Việc quản lý game online phải được tiến hành một cách chặt chẽ nhưng cũng phải khách quan và công bằng.
Nếu có một thống kê về việc đất nước nào có tỷ lệ người dân chơi game trực tuyến nhiều nhất thì câu trả lời chắc chắn sẽ là Hàn Quốc. Tại đây thì Game Online chưa bao giờ được coi là trò chơi trẻ con mà nó luôn được đánh giá là một ngành công nghiệp mang đến nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Ngay từ những ngày đầu tiên mới xâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, Game Online đã có mức độ phát triển rất nhanh và cũng góp phần tạo đà cho sự phát triển của nhiều ngành nghề khác.
Các sự kiện liên quan đến game luôn được quan tâm
Ngày nay, Hàn Quốc không chỉ là một thiên đường của Game Online mà đất nước này còn là số một trên thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu game đi các nước khác nhau. Việc xuất khẩu game online cũng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển vững chắc của nền kinh tế tại Hàn Quốc. Những điều trên có được chắc chắn không phải là tự nhiên mà là xuất phát từ một quá trình công phu và cũng đầy quy mô trong công tác quản lý game tại đất nước này.
Game Online bắt đầu hình thành và phát triển tại Hàn Quốc ngay từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Khởi nguồn bằng hai trò chơi kinh điển là StarCraft và FIFA 99. Tất nhiên là với cơ sở vật chất thời kỳ đó thì hai tựa game này chủ yếu được thi đấu qua hệ thống mạng nội bộ (LAN) tại những quán Game hay Internet và cũng hoàn toàn không có đối thủ cạnh tranh.
Chính phủ Hàn Quốc cũng rất nhanh chóng nhận ra vai trò của Game và tích cực đưa ra những quy chế nhằm quản lý Game ngay từ đầu năm 1999.
Game đã nhiều lần mang vinh quang về cho Hàn Quốc
Những hãng phát triển game tại Hàn Quốc cũng nhanh chóng được thành lập và phát triển. Đến khoảng cuối năm 1999, những tựa game do Hàn Quốc sản xuất đã giành được thị phần và nhanh chóng thay thế những trò chơi nhập khẩu nước ngoài.
Một trong những trò chơi trực tuyến đầu tiên thu được thành công lớn tại Hàn Quốc chính là Lineage, tựa game do hãng NC Soft phát triển. Trò chơi này có thể coi là đã khai sinh ra thể loại MMORPG (Nhập vai trực tuyến nhiều người chơi).
Vào thời hoàng kim của mình, Lineage có đến hơn 8 triệu game thủ và cho đến hiện nay con số này vẫn là hơn 1 triệu bất chấp thị trường game trực tuyến đã có dấu hiệu bão hòa
Thị trường game trực tuyến tại Hàn Quốc cho đến ngày nay đã phát triển một cách vững mạnh với số lượng trò chơi rất phong phú, đa dạng.
Theo thống kê thì thể loại nhập vai RPG đang chiếm khoảng 33.1% thị trường. Tiếp theo đó là những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất FPS và thể loại đua xe cũng như những trò chơi mô phỏng.
Lineage – Một game trực tuyến tiêu biểu tại Hàn Quốc
Một điều rất đáng chú ý là chính phủ Hàn Quốc luôn tạo điều kiện giúp đỡ những hãng phát hành game tại đây một cách tốt nhất. Họ luôn sẵn sang đầu tư những khoản tiền không nhỏ cho việc phát triển những công nghệ mới áp dụng trong game.
E-Sports (Thể thao điện tử) tại Hàn Quốc cũng phát triển như vũ bão. Những vận động viên thể thao điện tử ưu tú tại đây có sức hút với công chúng không khác những ngôi sao hàng đầu của làng giải trí.
Bên cạnh đó thì những vận động viên này cũng thường xuyên mang vinh quang về cho đất nước qua những chức vô địch liên tiếp tại những giải đấu thể thao điện tử có mang tính quy mô lớn.
Sự thay đổi và phát triển của Game Online tại Hàn Quốc cũng đến từ nhận thức của người dân. Nếu như vào thời kỳ đầu tiên, đa phần game thủ đều là nam giới và còn rất trẻ thì ngày nay, Game Online đã len lỏi vào mọi ngõ ngách và thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, từ phụ nữ, người già cho đến những em nhỏ.
Theo một thống kê thì có khoảng 35% game thủ tại Hàn Quốc là nữ giới, 13% ở độ tuổi trung niên (từ 39 tuổi trở lên). Điều này có được là do mọi người dân đều được tuyên truyền và hiểu được tác dụng cũng như lợi ích của việc chơi game điều độ.
Các vận động viên E-Sports tại Hàn Quốc rất chuyên nghiệp
Quá trình phát triển của Game Online tại Hàn Quốc cho thấy vai trò rất quan trọng của chính phủ đất nước này. Ngay từ thời kỳ sơ khai vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Bộ Văn Hóa và Du Lịch tại Hàn Quốc đã nhận thấy vai trò của Game trong đời sống và nhanh chóng lập ra tổ chức gọi là KOGIA (Cơ quan quản lý game tại Hàn Quốc).
Tổ chức này cũng đã góp phần giúp đỡ rất tích cực cho sự phát triển của Game nói chung và nhất là Game Online nói riêng tại đây. Những biện pháp trợ giúp được tiến hành đối với cả những nhà phát hành (tạo điều kiện, hỗ trợ về tài chính…) cũng như đối với game thủ (cài đặt những phần mềm quản lý chơi game, tuyên truyền và cảnh báo tác hại của nghiện game…).
Một trong những thành công rất đáng chú ý của KOGIA là việc tổ chức này đã thành lập hệ thống đánh giá game (Game Rating Board) nhằm phân tích và đánh giá những tựa game được phát hành một cách toàn diện nhất, góp phần giúp phân loại đối tượng người chơi và hạn chế được những tác hại xấu đối với giới trẻ.
Những tiêu chí nào KOGIA đưa ra đối với hệ thống đánh giá game là rất khắt khe và mọi nhà phát hành đều phải thỏa mãn hết những tiêu chí đưa ra mới có thể có giấy phép lưu hành đối với trò chơi của mình.
Chính việc quản lý mọi tựa game online một cách rất chặt chẽ ngay từ thời kỳ sơ khai như vậy đã tránh được những tác động xấu xảy ra cũng như việc khó kiểm soát về nội dung khi trò chơi đó được phát hành.
Chủ tịch KOGIA: Game Online là thị trường rất tiềm năng
Tổ chức KOGIA cũng giúp làng game tại Hàn Quốc phát triển bằng cách hỗ trợ những hãng phát hành một cách tối đa. Bên cạnh đó, thì những ý tưởng định hướng mang tính giáo dục cũng được khuyến khích đưa vào trong game.
Một thống kê gần đây cho thấy trẻ em tại Hàn Quốc ngày nay có kiến thức lịch sử và địa lý tốt hơn hẳn so với 2 thập niên trước. Điều này có được chính là nhờ những trò chơi trực tuyến đã khéo léo lồng ghép những kiến thức mang tính giáo dục giúp trẻ em dễ dàng tiếp cận hơn so với sách vở thông thường.
Mô hình phát triển của Game Online tại Hàn Quốc đã cho thấy nhiều mặt tích cực cũng như rất nhiều điểm có thể học hỏi nếu áp dụng ở những nước khác. Tuy nhiên điều quan trọng là những người có trách nhiệm cần phải có cái nhìn khách quan và công bằng hơn đối với sự phát triển của thị trường còn rất non trẻ này.
GAMELAND.VN (Theo VTC News)