Vừa qua, trên trang chủ Liên Minh Huyền Thoại đã cho đăng tải một bài viết khá dài giới thiệu về vai trò mới của các vị tướng trong Liên Minh Huyền Thoại. Nguyên nhân của việc này được Riot Games lý giải là để để phản ánh chính xác hơn về cách suy nghĩ của họ về mỗi vai trò trong Liên Minh Huyền Thoại. Phần lớn những vai trò này đều nghe khá quen thuộc và Riot Games sẽ áp dụng vào Liên Minh Huyền Thoại trong bản cập nhật 3.10 sắp tới.
Định nghĩa
Vai trò của một vị tướng xác định các loại giá trị mà họ đóng góp đến cho cả đội hoặc truyền đạt những quy tắc cơ bản về lối chơi của họ. Nó cũng góp phần tạo nên dự đoán về kinh nghiệm của một người chơi sẽ như thế nào và họ có thể làm gì cho cả đội. Ở đây, Riot Games nhận định về vị trí của các vị tướng trong trò chơi thông qua sự kết hợp giữa vai trò chính và vai trò phụ.
Sát thủ
Một sát thủ là một vị tướng nhanh nhẹn, chuyên hạ gục hoặc vô hiệu hóa những mục tiêu có giá trị cao. Tập trung vào việc đột nhập, lừa tình và sự cơ động, sát thủ là những thợ săn cơ hội, người luôn tìm kiếm những khoảnh khắc thuận lợi trong các giao tranh trước khi nhảy vào cuộc chiến. Không phụ thuộc vào đối phương ít hay nhiều người, những sát thủ chuyên về lựa chọn vị trí và hạ gục có nghệ thuật. Họ tấn công khi thời cơ chín muồi, không sớm, không muộn.
Pháp sư
Pháp sư hầu hết là những tướng đánh xa, ưu tiên các kĩ năng mạnh mẽ hơn các đòn tấn công cơ bản. Những pháp sư thông thường có đặc trưng là kết hợp giữa những kĩ năng có phạm vi xa, diện rộng hoặc nhiều tác dụng để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Một pháp sư có tay nghề có thể tác động rất lớn đến bất kì đội nào với bộ kĩ năng linh hoạt và lối chơi đa dạng.
Đỡ đòn
Đỡ đòn là những tướng cứng cáp, đứng phía trước để giúp khóa chặt đối phương và khởi đầu giao tranh. Họ thường dẫn đầu đội hình, lựa chọn thời điểm và vị trí chính xác để bắt đầu công kích. Nhiều tướng đỡ đòn cũng có khả năng bảo vệ những đồng đội mỏng manh hơn bằng cách làm choáng hoặc dồn ép những kẻ địch nguy hiểm và hạn chế lượng sát thương của chúng.
Hỗ trợ
Các tướng hỗ trợ đóng góp vào trận đấu bằng cách giúp đồng đội với các bùa và hồi máu hoặc quấy rối hàng ngũ kẻ địch bằng các kĩ năng vô hiệu hóa. Từ giai đoạn trụ đường đến giao tranh cuối trận, các tướng hỗ trợ tạo ra lợi thế và cơ hội để đồng đội có thể tận dụng. Một tướng hỗ trợ có tay nghề sẽ mang lại ưu thế mà cả đội cần để giành chiến thắng và có thể lội ngược dòng một giao tranh chỉ với một lần tỏa sáng.
Đấu sĩ
Đấu sĩ là những chiến binh cận chiến có sự kết hợp giữa cả khả năng tấn công lẫn phòng thủ. Mặc dù đấu sĩ không thể chịu được nhiều sát thương như những tướng đỡ đòn hoặc gây được nhiều sát thương như những sát thủ, khả năng tấn công của họ sẽ tăng dần theo thời gian và biến đấu sĩ thành những mối đe dọa lớn. Mỗi đấu sĩ có một sự pha trộn độc đáo giữa sự cơ động, sát thương, khả năng gián đoạn và sự cứng cáp.
Xạ thủ
Xạ thủ là những vị tướng tầm xa, hi sinh khả năng phòng thủ và tiện ích để tập trung vào khả năng gây sát thương mạnh và liên tiếp lên những mục tiêu đơn lẻ. Xạ thủ thường gây sát thương với những đòn tấn công thường hơn là những kĩ năng và mạnh dần theo thời gian. Ở cuối trận, xạ thủ có khả năng gây sát thương cực kì lớn.
Giải thích
Một vài vai trò này hoàn toàn phù hợp với một vị tướng, như Brand là một pháp sư hay Nautilus là một tướng đỡ đòn, tuy nhiên những vị tướng khác lại mang sắc thái hoặc thể hiện sự kết hợp của nhiều vai trò. Điều này giúp chúng ta xác định những vị tướng này có thể làm gì và xếp họ vào những phân loại phù hợp mà các bạn có thể dự đoán được. Ví dụ, Mordekaiser chủ yếu là một pháp sư nhưng đồng thời cũng là một đấu sĩ. Cũng nên đề cập rằng chúng ta sẽ không hoàn toàn đồng quan điểm khi xem xét vai trò của các vị tướng. Ví dụ Pantheon và Annie đều là pháp sư bởi vì họ chủ yếu sử dụng kĩ năng của mình để gây sát thương, tuy nhiên một tướng gây sát thương dựa trên sát thương vật lí trong khi tướng còn lại gây sát thương dựa trên sức mạnh phép thuật.
Nhân tiện, chúng ta sẽ bàn đến một sai lầm thường thấy trong nhận thức về vị trí và sự khác biệt với vai trò. Vị trí liên quan đến những đường mà một vị tướng có thể đi. Ví dụ như một vị tướng đi ra đường giữa có thể là một pháp sư, một sát thủ hoặc một đấu sĩ, tuy nhiên họ vẫn sẽ chơi ở đường giữa. Đây là một phần của trò chơi mà những người chơi đã sáng tạo và phát triển, và chúng ta thường thấy những điều bất ngờ ở đây.
Ví dụ
Teemo là gì? Không chỉ đáng yêu hoặc là một ác quỷ thực sự (phụ thuộc vào người mà bạn hỏi). Teemo thường đi đường trên. Tuy nhiên điều đó không khiến cho vị tướng này giống với kiểu của Jax, Irelia hoặc Jayce, những vị tướng cũng thường đi đường trên. Điều đó nghĩa là, Teemo là một xạ thủ/pháp sư. Đó là vai trò của Teemo từ góc nhìn thiết kế. Sự phổ biến của Teemo ở đường trên là một vấn đề về vị trí. Lux là một pháp sư (vai trò) và thường được chơi ở đường giữa (vị trí). Vị tướng này cũng có thể được chơi ở đường dưới với vai trò là một tướng hỗ trợ. Kha’Zix là một sát thủ thường được sử dụng ở đường trên, rừng và đường giữa.
Những sự lựa chọn về vị trí không có bất kì tác động nào đến những vị tướng, họ vẫn có bộ kĩ năng và lối chơi cơ bản không đổi, nhưng vị trí của họ có thể ảnh hưởng đến những gì họ thể hiện trong trận đấu đó. Vài vị tướng sẽ thích hợp hơn với một số vị trí, tuy nhiên cũng có những yếu tố tác động đến điều đó. Đội hình, của cả đồng đội và đối phương, sẽ ảnh hưởng đến sự hiệu quả của một vị tướng. Ngoài ra, lối lên đồ cũng có thể gia tăng sức mạnh của một vị tướng trong những tình huống cụ thể. Sự khác biệt về trang bị mà người chơi mua khi sử dụng Jarvan IV ở đường trên và đi rừng cho thấy lối lên đồ có thể hỗ trợ và làm rõ hai vị trí, thậm chí là trên cùng một vị tướng. Những điều này có thể tác động đến cân bằng của trò chơi ở thời điểm hiện tại nhưng không phải vai trò chính của các vị tướng.
Nói ngắn gọn, vai trò và vị trí là những khái niệm khác nhau cũng như cách mà Riot Games nhận thức về chúng rất khác nhau ở vai trò là những nhà thiết kế. Người chơi có thể sử dụng thông tin này để hiểu hơn về các vị tướng cũng như dự đoán những thế mạnh và điểm yếu của họ. Khi chúng ta có đồng quan điểm về những khái niệm này, những cuộc thảo luận về các vấn đề phức tạp hơn trong thiết kế sẽ trở nên đơn giản hơn.