Ngày 13/02/2016 vừa qua, trang GosuGamers đã đăng tải một bài phỏng vấn với MidOne, thành viên đội tuyển Dota 2 Fnatic. Là một trong những người chơi có MMR cao nhất máy chủ Đông Nam Á (SEA) vào năm ngoái, Zheng “MidOne” Yeik Nai được Fnatic chiêu mộ để thay thế Dominik “Black^” Reitmeier. Trong bài phỏng vấn này, GosuGamers đã trò chuyện cùng MidOne với cuộc sống của cậu ấy sau khi trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp.
Chào MidOne, tôi được biết là đội các bạn vừa có kì nghỉ Tết Nguyên Đán?
Vui chơi với bạn bè, đánh bài, sum họp gia đình và ăn không ngừng nghỉ. Hôm qua tôi mới bị ngộ độc thức ăn, như ác mộng vậy.
Bây giờ bạn thấy khá hơn chưa?
Yea, bụng còn “âm ỉ” lắm.
Bạn là một người mới gia nhập đấu trường chuyên nghiệp, vậy nó ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bạn?
Cuộc sống của một game thủ chuyên nghiệp rất tuyệt vời và tràn ngập thử thách. SLTV là một trong những giải LAN lớn đầu tiên mà tôi tham dự. Giữa “pro” và “gà” là một sự khác biệt rất lớn, ngoài sự kì vọng của tôi. Bây giờ tôi dành nhiều thời gian cho game hơn.
Bạn nói đến khác biệt? Có thể cho chúng tôi ví dụ được không?
Giao tiếp ở đấu trường chuyên nghiệp mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ở đây, thắng hay thua, chúng ta đều phải xem lại replay để rút kinh nghiệm cho lần sau. Căn thời gian là yếu tố quyết định thắng thua khi thi đấu, mọi người cần phải rất nhanh. Nếu căn thời gian không chuẩn, thất bại là tất yếu. Ở trình độ nghiệp dư, bạn không cần phải cố quá sức, chỉ cần chơi thôi. Mọi người cũng ít giao tiếp và có xu hướng quên đi những lỗi mà họ mắc phải.
Nghe có vẻ như là một bước tiến lớn về kĩ năng từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp nhỉ. Thế còn cuộc sống của bạn sau khi go pro thay đổi như thế nào?
Cha mẹ bắt đầu ủng hộ tôi sau khi go pro còn bạn bè cảm thấy tự hào vì có một thằng bạn là pro gamer. Khi tôi còn chơi “nghiệp dư”, cha mẹ thường bảo tôi ngừng chơi game đi, nói với tôi những định kiến cố hữu về game: nó không tốt cho sức khỏe, nó không giúp con trong cuộc sống… Còn bạn bè tôi khuyên tôi bỏ Dota và tập trung vào việc học đi. Tôi đoán rằng cuộc sống của mình cũng không thay đổi lắm, chỉ có điều bạn bè hay hỏi tôi chụp ảnh cùng họ rồi post lên Facebook, Instagram…
Thế go pro có ảnh hưởng gì đến cuộc sống cá nhân của bạn không? Bạn có phải từ bỏ thứ gì sau khi gia nhập Fnatic không?
Điều tôi từ bỏ là thời gian bên gia đình. Tôi đang theo học tại Malacca, trong khi Fnatic bootcamp ở Kuala Lumpur, tuần nào tôi cũng phải đi từ Malacca lên KL cả. Khoảng 4 tiếng xe bus, rất mệt, nhưng vì luyện tập, nên tôi cho rằng nó cũng đáng.
Luyện tập đã giúp bạn như thế nào?
Tôi là người mới ở Fnatic. Tôi thật sự không biết bất kì thứ gì về đồng đội nên luyện tập cực kì quan trọng. Ở mỗi buổi tập, chúng tôi cố thử nhiều hero và học những điều mới lẫn nhau.
Điều gì khiến bạn nhận lời mời của Fnatic vào tháng 12?
Điều khiến tôi nhận lời là cái cách mà Eric (quản lý Fnatic) tuyển dụng tôi. Tôi thật sự không muốn từ bỏ việc học, nhưng sau nhiều buổi thảo luận, tôi thấy nó sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Ngoài ra, cơ hội để go pro rất hiếm, nên tôi chấp nhận.
Khi bạn mới gia nhập, bạn có thấy tự tin mình đủ kĩ năng cho với các đồng đội không?
Có, tôi khi đó rất tự tin về kĩ năng mình có nhưng tôi biết mình cần phải ổn định bản thân. Ví dụ, tại SLTV, tôi suy nghĩ quá nhiều, tôi tự hỏi bản thân điều gì khiến tôi không thấy thoải mái. Tôi bắt đầu bị ám ảnh, dẫn tới không thể chơi hết sức được.
Sau khi trải nghiệm SLTV, bạn có thỏa mãn vị trí của mình cũng như sự phát triển dưới tư cách một tuyển thủ không?
Tôi rất hài lòng về vị trí của mình trong đội. Tôi cũng đã rất buồn khi thua tại SLTV, nhưng bây giờ tôi thấy đó là một bài học giúp mình cải thiện bản thân. Với sự trợ giúp từ đồng đội, tôi biết cách làm sao chịu đựng được áp lực. Tôi cảm thấy tự tin lại.
Đồng đội của bạn có lẽ đã cho bạn rất nhiều lời khuyên, vậy ai là người giúp đỡ bạn nhiều nhất?
Mushi, bởi vì anh ấy có rất nhiều kinh nghiệm trong việc solo mid. Nên khi nào tôi gặp vấn đề, tôi đều hỏi anh ấy đầu tiên. Mushi cũng giúp tôi giải quyết các vấn đề về tâm lý. Ví dụ, khi tôi solo kill với s4 và chết, tôi trở nên ngu ngốc và không chịu giao tiếp với đồng đội.
Sau trận đấu, tôi nhìn Mushi, anh ấy bảo chưa bao giờ nghi ngờ kĩ năng của tôi, và ổn thôi cho dù bị chết do solo. Tuy nhiên, tôi phải nhớ rằng mình không thua cả trận đấu, tôi cần phải tiếp tục và sẵn sàng để dành chiến thắng – đó mới là điều quan trọng nhất.
Đó là tư duy mà một game thủ cần phải có. Bạn đã leo lên bảng xếp hạng máy chủ Đông Nam Á rất nhanh, bạn làm sao được như vậy, có mẹo nào không?
Cố gắng đừng rên rỉ, than phiền về đồng đội, tỏ ra thân thiện với họ và đừng có phiền lòng vì MMR quá. Đối xử với mọi người công bằng như nhau, cố gắng giao tiếp cũng như xem đồng đội chơi như thế nào.
Thỉnh thoảng, tôi mute hết nếu như họ than phiền không ngừng nghỉ. Tôi không thể nào chơi tốt nếu đồng đội cứ làm vậy mãi. Khi mà đội bạn đang dần bỏ cuộc, bạn phải trò chuyên và làm cho họ hiểu throne chưa mất thì game chưa kết thúc.
Trước đây bạn có stream một chút? Liệu bạn có tương tác với fan không?
Hầu như tôi hay chơi party MMR với bạn và tôi troll rất nhiều. Nhưng sau khi nhìn đối phương cực kì try hard, tôi đã ngừng việc troll lại.
Bạn có lịch stream không?
Khi nào tôi rảnh tôi sẽ stream, nhưng bình thường có tầm 50 người xem thôi.
Bạn đã chuẩn bị gì cho Shanghai Major?
Điều đặc biệt mà tôi làm đó là nhìn lại tại sao mọi người lại flame tôi, và mọi người đã cười nhạo tôi như thế nào khi tôi solo kill với s4 và chết. Tôi luyện tập rất nhiều và xem replay của mình cũng như của các pro mid khác, để chắc chắn rằng mình sẽ chơi tốt hơn tại Major.
Bạn thích xem pro nào nhất?
Tôi hầu như chỉ xem s4, tôi muốn chơi tốt hơn anh ấy. Tôi thích cái cách mà s4 chơi so với các pro mid khác. Tôi cũng xem Invoker của Miracle nữa.
Sau khi Shanghai Major kết thúc, bạn có kế hoạch dài hạn nào không, như chuyển qua Trung Quốc chẳng hạn?
Nếu có thể tôi muốn ở lại Mã Lai hoặc qua châu Âu, tôi không thích qua Trung Quốc lắm.
Bản dịch tiếng Việt được thực hiện bởi TTD từ Dota 2 Quotes.