Đã có nhiều ý kiến cho rằng thể loại MMORPG đang “hấp hối” trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của webgame tại thị trường Việt Nam hơn 1 năm trở lại đây. Cùng với sự xuất hiện của mạng xã hội, số lượng người chơi webgame ngày càng tăng và có thể phát triển mạnh hơn nữa trong mảng thị trường giải trí game trong năm 2012 này.
MMORPG tại Việt Nam đang “hấp hối”?
Gần hai năm trở lại đây, thị trường game như “đóng băng” trước những quy định chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước. Gần như không có một game “khủng” MMORPG nào cập bến thị trường Việt Nam và chỉ là những “hứa hẹn” hay nằm trong những “dự án bí mật” đang được các nhà phát hành tạm thời cất trong kho chờ ngày ra mắt. Tuy nhiên vào khoảng thời gian từ cuối 2011 tới 2012 thì số lượng game mới xuất hiện lại có thể khiến game thủ “bội thực” và bối rối không biết lựa chọn sản phẩm nào phù hợp.
Có tới 90% trong số game mới ra mắt là webgame trong tổng số khoảng 20 game xuất hiện trong vài tháng trở lại đây chứng tỏ xu hướng giải trí game đã thay đổi, đe dọa trực tiếp tới các MMORPG đang và sẽ ra mắt trong năm nay như Giáng Long Chi Kiếm, Võ Lâm Truyền Kỳ 3 hay Cửu Âm Chân Kinh….
Không phải bàn cãi nhiều về sự thống trị của thể loại MMORPG, ông vua của làng game Việt trong suốt thời gian dài vừa qua. Thậm chí chưa có một thể loại nào có thể “ngoi” lên mức thách thức được những ông vua này. Tuy nhiên, với khá nhiều nguyên nhân khiến game thủ ngày càng “ức chế” với thể loại nhập vai như: auto tràn lan và được trang bị “tận răng”, phụ thuộc quá nhiều vào tiền gây mất cân bằng trong game, giá cash shop thay đổi theo hướng tận thu dẫn tới game thủ mất dần sự kiên nhẫn mặc dù vẫn yêu thích sản phẩm đó. Bên cạnh đó thì việc nội dung game hay sự kiện không có thay đổi đột phá trong từng đó năm cũng khiến gamer chán nản và cần tìm một sự mới mẻ để thay đổi.
Hiện có đến 90% game nhập vai tại Việt Nam cung cấp tính năng auto, bên cạnh việc có rất nhiều cá nhân tự viết auto rồi rao bán trên mạng. Cá biệt có auto có khả năng hỗ trợ “siêu tính năng”, hoàn thành tới 99% nhiệm vụ trong game, việc đơn giản game thủ chỉ cần bật máy tính và chạy auto để nhân vật tự làm nhiệm vụ là xong.
Webgame tạo nên xu hướng mới
Hàng loạt các sản phẩm webgame ra mắt trong thời gian gần đây, cùng số lượng người chơi từ MMORPG chuyển qua khá nhiều đã cho thấy một xu hướng giải trí mới của game thủ. Theo một khảo sát nhỏ trên fanpage GameLandVN, có tới 56,8% game thủ được hỏi đang tham gia chơi webgame, một con số khá ấn tượng. Giải trí game nhẹ nhàng, giảm stress thay cho “cày cấp” và “đua top” đã trở thành một trào lưu giải trí mới trên các mạng xã hội và trình duyệt web. Đa phần các webgame tại Việt Nam đều là thuộc dòng game chiến thuật pha lẫn nhập vai theo cốt truyện tiên hiệp, võ hiệp Trung Quốc mới lạ và “đấu trí” nhiều hơn “đấu sức”, khiến game thủ cảm thấy thú vị và mới mẻ hơn.
Cùng với sự phát triển phi mã của các mạng xã hội như Facebook hay Zing Me, những game online đã nhanh chóng trở thành món ăn ưa thích của các tín đồ internet, những người có sở thích lên mạng hay ngồi máy tính để giết thời gian rảnh rỗi. Trồng cây, thu hoạch vườn, xây thành phố, mở quán café đã là những trò chơi phổ biến của hàng triệu game thủ Việt Nam hàng ngày. Chơi game trên mạng xã hội đang là xu hướng chung khi game thủ chán “cày kéo” các dòng game nhập vai.
Chính sự thành công của webgame trong thời gian vừa qua khiến cho nhiều nhà phát triển chuyển thể các tựa game cài đặt thành webgame. Võ Lâm Chi Mộng, một sản phẩm webgame có tới 90% giống như Võ Lâm Truyền Kỳ 2 đã thành công nhờ sự chuyển đổi này.
Để đáp ứng được nhu cầu của người chơi, các nhà phát triển game phải liên tục nâng cấp và cải tiến các bộ công nghệ làm game của mình. Các công nghệ này hiện đang được đầu tư và phát triển rất nhanh. Nếu như cách đây vài năm thì các trò chơi thể loại 2D đã được xếp vào hàng webgame “đỉnh” nhưng hiện nay điều đó đã quá bình thường. Trong khi các webgame đạt chuẩn 3D đã bắt đầu xuất hiện và thu được những thành công nhất định.
Bởi sự phát triển của công nghệ làm webgame sẽ giúp cho người chơi có thể dễ dàng tiếp cận và thỏa sức tận hưởng các trò chơi 3D trên nền webgame. Điều này có thể giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề khó khăn trong việc phát hành các trò chơi cài đặt mà chúng ta đã từng gặp phải trước đây. Với xu thế hiện nay, một webgame nhập vai trên nền đồ họa 3D tại Việt Nam chắc sẽ xuất hiện trong một ngày không xa.