Gần đây, Zynga phải đón nhận nhiều tin xấu: họ mua Newtoy từ Words With Friends tuy nhiên không tạo được nhiều lợi nhuận, sát nhập OMGPOP (nhà phát triển Draw Something) lúc đỉnh điểm (khoảng $180 đến $210 triệu), trong khi giá hiện tại chỉ khoảng $95 triệu, giá cổ phiếu giảm còn 1/4 so với ngày IPO 10 tháng trước và một loạt các trụ cột rời công ty.
Điều gì khiến Zynga từ một nhà phát triển game hàng đầu trên Facebook có hoàn cảnh bi đát hiện nay?
Quá nhiều nhà phát triển game trong khi lượng người chơi giảm
Trong những ngày tháng huy hoàng của Zynga, game được coi chỉ dành cho các game thủ “cứng cựa”. Zynga không hướng đến đối tượng này, với những game dễ chơi như Pong, Pac-Man, hãng đã thành công trong việc lôi kéo một lượng lớn người chơi.
Khi máy tính trở nên mạnh hơn và các hệ console ngày càng phổ biến, người chơi game cũng có những đòi hỏi khắt khe hơn về game mình đang chơi. Nhưng Facebook đã làm điều ngược lại: đặt một giao diện game đơn giản trước màn hình của hàng triệu người không-phải-game-thủ. Mark Pincus (CEO của Zynga) đã nhận ra và tiến hành khai phá thị trường rộng lớn này. Người dùng chỉ việc click, click và làm vài thao tác đơn giản để chơi game. Tuy nhiên, các công ty khác cũng dần dần nhận ra và cùng nhảy vào thị trường này.
Trong thời gian năm năm đó, người chơi cũng thông thạo hơn. Những game phổ biến nhất vẫn khá đơn giản, tuy nhiên với những game thủ tầm trung, những game chiến thuật như War Commander lại thành “mốt”. Một số game thủ từng là tín đồ của những game “click click” như Farm Ville nay chuyển sang những game phức tạp hơn.
Mỗi lần quảng cáo lại tốn kém hơn
Quay lại 2008, thị trường game trên Facebook còn chưa được nhiều công ty khai thác và Zynga cần tìm ra cách để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên lúc này, các công ty chưa mặn mà trong việc đưa thương hiệu mình lên quảng cáo ở Facebook còn các công ty làm game lại chưa nhận ra họ có sức mạnh lôi kéo người dùng lớn đến thế nào. Hai điều này làm cho giá quảng cáo tại Facebook khá thấp vào thời gian đó, có nghĩa là bạn không cần lấy nhiều tiền từ game thủ để quay vòng vốn làm game.
Zynga đã mua một lượng lớn quảng cáo và chiếm tới 10% doanh thu của Facebook thời kỳ đó.
Tuy nhiên sau đó, các nhà quảng cáo, những thương hiệu hay các công ty game khác bắt đầu đổ tiền vào quảng cáo trên Facebook và xu hướng này ngày càng tăng. Một số báo cáo chỉ ra rằng giá một lần click chuột quảng cáo trên Facebook chỉ khoảng $0,27 năm 2009 thì nay đã gần gấp ba lần, lên tới $0,88. Điều này có nghĩa là Zynga không thể lôi kéo nhiều người dùng mới bằng quảng cáo như trước kia và buộc hãng phải dựa vào truyền miệng, nhưng thật không may…
Facebook chán ngán spam qua game
Khi Facebook cho ra mắt tính năng News feed (thông báo khi có sự kiện mới) và các ứng dụng, họ không hoàn toàn dự báo được chúng sẽ kết hợp với nhau như thế nào. Zynga nhanh chóng trở thành ông lớn trong việc truyền miệng. Hãng làm những game bạn sẽ thắng khi yêu cầu một người khác giúp đỡ và thường xuyên làm gián đoạn game để yêu cầu bạn share trợ giúp “Can you milk my cow?” cho một ai đó khác. Việc này đồng nghĩa với mỗi người dùng đến với Zynga qua quảng cáo, hãng sẽ có thêm hai người dùng (là bạn của người đã chơi) thông qua News feed.
Spam qua game, như Zynga đã làm, nhanh chóng làm “lụt” phần thông báo (notification) của người dùng Facebook và khiến họ khó chịu. Vì vậy, Mark Zuckerberg đã tiến hành thay đổi: “Nhiều người dùng thích chơi game, nhưng cũng có nhiều người ghét game, và đó thật sự là một thách thức lớn, bởi vì những người thích chơi muốn update trạng thái nông trại của họ. Nhưng những người không quan tâm đến game thì chẳng hề muốn những update này. Vì vậy chúng tôi đã thực hiện một số điều chỉnh, theo đó, nếu bạn không chơi game thì bạn sẽ nhận được ít thông báo hơn”.
Thế là chiến dịch truyền miệng của Zynga game over!
Màn hình nhỏ hơn, tiền thu về cũng ít hơn
Trong nhiều năm, Zynga bán vật phẩm ảo trên giao diện Facebook mà không phải trả phí. Đó chỉ là bán một bản copy của một tấm ảnh số đổi lấy tiền thật, và như vậy thì lợi nhuận rất cao. Sau này, từ tháng 07/2011 tất cả các nhà phát triển phải sử dụng tiền ảo do Facebook quy định và tiến hành thu phí 30%. Zynga có thể đàm phán được giá thấp hơn một chút nhưng điều này vẫn ảnh hưởng lớn đến hãng.
Thời cực thịnh của Zynga, phần lớn người dùng Facebook sử dụng máy tính để chơi game. Tuy nhiên xu hướng chuyển sang di động diễn ra quá nhanh. Điều này làm bất ngờ Facebook và cả Zynga nữa.
Zynga chỉ quen với việc tạo ra những game miễn phí (chỉ phải trả tiền vật phẩm, nếu muốn) và chưa bao giờ làm game khiến người dùng phải mua trước khi chơi. Họ cần thay đổi, phải làm game ngược lại những gì họ đã làm tốt trước đó. Hơn nữa, việc chuyển đổi sang nền tảng di động như iOS hay Android cũng khiến Zynga giảm 30% doanh thu.
Liệu Zynga có thể vượt qua thời kỳ khủng hoảng này và quay lại ngày huy hoàng của mình năm xưa?
Theo: GIK