Như các bạn cũng đã biết, làng game Việt vừa trải qua một tuần đầy biến động và sóng gió với hàng loạt các quy định khắt khe được áp dụng. Không khí ảm đạm bắt đầu bao trùm làng game Việt từ khi dự thảo mới về quản lý với nhiều điểm bất hợp lý như game thủ chỉ được chơi game 3h/ngày và doanh nghiệp phát hành game không được cung cấp game quá 22h hàng ngày, …
Hàng loạt các bài báo với cái nhìn phiến diện về game online liên tục được tung ra làm cho dư luận xã hội lo ngại về những tiêu cực của game online. Tiếp đó, Công văn khẩn của Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử gửi đến các nhà phát hành game trong nước yêu cầu thực hiện đúng TT60, tiết giảm các nội dung đối kháng giữa người với người và tạm dừng các hoạt động quảng cáo dưới mọi hình thức đối với những trò chơi có nội dung đối kháng giữa người với người.
Như thế này gọi là đánh nhau có tổ chức ?!
Điều này khiến cho cả làng game như chết lặng bởi tính đối kháng (PvP) là một phần không thể thiếu đối với các game MMORPG. Không khí yên lặng đến đáng sợ đang bao trùm làng game Việt. Không chỉ có thế, Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM vừa có văn bản gửi 14 NPH tại TP.HCM đề nghị liệt kê các hành vi mang tính đối kháng và tự phân loại mức độ bạo lực của từng hành vi trong các game online đang vận hành và phải gửi kết quả đánh giá về Sở trước ngày 21/07/2010.
Các tiêu chí đánh giá với 6 mức độ bạo lực cơ bản không khác gì bộ luật Hình sự với hàng loạt các ngôn từ làm “lạnh gáy” người đọc như vũ khí nóng, vũ khí lạnh, đâm chém, giết người hàng loạt, …. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ thẩm định độc lập 65 trò chơi này. Tùy theo mức độ bạo lực trong game sẽ có biện pháp xử phạt cụ thể để ngăn chặn game online độc hại lan tràn trên thị trường và nạn “nghiện game” như hiện nay.
Nếu như các điều này được thực hiện thì viễn cảnh về một nền công nghiệp game của Việt Nam hoàn toàn bị phá sản. Một tương lai với một màu xám xịt đang bao trùm toàn bộ nền công nghiệp game online còn non trẻ và chưa thành hình tại Việt Nam. Nếu như game online biến mất hoàn toàn khỏi Việt Nam, điều gì sẽ xảy ra ?. Mời các bạn cùng Xứ sở Game Online cùng điểm qua một vài viễn cảnh có thể xảy ra nếu như các quy định quản lý “xa rời thực tế” được thực hiện nhé.
1. Doanh nghiệp phá sản, nhân viên thất nghiệp, nhà nước thất thu
Theo một thống kê chưa chính thức thì Việt Nam hiện nay có khoảng trên 70 tựa game online đang vận hành một cách hợp pháp dưới sự điều hành của khoảng 15 doanh nghiệp phát hành game online. Theo ước tính, tổng doanh thu thị trường dịch vụ game online năm 2008 đạt khoảng 80 triệu USD với số lao động khoảng 3.700 người, nộp thuế cho ngân sách nhà nước ước khoảng 287 tỉ đồng.
Game online đóng góp cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Báo cáo Bộ TT&TT cho biết, ước tính năm 2009, doanh thu toàn ngành CNTT chiếm khoảng 6,26 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp nội dung số và dịch vụ trên mạng, 5 năm gần đây tốc độ tăng trưởng 55%. Năm 2009 ước tính doanh số khu vực này là 700 triệu USD, nếu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng này năm 2010 sẽ đạt 1 tỷ USD, và 2011 sẽ đạt 1,5 tỷ USD. Cần biết, trong doanh thu mà nội dung số đạt được thì game online chiếm tới 70%.
Ông Chu Hoà, Phó cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cũng khẳng định, game online là một ngành đóng thuế khá cao cho nhà nước. Năm 2008 là 16,5 triệu USD, năm 2009 khoảng 20 triệu USD.
Hàng nghìn người sẽ thất nghiệp nếu game online biến mất khỏi VN
Như vậy nếu game online biến mất tại Việt Nam thì hầu như các nhà phát hành game online sẽ phải đóng cửa (ngoại trừ một số công ty lớn chuyển đổi hình thức kinh doanh). Hệ lụy của việc này là hàng nghìn nhân viên của các công ty phát hành game sẽ lâm vào tình trạng thất nghiệp, doanh nghiệp thì phá sản còn nhà nước thì thất thu hàng chục triệu USD mỗi năm.
Nếu game online biến mất không chỉ có các doanh nghiệp phát hành game online phải “chịu trận” mà các doanh nghiệp làm trong các lĩnh vực có liên quan mật thiết tới game online như quảng cáo trực tuyến, bán thẻ trực tuyến, các đại lý phân phối thẻ, … cũng bị ảnh hưởng. Như vậy mức độ thiệt hại sẽ không chỉ dừng ở những con số vừa kể trên.
2. Game thủ chơi game nước ngoài, chảy máu nội tệ
Đối với các game thủ yêu thích game online thì việc cấm cản các doanh nghiệp phát hành trong nước chẳng có nghĩa lý gì cả. Ngoại trừ Thuận Thiên Kiếm là game online do công ty VNG tự sản xuất thì các game còn lại đều mua bản quyền từ nước ngoài.
Do đó các game thủ trong nước sẵn sàng chuyển qua máy chủ của các nhà phát hành, sản xuất game của nước ngoài để thưởng thức thú vui của mình. Với đường truyền mạng Internet hiện nay cũng như sự hỗ trợ của các nhà phát hành game của nước ngoài thì việc khám phá các game online này khá dễ dàng. Thậm chí nhiều nhà phát quốc tế còn có phiên bản dành riêng cho Việt Nam như: Ikariam, Travian, Bite Fight, …
Ikariam – Một trò chơi được vận hành tại nước ngoài và có bản Việt hóa
Hiện tại số lượng game thủ đang tham gia tại các máy chủ nước ngoài cũng khá đông nhưng chưa thể thành một cộng đồng đông đảo do hạn chế về ngôn ngữ và có các game online đã được Việt hóa phát hành trong nước. Nếu như các game online tại Việt Nam bị ngừng hoạt động thì cộng đồng này sẽ trở nên vô cùng đông đảo. Và khi đó, hàng trăm triệu USD mỗi năm từ doanh thu của game online sẽ chảy từ Việt Nam vào túi của các nhà phát hành nước ngoài.
3. Server lậu thăng hoa, tiệm net lận đận
Có lẽ một điều mà mọi người ít biết đến trong việc phát hành game online đó là việc các server lậu cùng phát triển với các server chính thức, có bản quyền. Ngay cả khi phiên bản chính thức ở Việt Nam thì các server lậu vẫn hoạt động “ngầm” rất rầm rộ với hàng loạt các trò chơi đang ăn khách như: MU Online, Tru Tiên, Thiên Long Bát Bộ, …
Vua Thiên Long – Một server lậu của Thiên Long Bát Bộ thuộc “tập đoàn” VuaGames
Việc kiếm được mã nguồn các game online trong thời buổi hiện nay là vô cùng dễ dàng. Chỉ cần dạo qua vài diễn đàn chuyên về chia sẻ mã nguồn là bạn có thể kiếm được hàng tá mã nguồn của các trò chơi đang phát hành trên thị trường với đủ mọi thể loại. Chỉ cần có một chút hiểu biết về IT, dịch thuật là một người có thể tự mình vận hành một server game online với các hướng dẫn chi tiết được chia sẻ đầy trên mạng.
Chỉ cần các nhà phát hành game trong nước đóng cửa là hình thức này trỗi dậy như “nấm mọc sau mưa”. Do không phải chịu bất cứ một quy định nào của nhà nước nên các server lậu này đảm bảo sẽ thu hút không ít game thủ và sẽ ngày càng chuyên nghiệp và tinh vi hơn. Thậm chí, nhiều công ty cũng sẵn sàng chọn hình thức này để tránh quy định quản lý của nhà nước nếu như game online bị cấm phá hành.
Các tiệm net cũng sẽ không thoát khỏi cảnh “lận đận, khốn khó”
Các tiệm net cũng sẽ lâm vào tình trạng “khốn đốn” nếu như các quy định mới về quản lý game online được thực hiện. Bán kính 200m của các trường từ mầm non đến PTTH là một điều khó có thể thực hiện tại các thành phố lớn với một không gian hạn hẹp như hiện nay. Các tiệm net tại các huyện, xã nông thôn cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự khi mà đối tượng phục vụ của họ là học sinh thì lại cấm cửa học sinh mặc đồng phục từ 8h đến 17h. Liệu các cơ quan chức năng của nhà nước có quản lý được khi các tiệm net này hoạt động lén lút, bên ngoài thì đóng cửa nhưng bên trong vẫn hoạt động 24/24.
4. Và còn rất nhiều hệ lụy khác
Có một điều không thể phủ nhận rằng, giới trẻ tìm đến game (trong đó có game online) để giải trí vì các hình thức giải trí còn lại quá thiếu hoặc không phổ biến. Thành phố đất chật người đông, khó mà kiếm được một khoảng đất rộng rãi để chơi bóng đá, đá cầu ,… Hay nếu có thì cũng phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để trả tiền thuê sân bãi. Và khi game online biến mất thì giới trẻ sẽ lựa chọn hình thức giải trí nào? Đá bóng dưới lòng đường, đua xe hàng đêm hay tìm đến những bộ phim sex đang nhan nhản trên mạng ? Và rồi từ đó chuyện gì xảy ra thì chỉ có trời mới biết ?!
Giới trẻ sẽ chọn hình thức giải trí gì thay cho game online ?
Một trong những nguyên nhân không nhỏ thúc đẩy quá trình phổ biến Internet cùng thị trường viễn thông, CNTT của nước nhà chính là game online. Các yếu tố này cũng hỗ trợ nhau và đưa nền công nghiệp CNTT – truyền thông của Việt Nam tiến lên. Nếu như một yếu tố nào đó bị suy yếu thì toàn bộ nền CNTT của nước nhà cũng bị ảnh hưởng.
Có thể những điều được nêu ra ở đây chỉ là giả tưởng và không ai trong chúng ta muốn những điều này xảy ra. Nếu như các bạn có ý kiến đóng góp về nội dung bài viết, xin vui lòng để lại ý kiến qua công cụ bình luận ở phía dưới.
Hàn Thiên Hải (Tổng hợp)
theo mình nghĩ…hãy để giới trẻ chúng ta thử thách
trước mọi cám dỗ…còn bậc cha mẹ như chúng ta thì có bổn phận theo dõi và trang bị cho các cháu kĩ năng bản lãnh vượt qua cám dỗ …một ngày nào ta sẽ thấy sự cứng rắn của giới trẻ trước thử thách …
cac bac tren bo van hoa TT cu thu cam game online thu l thang xem sao. toi cam doan chuong trinh CNTT cua viet nam sup do hoan toan…