đối mặt với đối thủ và trao đổi mạng. Không loại trừ họ sẽ là những người cuối cùng của trận thư hùng sắp tới đây.
Đường trên: Impact vs Godlike
Khởi nghiệp ở vị trí hỗ trợ, Impact là một người tiêu biểu cho khả năng thích nghi của SK Telecom T1. Anh ta có thể không phải người gánh đội tốt nhất, có thể không phải người đi đường có thể tạo ra đột biến lớn nhưng không có vị trí nào Impact không thể chơi tốt. Được biết đến là người chơi có khả năng thích nghi với mọi chiến thuật của đội, Impact đã cho thấy tài năng của mình bất kể khi nào. Nếu đội cần một Jax đi đẩy trụ lẻ và trở thành chủ lực chính của đội, anh ta hoàn toàn có thể đảm đương được. Nếu đội cần một Renekton trâu bò và hút mọi sát thương trong giao tranh cho Piglet và Faker ăn mạng, anh ta sẽ lăn xả thân mình vào giữa đội hình đối phương. Bất kể anh ta có được nhiều mạng nhất hay chỉ có được vài mạng ít ỏi, thậm chí thua cả PoohMandu, Impact chỉ có một ý nghĩ duy nhất, một mục tiêu duy nhất trong mọi trận đấu: chiến thắng.
Là thành viên kì cựu nhất trong đội hình của Royal Club, Godlike là một người chơi vô cùng cần mẫn ở vị trí của mình. Sử dụng Renekton 3 trên 6 trận trong giải, Godlike đóng một vai trò tương tự như Impact trong đội hình của Royal. Wh1t3zZ và Uzi thường là những chủ lực chính trong đội, do đó Godlike cùng Lucky sẽ đảm nhiệm việc chịu sát thương từ phía đối thủ, đẩy lẻ khi cần đồng thời chiến đấu với kẻ địch ở đường trên khi có lệnh. Chơi chắc chắn trong hai vòng đấu trước, chung kết thế giới có thể là cơ hội để anh ta tự bứt phá bản thân mình.
Đi rừng: Bengi vs Lucky
Trong một đội có một người chơi có thể gánh mọi đường thì họ cần tới một người kiến tạo và Bengi là một người hoàn hảo. Sử dụng Lee Sin trong 8 trên tổng số 15 trận, anh ta không ngại ngần lấy đi một vài mạng ban đầu của đồng đội nhưng Bengi lại không hề sử dụng tiền đó để lên các trang bị sát thương. Với Bengi, tầm nhìn và tốc độ là sức mạnh tối ưu và đó là lý do anh ta thường xuyên lên Giày Cơ Động và Hồng Ngọc Tỏa Sáng càng sớm càng tốt. Bắt đầu tấn công đường trên từ những phút đầu tiên và chỉ 45 giây sau anh ta đã xuất hiện ở đường dưới và dùng Nộ Long Cước để giúp Piglet có mạng. Bengi biến bản đồ thành sân chơi của riêng anh ta đồng thời anh ta cũng là kiến trúc sư tài ba cho những pha xử lý ảo diệu của Faker mà các bạn có thể tìm thấy dễ dàng trên YouTube.
Là một hung thần thực sự trong trận đấu với Fnatic khi sở hữu tổng chỉ số lên tới 4/18/32, Lucky với Elise không chỉ có thể tạo ra những cơ hội ăn mạng mà còn đóng vai trò như một chủ lực trong đội. Dẫu vậy, anh ta thường bị chết lẻ trong rừng và đó là rắc rối khá lớn với cá nhân anh ta cũng như cả đội. Có hai điểm nhấn lớn nhất trong cách chơi của Lucky là số tướng anh ta có thể chơi và khả năng đấu Trừng Phạt. Với việc hầu như chỉ chơi duy nhất Elise (chỉ có một trận duy nhất không dùng), anh ta hoàn toàn có thể bị SK Telecom T1 ép sử dụng những sự lựa chọn khác. Về khả năng sử dụng Trừng Phạt, Lucky có thể được xem như người giỏi nhất trong cuộc chiến tại Baron và Rồng với khả năng căn thời gian chuẩn xác để tung ra những cú Trừng Phạt quyết định. Mặc dù bị nhiều người cho là mắt xích yếu nhất đội nhưng chỉ cần một tình huống cướp Baron thành công, anh ta sẽ trở thành người hùng.
Đường giữa: Faker vs Wh1t3zZ
Faker có thể chơi mọi vị tướng và anh ta đã làm điều đó với 21 vị tướng khác nhau trong 63 trận đấu chuyên nghiệp. Bạn có thể cảm tưởng như anh ta chỉ chơi hai vị tướng đang nổi là Ahri và Orianna nhưng không ai biết được anh ta còn giấu những con bài nào dưới tay áo. Nổi lên từ trước khi thi đấu chuyên nghiệp và Faker đã phải rơi vào một tình thế khá khó xử. Lúc đó, Faker hoàn toàn có thể kí hợp đồng với một đội tuyển thể thao điện tử có bề dày lịch sử hàng đầu Hàn Quốc và trở thành một siêu sao ngay lúc đó. Với hàng ngàn sự kì vọng trên đôi vai, anh ta hoàn toàn có thể xiêu lòng như bao nhiêu người trước đó và rời bỏ SK Telecom T1. Tuy nhiên anh ta đã ở lại và kiên nhẫn hướng dẫn các đồng đội mình. Kết quả là SK Telecom T1 vô địch OGN Summer và vòng loại khu vực Hàn Quốc. Và giờ đây, những gì mà dị nhân này còn thiếu chỉ còn đúng một thứ: chiếc cúp vô địch thế giới.
Đóng góp đáng kể vào chiến thắng nhưng đôi khi cũng hăng hái quá mức, lối chơi của Wh1t3zZ có thể so sánh với những gì anh ta thể hiện trước trận đấu: ồn ào, đáng xem và đôi khi trả giá bằng việc nằm xuống. Anh ta là một khẩu pháo cuồng loạn ở trên đường và nếu anh ta nhận thấy những con mồi ngon, anh ta sẵn sàng đảo đi các đường khác hoặc sử dụng tất cả những gì có thể vào đó. Ngay cả khi cơ hội là không thực sự nhiều, nhưng anh ta cảm thấy có thể, anh ta sẽ nhảy vào ngay lập tức. Điều này không thể thay đổi và được giải thích bằng việc anh ta chết nhiều thứ hai trong đội (21 mạng), chỉ sau người hỗ trợ Tabe. Fizz và Zed, hai sát thủ thường thấy luôn bị cấm khỏi tay anh ta trong hai vòng đấu đã qua. Lần duy nhất anh ta được cầm Zed, OMG đã phải trả giá. Đường giữa của Royal có tỉ số 7/2/7 và cũng nhờ đó loại được OMG ra khỏi giải. Bạn sẽ không thể biết điều gì sẽ xảy ra khi Wh1t3zZ mở đầu cuộc chiến nhưng hiếm khi mọi thứ kết thúc với việc còn nhiều người sống sót.
Xạ thủ: Piglet vs Uzi
Nếu Faker được xem như Batman thì Piglet chính là Robin của SK Telecom T1, người luôn bị ánh hào quang chói lóa của Faker che phủ. Tuy nhiên khi cả thế giới đang xôn xao về màn trình diễn đỉnh cao của Faker, Piglet ở đường dưới cũng rất biết cách gây ấn tượng với một chỉ số KDA cao nhất giải chung kết thế giới và không ít lần dẫn dắt toàn đội tới chiến thắng. Tại bán kết, Piglet bị đánh giá thấp hơn PraY và anh ta đã đáp lại bằng một tỉ số khủng khiếp 21/6/23 trong tổng cộng 5 trận của trận bán kết đó. Hoàn toàn ép chết bộ đôi được đánh giá là đánh 2vs2 hay nhất thế giới là PraY và CaiN, Piglet đã giúp toàn đội tiến tới trận chung kết. Là xạ thủ có màn trình diễn tốt nhất tại OGN và chung kết thế giới, có lẽ giờ là lúc anh ta bước ra khỏi cánh gà và nhận những ánh hào quang cho riêng mình.
Thể hiện màn trình diễn ấn tượng trong trận ra mắt ở giải đấu với OMG nhưng cũng ngay lập tức thể hiện hai bộ mặt trái ngược trong trận bán kết với Fnatic. Uzi hoàn toàn ép đường được xạ thủ thi đấu tốt nhất giải là Puszu khi luôn dẫn khoảng 100 chỉ số lính so với đối thủ. Dẫu vậy, anh ta cũng thể hiện một bộ mặt khác biệt hoàn toàn khi có những pha Tốc Biến thẳng vào đội hình đối thủ hoặc đánh giá quá thấp lượng sát thương từ phía bên kia. Dù vậy, anh ta vẫn là ngôi sao sáng nhất của đội với màn trình diễn siêu đẳng cùng Caitlyn để đưa cả đội tới trận chung kết. Những lỗi nhỏ của Uzi có chăng cũng bởi vì anh ta không phải là cỗ máy xạ thủ hoàn hảo như người ta mong ước, đặc biệt là sau khi hủy diệt OMG. Uzi vẫn là một tài năng lớn ở vị trí đó và nếu anh ta khắc phục được những sai lầm như trong trận đấu với Fnatic, khắc chế được anh ta sẽ là một việc không tưởng.
Hỗ trợ: PoohManDu vs Tabe
Người đội trưởng của SKT Telecom T1 có phong cách khá khác người. Dù là hỗ trợ nhưng anh ta không ngần ngại ăn mạng của đồng đội. Là cặp đôi cùng Piglet, anh ta có những thời điểm tỏ ra hổ báo hơn cả xạ thủ khi sẵn sàng đẩy nhanh đường kiếm chiến công đầu hoặc đẩy cao nhịp độ trận đấu. Đôi lúc sự hổ báo của PoohManDu khiến anh ta bị bắt lẻ trong rừng hoặc buộc đội nhà phải giao tranh trong thế bất lợi. Tuy nhiên giống như mọi người đội trưởng giỏi khác, anh ta biết cách dẫn dắt toàn đội đứng dậy sau những sai lầm. PoohManDu có khả năng sử dụng những chiêu cuối cực tốt để làm thay đổi cục diện giao tranh hay đơn giản để cứu đồng đội khi toàn đội cần anh nhất.
Khiêm tốn, ăn nói tốt, đội trưởng của Royal Club chỉ cần 3 chiến thắng nữa để biến mình từ một người chơi thử nghiệm Liên Minh Huyền Thoại ngày nào trở thành nhà vô địch thế giới. Chỉ trích những sai lầm của anh ta khi đi đường là hoàn toàn có thật bởi anh ta có thể chết rất nhiều ở đầu trận. Bù lại, Tabe không lấy mạng của đồng đội giống như PoohManDu và anh ta là nhạc trưởng trong lối chơi của Royal Club khi giao tranh. Thường xuyên đứng ở tuyến trên để Tốc Biến tung ra Tibbers với Annie hay một cú Khúc Cao Trào với Sona. Điều đó khiến anh ta thường xuyên nằm lại trên chiến trường nhưng cũng tạo điều kiện cho Uzi và Wh1t3zZ có cơ hội và thời gian quý báu đẻ ăn mạng và đưa Royal Club tới chung kết.
Cặp đấu đáng xem nhất: Faker vs Wh1t3zZ
Wh1t3zZ bị đánh giá là dưới cơ so với người chơi xuất sắc nhất giải LPL là Cool của OMG nhưng anh ta hoàn toàn chiếm ưu thế trong cặp đấu ở vòng tứ kết. Tiếp đó, trong cuộc chiến với người chơi xuất sắc nhất LCS châu Âu là xPeke, anh ta cũng không được sự ủng hộ đông đảo của người hâm mộ. Nhưng khi trận đấu kết thúc, anh ta không chỉ là người thắng trận mà còn thắng trong cuộc đối đầu trực tiếp với xPeke khi anh ta đã kiểm soát hoàn toàn giai đoạn đi đường. Đối thủ tiếp theo của anh ta là MVP của giải OGN và anh ta lại một lần nữa bị xem là bia đỡ đạn khi mọi sự hi vọng của Royal đổ dồn cả vào đôi vai của xạ thủ trẻ Uzi. Không chút e sợ khi đối đầu với hai người chơi xuất sắc nhất của hai khu vực, Wh1t3zZ đã thể hiện quá tốt cho tới thời điểm này và đừng hi vọng anh ta sẽ chơi phòng thủ trước Faker.
Nội dung bài viết được tổng hợp từ trang chủ Liên Minh Huyền Thoại.