Sau 30 năm, trò chơi điện tử và thể thao điện tử đã đạt đến phạm vi toàn thế giới với lượng khán giả cực kỳ đông đảo. Tại Mỹ, thể thao điện tử bắt đầu cất cánh khi Major League Gaming (MLG) được thành lập vào năm 2002. Tuy nhiên, thể thao điện tử chỉ thực sự đến với khán giả khắp thế giới khi TwitchTV ra mắt năm 2011. Trang tường thuật trực tuyến này đã phát triển một cách chóng mặt. Chỉ riêng trong năm 2013, đã có đến 45 triệu người từng theo dõi thi đấu thể thao điện tử trên TwitchTV với tổng cộng 2,4 tỉ giờ.
Sự phát triển của thể thao điện tử tại Mỹ kéo theo lượng người tham gia đông đảo tại nước này. Theo số liệu của Newzoo, có 25% người chơi game tại Mỹ tham gia thi đấu hoặc theo dõi thi đấu thể thao điện tử. Trong số những người thường xuyên theo dõi hoặc tham gia thi đấu thể thao điện tử có đến 60% nằm trong độ tuổi từ 21 đến 35. Trung bình mỗi người xem thi đấu thể thao điện tử 19 lần mỗi tháng và mỗi lần kéo dài 2,2 tiếng. Lượng người xem trận chung kết giải vô địch thế giới mùa ba của Liên Minh Huyền Thoại thậm chí còn cao hơn cả trận chung kết giải bóng rổ nhà nghề NBA (32 triệu so với 26,3 triệu). Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của thể thao điện tử tại Mỹ.
Thể thao điện tử không chỉ là thể thao mà nó còn là lợi nhuận. Trong năm 2013, các giải đấu thể thao điện tử đã thu hút 71,5 triệu người xem và có tới 25 triệu đô la Mỹ đã được chi ra làm tiền thưởng cho các đội có thứ hạng cao trong các giải đấu. Những bộ môn truyền thống như Counter-Strike hay StarCraft có phần bị lãng quên khi Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2 và World of Tanks trở nên đình đám với những giải thưởng “khủng”. Trong năm 2013, Valve chi gần 2,9 triệu đô la Mỹ tiền thưởng cho The International 3, Riot Games cũng chi tới 2 triệu đô la Mỹ cho vòng chung kết thế giới mùa ba của Liên Minh Huyền Thoại, còn Activision cũng từng bỏ ra 1 triệu đô la Mỹ làm tiền thưởng cho Call of Duty: Black Ops II Tournament.
Năm 2013, chính phủ Mỹ bắt đầu cấp thị thực nhập cảnh cho các vận động viên thể thao điện tử hệt như các vận động viên chuyên nghiệp truyền thống, đánh dấu sự công nhận của chính quyền với những môn thể thao trẻ tuổi nhất hành tinh. MLG cũng đã ký thỏa thuận hợp tác lâu dài với Hiệp hội Thể thao Điện tử Hàn Quốc (KeSPA) trong năm 2012 để tiếp tục phát triển thể thao điện tử trong thời gian tới.
Tổng hợp từ báo cáo của superdataresearch.com