“Làm gì để vừa hạn chế được những tiêu cực nhưng lại phát huy được mặt tích cực của GO?” Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) cho biết:
GO là một hình thức giải trí mới xuất hiện, do vậy có những ý kiến khác nhau là điều bình thường. Cũng như những hình thức giải trí khác, GO có cả mặt tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, chắc chắn các yếu tố tích cực phải nhiều hơn thì GO mới có thể tồn tại và được xã hội chấp nhận. Cần đặt câu hỏi vì sao GO lại được thừa nhận và có vị trí ở nhiều quốc gia khác trong khi ở VN GO lại bị phản ứng như vậy. Ở đây cần có sự phân tích một cách khoa học và nhìn nhận một cách toàn diện vai trò của các chủ thể tham gia loại hình giải trí này. Từ đó chúng ta sẽ hoạch định những việc cần làm đối với từng chủ thể để phát huy những yếu tố tích cực và hạn chế được những tiêu cực của GO.
Ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam.
Trong thời gian qua, dư luận mới tập trung vào các nhà phát hành GO và coi họ như những “tội đồ” mà bỏ qua các đối tượng khác. Cần phải xem xét bắt đầu từ khâu sản xuất, liệu chúng ta đã thực sự khuyến khích, tạo điều kiện phát triển GO tại VN chưa? Các GO giúp giáo dục, phát huy bản sắc văn hóa VN đã được quan tâm sản xuất chưa? Rồi việc quản lý các tiệm GO, giáo dục định hướng cho người chơi… Về mặt quản lý cũng cần xem lại, liệu đã có các hình thức quản lý phù hợp chưa hay chúng ta mới chỉ chạy theo dư luận xã hội, khi có vấn đề bùng nổ mới tìm cách giải quyết. Như vậy, vấn đề ở đây không phải là cấm hay không cấm GO mà là cách tiếp cận bắt đầu từ khâu khuyến khích, quản lý, đưa ra các quy định như thế nào cho phù hợp và liên quan đến tất cả các đối tượng. Theo tôi, bản thân GO không có tội mà vấn đề là chúng ta phải giải được bài toán sản xuất, phát hành, quản lý để GO có vị trí và chỗ đứng phục vụ lợi ích và nhu cầu của con người.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của các hội đồng kiểm duyệt nội dung GO? Liệu các hình thức quản lý GO theo cách hạn chế giờ chơi, tắt máy chủ từ 22 giờ – 8 giờ có hiệu quả?
GO là sản phẩm công nghệ nhưng cũng là sản phẩm văn hóa. Khi được đưa ra thị trường thì GO được coi như một sản phẩm văn hóa khác, cũng như báo chí, sách, phim ảnh… Sách, báo chúng ta đã có quy trình quản lý tốt cũng như có những định hướng phù hợp cho độc giả. Với GO, không nên “buộc tội” nhà phát hành hay cơ quan quản lý. Vấn đề ở đây chúng ta chưa có chiến lược phát triển, định hướng thị trường GO cho phù hợp. Việc nhìn nhận GO chỉ là sản phẩm công nghệ và quản lý bằng các biện pháp công nghệ như hạn chế giờ chơi, tắt máy chủ… có lẽ cũng giống như thay vì quản lý nội dung báo chí chúng ta lại quản lý kỹ thuật in ấn và khâu phát hành báo ra thị trường. Như vậy sẽ không có hiệu quả.
GO là sản phẩm văn hóa, giao tiếp của GO với người chơi là giao tiếp văn hóa chứ không phải giao tiếp công nghệ. Việc quản lý giờ chơi GO sẽ đi ngược với bản chất của internet là “không biên giới”. Nghĩa là nếu áp đặt việc quản lý sẽ chỉ kiểm soát được các game cung cấp từ VN mà không kiểm soát được game có máy chủ đặt ở nước ngoài. Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng game VN ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng bởi quy định giờ của VN.
Thuận Thiên Kiếm, Game online thuần Việt đầu tiên.
Theo ông, nếu GO do các nhà sản xuất, phát hành trong nước bị hạn chế, liệu có tạo điều kiện cho GO nước ngoài xâm nhập thị trường VN?
Thực tiễn cho thấy khi xã hội có nhu cầu thì tự nó sẽ tìm ra cách thỏa mãn bằng hình thức này hay hình thức khác. Do vậy cần định hướng xu hướng tiêu dùng trong GO để tạo ra sự cân đối trên thị trường. Cụ thể ngoài việc giáo dục, định hướng chúng ta phải tạo ra những sản phẩm GO hay để thu hút người chơi và lúc đó chắc chắn tỷ lệ người dùng các sản phẩm GO có nội dung tiêu cực sẽ ngày càng ít đi. Chúng ta phải kích hoạt những yếu tố lành mạnh, tích cực trong GO mà chúng ta mong muốn để các GO bật lên chiếm vai trò chủ đạo.
Câu chuyện về GO cũng giống như việc mở cửa internet tại VN hơn 10 năm trước. Khi VN kết nối vào mạng toàn cầu, rất nhiều người cũng đã lo ngại những tác động xấu, tiêu cực của internet. Nhưng cùng với thời gian, nhờ có nội dung phong phú mà các website trong nước đã thu hút được số lượng người truy cập rất lớn thay vì chỉ truy cập các website nước ngoài. Mặc dù vẫn còn những trang web đen có nội dung xấu nhưng số người truy cập vào là rất nhỏ so với những người vào internet với mục đích lành mạnh. Đó là chưa kể những lợi ích to lớn trong giáo dục, cung cấp thông tin, nâng cao dân trí… mà internet đã mang lại cho VN. Với GO, tôi cho rằng chúng ta cần tạo ra những sản phẩm có chất lượng để đối trọng với những GO tiêu cực, thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp ngăn cấm. Theo tôi, đó là con đường giúp chúng ta đạt được sự hài hòa. Sự cực đoan sẽ không giải quyết được vấn đề.
Ảnh: Tổng hợp
GAMELAND.VN (Theo Thanh Niên Online)