Thời gian gần đây, làng game Việt trở nên sôi động hơn bao giờ hết với các thông tin về việc siết chặt việc quản lý game online của chính phủ. Đồng thời, trên nhiều phương tiện truyền thông cũng thường xuyên đăng tải những mặt trái, tiêu cực của game online khiến cho nhiều người hoang mang, lo sợ. Thậm chí có người còn gọi game online là “bạch phiến số” và cho rằng nên quản lý game online như quản … ma túy.
Tuy nhiên, trên cơ sở những nghiên cứu kỹ lưỡng về số giờ chơi game và những tác động của game, trong một đoạn video clip vừa đưa lên Youtube mới đây, nhà thiết kế game Jane McGonigal (Mỹ) khẳng định “game chính là là bệ phóng vô cùng hữu hiệu cho những đổi thay”. Xứ sở Game Online xin được đăng tải lại toàn bộ nội dung buổi nói chuyện của nhà thiết kế Jane McGonigal để các bạn game thủ hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Theo bà Jane, hiện tại cả nhân loại dành ra 3 tỷ giờ đồng hồ một tuần để chơi game online. Trong khi thế giới “thực” có quá nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, thì với thông tin này, hẳn nhiều người sẽ cho rằng: “phí quá nhiều thời gian cho game”. Thế nhưng trong một nghiên cứu tôi tiến hành trong quá trình làm việc ở Học Viện Vì Tương Lai (The Institute For The Future), tôi phát hiện ra: 3 tỷ giờ này thực sự là quá ít! Muốn giải quyết các vấn đề cấp bách của thế giới, 3 tỷ giờ đồng hồ chơi game một tuần là chưa đủ.
Tôi tin là nếu muốn sống còn trên hành tinh này đến hết thế kỷ sau, nhân loại phải đầu tư thêm thời gian để con số này tăng lên thật nhiều. Và theo tính toán của tôi thì tổng thời gian chơi game của chúng ta mỗi tuần phải đạt con số 21 tỷ giờ. Ý tưởng này có vẻ “trái tai” nhưng quả thật tôi nói rất nghiêm túc. Để giải quyết các vấn nạn như sự nghèo đói, thay đổi khí hậu, những mâu thuẫn trên phạm vi toàn cầu, nạn béo phì, tôi tin là đến cuối thập niên sau, chúng ta phải chơi game online một tuần ít nhất 21 tỷ giờ đồng hồ.
Tại sao như vậy? Bức ảnh này đã bao quát đầy đủ lý do. Tấm ảnh do nhiếp ảnh gia Phil Toledano chụp đã thể hiện toàn bộ cảm xúc “kinh điển” của thế giới game thủ khi đang chơi game. Nhìn vào ảnh chúng ta thấy được sự khẩn trương, thoáng sợ sệt, sự tập trung cao độ, với mong muốn giải quyết một vấn đề thật sự hóc búa.
Nếu các bạn là game thủ, các bạn sẽ nhận ra vài nét đặc sắc của bức hình này – đôi mắt người trong ảnh mở to, khóe mắt nheo, vẻ biểu hiện của miệng cho thấy một sự lạc quan. Đây là một game thủ sắp giành được một chiến thắng ngoạn mục (epic win). Với người chơi game, Epic win là thuật ngữ chỉ một kết cuộc rất tốt đẹp, đến nỗi chính các bạn trước đó cũng không tin nổi là mình làm được. Khi giành được một epic win, bạn hoàn toàn bị “sốc”, vì bạn khám phá ra khả năng thực sự của mình. Và đây là một game thủ sắp giành được một epic win, gương mặt mà hết thảy chúng ta đều muốn thấy ở hàng triệu con người đang ra sức giải quyết các nan đề trên khắp thế giới này.
Trong thời gian học Tiến Sĩ, tôi đã tìm hiểu về vấn đề: tại sao khi chơi game chúng ta hay hơn chính chúng ta ở ngoài đời. Chữ “hay” tôi nói ở đây nghĩa là có động lực để làm những điều lớn lao, biết bắt tay, biết hợp tác với mọi người.
Tôi cho rằng khi hòa mình vào thế giới game, chúng ta đều “sống” bằng một phiên bản khác của chính chúng ta – phiên bản chất lượng nhất. Con người trong game ấy của chúng ta lúc ấy sẵn sàng giúp đỡ bạn bè ngay khi họ nhờ vả, sẵn sàng mạnh dạn đối mặt với thử thách đến cùng, sẵn sàng đứng dậy sau mỗi thất bại để nỗ lực thêm lần nữa.
Vậy các bạn nghĩ sao khi tôi nói: game giúp chúng ta loại bỏ được ý nghĩ: tôi không thể đạt được mọi thứ? Chúng ta phải làm gì đây để lấy những cảm xúc trong game mà áp dụng vào thế giới thực tại? Tôi đã nghiên cứu một số game như game World of Warcraft, đây là game cho ta môi trường rất lý tưởng để hợp tác và giải quyết vấn đề. Thông qua game này tôi đã nhận ra vài yếu tố có thể chúng ta giành được epic win trong thế giới online.
Điều đầu tiên, bất cứ khi nào vào game online, nhất là game World of Warcraft các bạn sẽ thấy có rất nhiều nhân vật khác nhau, họ sẵn sàng tin tưởng các bạn, trao cho các bạn nhiệm vụ giải cứu thế giới. Tuy nhiên họ chỉ giao cho các bạn những nhiệm vụ phù hợp với level hiện có của bạn trong game. Họ chỉ đặt bạn trước những thử thách tương đối vừa sức. Điều đó cũng có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể thực hiện được nhiệm vụ và vì thế bạn phải nỗ lực hết sức.
Trong thế giới World of Warcraft không có người nào “thất nghiệp”, không có ai vô công rồi nghề, không có chuyện ngồi một chỗ bó tay chịu thua. Trong game luôn có những nhiệm vụ cụ thể, quan trọng cần phải làm. Và ở thế giới đó bạn thấy có vô vàn những con người biết hợp tác. Bạn đi đâu cũng có hàng ngàn người sẵn lòng tác chiến với bạn để bạn thực hiện nhiệm vụ vĩ đại.
Ở ngoài đời không dễ gì có được những điều này, ở ngoài đời thực chúng ta không nhận được sự tưởng thưởng giống như trong game. Những môi trường tương tác ảo kiểu như World of Warcraft luôn khiến chúng ta có cảm giác như sắp giành được epic win, điều đó làm chúng ta thỏa mãn, và kéo người chơi dành thời gian tham gia thế giới game. Cảm giác này tốt hơn so với cuộc sống thực.
Tính tới nay, tổng cộng các game thủ World of Warcraft đã tiêu tốn 5,93 triêu năm để hóa giải các nhiệm vụ ảo đầy khó khăn trong thế giới Azeroth. Như vậy, thực ra cũng có lý khi cho rằng: nói về lượng thời gian con người đang đầu tư chơi game tức là nói đến lượng thời gian khổng lồ trong chu trình tiến hóa của loài người. Thông qua việc chơi game, chúng ta đang cải thiện năng lực con người của mình. Chúng ta tiến hóa hơn, trở thành loài có khả năng hợp tác và thân thiện hơn.
Tôi cho các bạn một con số thống kê thú vị khác. Con số này do một nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Carnegie Mellon công bố. Ở một quốc gia có văn hóa gamer mạnh, trung bình một thanh niên từ khi bắt đầu chơi game online tới năm 21 tuổi dành ra 10.000 giờ đồng hồ cho hoạt động này. Con số 10.000 giờ là con số thực sự thú vị đây, vì có hai lý do. Thứ nhất, lượng thời gian đầu tư cho trẻ em ở Mỹ đi học một cách chuyên cần từ năm lớp 5 đến khi tốt nghiệp trung học bằng con số chính xác là 10.080 giờ đồng hồ.
Như vậy chúng ta có hai quãng thời gian giáo dục song song, trong quãng thời gian đó người Mỹ vừa học kiến thức ở trường, vừa học hỏi các yếu tố cần thiết để trở nên một game thủ cừ khôi. Có lẽ ở đây đã có vài người đã từng biết tới học thuyết về thành công của Malcom – còn gọi là học thuyết 10.000 giờ để thành công. Bản nghiên cứu về tâm lý nhận thức rất hay này nói rằng nếu chúng ta sử dụng đủ 10.000 giờ học tập một bộ môn nào đó, học thật nỗ lực, đến năm 21 tuổi, chúng ta sẽ rất tinh thông bộ môn đó. Khi đó chúng ta làm gì cũng giỏi, cũng xuất sắc như những con người “vô đối”. Và ở đây chúng ta đang có một thế hệ thanh niên Hoa Kỳ là những game thủ thượng thặng.
Một câu hỏi lớn được đặt ra: Game thủ có thể làm gì hay ho? Có thể bạn chưa biết sự thực này, nhưng nó đang dần trở thành hiện thực. Ngành game đang sản xuất ra nhiều loại console mới – sử dụng rất ít điện năng và được kết nối với mạng điện thoại không dây chứ không phải là đường truyền Internet băng thông rộng. Nhờ đó game thủ trên toàn cầu, nhất là ở Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, có thể online. Người ta dự báo thập niên sau sẽ có thêm một tỷ game thủ nữa, nâng con số tổng cộng lên 1.5 tỷ game thủ.
Tôi đã bắt đầu nghĩ: Game online khiến điều gì trong chúng ta trở nên xuất sắc? Theo tôi có bốn yếu tố. Thứ nhất: tinh thần lạc quan khẩn trương. Tinh thần này chính là thái độ cầu tiến cao độ, là khao khát được hành động ngay lập tức để giải quyết một trở ngại. Người có tinh thần này luôn có niềm tin: epic win là hoàn toàn có thể. Họ tin rằng bạn cần phải thử sức làm điều này điều kia, và phải thử ngay. Game thủ không hề ăn không ngồi rồi.
Thứ hai: khả năng xây dựng kết cấu xã hội của game thủ là rất lớn. Đã có nhiều nghiên cứu thú vị cho thấy chúng ta thích nhau hơn sau mỗi lần chơi game với nhau, dù trong game chúng ta thua thê thảm trước người bạn đó. Lý do: muốn chơi game chung phải thực sự tin tưởng nhau. Chúng ta phải tin một khi game thủ bỏ thời gian ra ngồi chơi với nhau, họ sẽ chấp nhận cùng luật chơi, họ xem trọng mục tiêu và sẽ kiên trì chơi đến hết game mới thôi.
Như vậy chơi game chung cũng là cách để tạo ra lòng tin và sự gắn kết cũng như tinh thần hợp tác. Thông qua đó, chúng ta sẽ có thể xây dựng quan hệ xã hội vững chãi hơn.
Thứ ba: năng suất xã hội tăng lên và game thủ có thể cảm nhận. Tôi rất thích điểm này. Các bạn có biết tại sao một game thủ sẵn sàng dành ra trung bình 22 giờ đồng hồ/ tuần chơi game World of Warcraft không. 22 giờ tương đương với một công việc bán thời gian. Câu trả lời: vì họ biết là khi chơi game họ được làm việc, hoạt động chăm chỉ hơn chứ không chỉ đơn thuần là được giải trí, được rong chơi, và điều này khiến họ cảm thấy vui hơn.
Yếu tố sau cùng là lẽ sống cao thượng. Game thủ thích dấn thân vào các nhiệm vụ lớn lao, những câu chuyện phiêu lưu tầm cỡ thế giới. Tôi xin dẫn ra một vài con số để các bạn thấy được tầm cỡ của yếu tố này. Các bạn hẳn đều biết đến Wikipedia – bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới. Thế nhưng ít ai biết rằng bách khoa toàn thư lớn thứ hai thế giới với gần 80.000 bài viết lại chính là bách khoa toàn thư World of Warcraft. Bình quân mỗi tháng có năm triệu người dùng bách khoa toàn thư này. Người ta tổng hợp thông tin cho bách khoa toàn thư online World of Warcraft nhiều hơn bất kỳ bách khoa toàn thư nào khác thuộc bất kỳ chủ đề nào khác trên thế giới.
Bốn yếu tố siêu nhiên mà tôi vừa trình bày tựu trung thành một chân lý: Game thủ là những con người tràn đầy niềm tin và có khả năng siêu phàm. Game thủ là những con người có lòng tin rằng bản thân họ hoàn toàn có khả năng thay đổi thế giới.
Có thể các bạn đang muốn hỏi tôi: “Làm sao chúng ta giải quyết được vấn đề nam giải của thế giới thực khi chúng ta chỉ…lang thang trong game? Vài năm qua tôi đã tập trung vào nghiên cứu lời đáp cho câu hỏi này tại Học Viện vì Tương Lai. Nó thể hiện quan điểm của chúng tôi về cách chúng tôi đang nỗ lực thực hiện những công việc hướng đến tương lai chứ không phải dự đoán tương lai. Điều chúng tôi muốn làm là tạo ra tương lai. Chúng tôi muốn làm cho con người mạnh mẽ hơn để biến kết quả trong tưởng tượng đó thành hiện thực. Chúng tôi muốn nhìn thấy nhiều epic win, chúng tôi muốn trao cho con người công cụ để họ epic win.
Tôi xin phép được tóm lược bài phát biểu ở đây. Tôi hy vọng các bạn cũng đồng tình với tôi về điểm này: Game thủ là nguồn nhân lực chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng cho các công việc ở thế giới hiện thực, và game là bệ phóng vô cùng hữu hiệu cho những đổi thay. Game mang lại cho chúng ta khả năng siêu nhiên lạ kỳ, khả năng làm việc với năng suất cao đáng phấn khởi, khả năng thiết lập cơ cấu xã hội, cảm giác lạc quan đầy khẩn tương, và lòng khao khát chiến đấu cho lẽ sống cao đẹp.
Đôi nét về Jane McGonigal:
Jane McGonigal, nhà thiết kế game và cũng là người theo chủ nghĩa vị lai nổi tiếng thế giới, đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng. Bà mang lại những đột phá hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế game dự đoán và giải quyết vấn đề của tương lai
Bà còn được nhiều người biết đến trong lĩnh vực sáng tạo game có thể truyền cảm hứng cho việc hợp tác trên quy mô toàn cầu và trí thông minh tập thể. Bà đã cho ra đời game dự đoán tương lai (massively multiplayer forecasting game-MMFG) đầu tiên trên thế giới với tên gọi Superstruct, giúp kết nối hơn 7000 chuyên gia dự đoán tương lai từ 90 quốc gia để cùng giải quyết những vấn đề của thế giới như nạn dịch lớn, hệ thống thức ăn, và biến đổi khí hậu. Hiệp hội các chuyên gia nghiên cứu chủ nghĩa vị lai (Association of Professional Futurists) đã trao giải thưởng Tác phẩm tương lai quan trọng nhất của năm 2008 (Most Important Futures Work of 2008) cho game Superstruct
Sản phẩm game hiện tại của bà là EVOKE – A crash course in changing the world (tạm dịch: một khóa học cấp tốc để thay đổi thế giới), đây là một nổ lực hợp tác nhằm trao quyền cho những người trẻ trên khắp thể giới, đặc biệt là Châu Phi.
Bên cạnh đó, Jane còn ra mắt game The Lost Ring (Chiếc nhẫn bị mất), một trò chơi nhập vai trong bối cảnh cuộc thi Olympic Games mùa hè năm 2008 do McDonald’s phát động. Hơn 2 triệu người trên 6 lục địa đã chơi game này. Báo Adweek đã bầu chọn The Lost Ring là Ý tưởng Đột Phá Số 01 của Năm (#1 Bright Idea of the Year). Các dự án lớn khác của bà còn bao gồm game dự đoán tương lai của dầu cực điểm World Without Oil, nền tảng dự đoán tương lai vi mô Signtific Labs, và game mạng xã hội CryptoZoo dành cho Hiệp hội Tim học Mỹ (American Heart Association).
Jane McGonigal hiện là Chủ tịch Nghiên cứu và Phát triển game, Viện nghiên cứu tương lai có trụ sở tại Palo Alto, California. Tại đây, bà đã được tạp chí Harvard Business Review bình chọn Top 20 những ý tưởng đột phá của năm 2008 (Top 20 Breakthrough Ideas of 2008) dành cho các tác phẩm của bà về tương lai game.
Với nỗ lực nghiên cứu về game và hợp tác không ngừng nghỉ, bà đã được vinh danh trên các báo và tạp chí lớn như: The Economist, The New York Times và trên các kênh truyền hình nổi tiếng như MTV, CNN, BBC, và NPR. Năm 2009, tạp chí BusinessWeek đã bình chọn bà là một trong 10 người có những sáng tạo quan trọng nhất. Gamasutra gọi bà là một trong 20 phụ nữ quan trọng nhất trong lĩnh vực videogame, và Fast Company cũng đã bầu chọn bà là một trong 100 người sáng tạo nhất trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, bà còn nhận được các giải thưởng của Hiệp hội những nhà phát triển game quốc tế (International Game developers Association), Viện khoa học và nghệ thuật số, và nằm trong top 35 người có thành tích đột phát trong việc thay đổi thế giới (MIT Technology Review).
Ảnh, video: TED, Wow, Google
Hàn Thiên Hải (Tổng hợp)